Công việc được bắt đầu từ việc biên soạn cuốn sách “Nắng được thì cứ nắng - Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân văn”, được nhận Giải thưởng Văn học 2013 của Hội Nhà văn Hà Nội (hạng mục lý luận phê bình văn học). Càng làm, chân dung một nhân sỹ càng được tái hiện đầy đủ hơn.
Dựng lại chân dung học giả yêu nước
Về cuối đời, học giả người xứ Quảng dùng mấy vần thơ khẳng định bản ngã của mình: Nắng chiều đẹp có đẹp / Tiếc tài gần chạng vạng / Mặc dầu gần chạng vạng / Nắng được thì cứ nắng, không lâu sau ông qua đời ở tuổi 73, tại Hà Nội. Gần năm mươi năm sau ngày mất, tên tuổi của ông chìm vào quên lãng. Những người con của ông bắt tay vào công việc đưa tên tuổi cha trở lại.
Phan An Sa, con trai út của học giả, viết cuốn sách “Nắng được thì cứ nắng - Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân văn” mất 6 năm ròng, từ năm 2007 đến 2013. Anh tâm sự: “Cuộc đời cha tôi trải qua nhiều thời, từ thời Pháp thuộc đến thời kháng chiến chống Pháp, rồi hòa bình lập lại trên miền Bắc.
Trải qua nhiều thời như vậy nên ông gặp nhiều biến cố, lớn nhất là biến cố Nhân văn - Giai phẩm hồi 1956 - 1958. Tôi là con ông, tôi hiểu ông và vì hiểu mà tôi muốn dựng lại chân dung cha mình: Một học giả yêu nước”.
Phan An Sa bên di cảo của người cha.
Tuy nhiên, di cảo của Phan Khôi còn lại rất nhiều. Người con trai thứ của ông, nhà giáo Phan Nam Sinh bảo quản, gìn giữ di cảo suốt những năm chiến tranh. Năm 1977, anh chuyển vào sinh sống ở Biên Hòa nên giao lại “gia tài” cho mẹ và người em út Phan An Sa vừa từ chiến trường trở về Hà Nội. Từ năm 2008, gia đình Phan Khôi bắt đầu sắp xếp, phân loại khối di cảo của người cha để lại. Hai năm, 2008 - 2009, vợ chồng Phan An Sa làm công việc sao lục, gửi đến các thành viên trong gia đình xin ý kiến đóng góp, sửa lỗi, soạn các chú thích và hiệu đính.
Anh chia sẻ: “Gọi là sao lục bởi việc đó không đơn giản chỉ là đánh máy, vì gặp phải quá nhiều khó khăn, tốn nhiều công sức do tình trạng văn bản xuống cấp nghiêm trọng; nhiều trang viết mực bị nhòe, bị mối xông mất chữ; nhiều chỗ có cả chữ Hán, chữ Pháp hoặc phiên âm tiếng nói của các dân tộc thiểu số ở Việt Bắc; nhiều chỗ trong các cuốn sổ tay ghi chép được ông ghi vội để một mình ông hiểu; nhiều chỗ ông ghi lúc già yếu, tay run, rất khó nhận ra mặt chữ”.
Công việc đang tiến hành suôn sẻ thì máy tính của Phan An Sa bị virus tấn công, mất toàn bộ file, nên phải lần mò làm lại từ đầu. Đến cuối năm 2013, công việc sao lục hoàn thành, bản gốc và các file di cảo được Phan An Sa chuyển vào Biên Hòa cho anh Phan Nam Sinh, một giáo viên ngữ văn am hiểu chữ Hán, làm tiếp công việc soạn các chú thích còn lại và tiến hành hiệu đính. Bởi trong di cảo có những sự kiện lịch sử cổ đại, cận đại; những nhân vật lịch sử; những điển cố; những từ Hán- Việt; những từ cổ; những phương ngữ đã trở nên xa lạ với độc giả thời nay.
Sai sót, nếu có, không đáng kể
Bản thảo đánh máy di cảo của Phan Khôi có độ dày gần 500 trang A4, với hai phần Di cảo và Phụ lục. Phần di cảo gồm có năm loại là Tiểu sử và kiểm thảo; nghiên cứu; tác phẩm dịch; hồi ký lịch sử; sổ tay ghi chép. Những bài khảo cứu của Phan Khôi thể hiện rõ tính khoa học, khách quan và cầu thị.
Trong phần phụ lục có hai truyện ngắn đã công bố từ ngày ông mới bước chân vào nghề báo là “Sóng gió bề hoạn” và “Mộng trong giấc mộng” viết bằng chữ Hán đăng trên báo Nam Phong năm 1918, với bút danh Chương Dân, do giáo sư Lê Trí Viễn sưu tầm, chuyển ngữ và gửi tặng gia đình.
Phan An Sa nói: “Đây là lần thứ nhất, cũng là lần cuối cùng, chúng tôi làm công việc xuất bản Di cảo của một học giả là đấng sinh thành, một công việc không dễ dàng so với năng lực của chúng tôi”. Nhưng anh và gia đình cam kết: Những sai sót trong bản thảo di cảo đưa đến nhà xuất bản, nếu có, là không đáng kể; vì vậy độc giả có thể hoàn toàn yên tâm về sự trung thành so với nguyên bản của tác giả.
Điều đáng tiếc, trong di cảo xuất bản lần này đã không có những ghi chép rất công phu của Phan Khôi từ ngày còn ở trên Việt Bắc, về Hà Nội ông bổ sung và hoàn thiện thành truyện ký, lúc đầu để tên “Quà Việt Bắc” với ý tặng nhân dân Hà Nội, về sau đổi thành “Nắng chiều”. Hiện nay, bản thảo tác phẩm này không còn nữa. Các con ông đều tiếc vì “Quà Việt Bắc” được nhà văn lão thành cặm cụi viết bên ngọn đèn dầu trẩu tù mù giữa rừng sâu Việt Bắc.
Bản thảo cuốn Phan Khôi - Di cảo đang được các con ông khẩn trương hoàn thành những phần việc cuối cùng, cố gắng ra mắt vào năm 2017 đúng dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của ông (1887-2017).
Phan Khôi từng bị thực dân Pháp bắt, kết án ba năm tù (1908 - 1911) vì hoạt động trong phong trào Duy Tân. Ra tù, ông tiếp tục hoạt động trong phong trào Đông Du của Phan Bội Châu. Phan Khôi tham gia kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc. Năm 1954, ông trở về Hà Nội, làm việc trong Hội văn nghệ Việt Nam.
Phan Khôi là người sáng lập và làm chủ nhiệm tuần báo Sông Hương ở Huế. Trong lĩnh vực văn chương, với bài thơ “Tình già”, công bố năm 1932, ông được coi là người đi tiên phong trong việc phá bỏ thành trì thơ cũ, mở đường cho Thơ Mới phát triển. Phan Khôi là tác giả của không ít câu thơ được nhiều người thuộc: “Mối sầu như tóc bạc/Cứ cắt lại dài ra”; “Hồng nào hồng chẳng có gai/Miễn đừng là thứ hồng lài không hoa”…
Văn bản xuống cấp nghiêm trọng; nhiều trang viết mực bị nhòe, bị mối xông mất chữ; nhiều chỗ có cả chữ Hán, chữ Pháp hoặc phiên âm tiếng nói của các dân tộc thiểu số ở Việt Bắc