Hoa Sen “nở” trên quê Bác
Đây là dự án thứ hai của Hoa Sen tại Nghệ An, có dây chuyền cán nguội có tổng công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm; hai dây chuyền sản xuất tôn mạ với tổng công suất thiết kế 500.000 tấn/năm; một dây chuyền sản xuất tôn mạ màu với công suất thiết kế 120.000 tấn/năm… Dự án trước đó của Hoa Sen đầu tư tại KCN Nam Cấm (từ đầu tháng 10/2014) có vốn dự toán 200 tỷ đồng, cũng vừa khánh thành giai đoạn 1.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cam kết, nhà máy tại KCN Đông Hồi sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên vào 3/2016 (sau 9 tháng) và hoàn tất trong vòng 24 tháng. Ông Vũ chia sẻ, lúc đầu, ông định đầu tư dự án ở Nghi Sơn (Thanh Hóa) hoặc Vũng Áng (Hà Tĩnh), vì ngành thép cần cảng biển nước sâu. “Có lẽ do bằng sự chân thành, uy tín, cách tiếp cận từ lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đặc biệt là đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thực sự tôi đã bị thuyết phục và đã chọn Nghệ An để đầu tư”- ông Vũ nói.
KCN Đông Hồi nằm trong khu liên kết với khu kinh tế Nghi Sơn (khoảng 5 km), được Chính phủ phê duyệt và có ưu đãi đầu tư. Ông Vũ ví von vị trí này như một chàng trai “cao to, đẹp trai, nhưng…ngủ dậy muộn”. Đặc biệt, việc đặt nhà máy ở vị trí này, giúp Hoa Sen làm “bàn đạp”, cấp tôn thép cho các tỉnh miền Bắc, miền Trung và xuất khẩu đi các nước như Lào, Thái Lan, Campuchia…thuận lợi.
Về các dự án của Hoa Sen, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Đường tin tưởng: “Hoa Sen đã, đang và tiếp tục nở trên quê Bác”. Ông Đường cho biết, tỉnh sẵn sàng chào đón và tạo điều kiện tốt nhất cho những nhà đầu tư vào Nghệ An.
Làm như thời chiến
Chủ tịch Hoa Sen chia sẻ, cuối tháng 5 vừa rồi, ông có chuyến đi Trung Quốc. Ông nhận định, trong bối cảnh Trung Quốc đang thừa ê hề về công suất ngành thép và bán với giá rẻ, trước sau cũng đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ các nước trong nhiều năm tới.
Và ngay đầu tháng 6/2015, Mỹ đã chính thức khởi kiện chống bán phá giá ngành thép với hàng nhập từ Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ý. Theo ông Vũ, đây là cơ hội cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Xác định Mỹ là thị trường chính của Hoa Sen trong nhiều năm tới, nhưng thời gian qua, mỗi tháng Hoa Sen chỉ xuất khoảng vài trăm tấn, vì khó cạnh tranh với loại tôn giá rẻ. Thế nhưng sau sự kiện trên, chỉ trong 2-3 tuần đầu tháng 6, Hoa Sen đã nhận đơn hàng 65.000 tấn từ Mỹ.
“Nhìn thấy cơ hội trên, tôi đã về họp gấp HĐQT để thông qua dự án. Tôi đã bay bằng trực thăng ra khảo sát và quyết định ngay vị trí ở Đông Hồi để triển khai dự án trên. Tính ra, từ lúc có ý định quyết định đầu tư đến ngày khởi công, dự án 5.000 tỷ trên chỉ diễn ra trong 21 ngày”’- ông Vũ chia sẻ.
Theo ông Vũ, ba “nguyên tắc vàng” để Hoa Sen phát triển nhanh, bền vững là đầu tư bằng công nghệ, chất lượng tốt; làm cực nhanh và với chi phí tốt nhất. “Ngành thép đầu tư ban đầu rất cao, nếu DN không có tầm nhìn xa, không dự báo sự dịch chuyển, tạo ra được khả năng thích ứng với sự thay đổi đó, thường thất bại hơn là thành công. Đó là lý do ngành thép bị cảnh báo nhiều nhất và ngân hàng thường không ưu tiên cho vay. Chúng tôi là một ngoại lệ, vì tạo ra sự khác biệt, tốc độ là số một”- ông Vũ chia sẻ.
Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen cho biết, một dự án thép nếu nhanh phải mất 2-3 năm, nhưng Hoa Sen triển khai một dây chuyền chỉ trong khoảng 9-10 tháng. “Chúng tôi làm với tốc độ cực nhanh, làm như thời chiến và luôn tuân thủ kỷ luật tăng trưởng. Muốn làm được đội ngũ dự án phải chính trực, liêm chính, không tham nhũng trong quá trình triển khai dự án. Nếu làm được, chúng sẽ tạo ra được sự khác biệt, thành công”.
Với cách làm khác biệt và có tầm nhìn của mình, ông Vũ đã đưa Hoa Sen thành tập đoàn sản xuất, kinh doanh tôn, thép số 1 Việt Nam và là nhà xuất khẩu tôn, thép hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt tháng 4/2015, Hoa Sen là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam được chọn vào danh sách các công ty tăng trưởng toàn cầu 2015 do Diễn đàn kinh tế Thế giới tổ chức và bình chọn.
Ngoài ra, đầu tháng 6 vừa rồi, ông Vũ là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia tranh tài vòng chung kết giải thưởng EY Entrepreneur Of The Year Thế giới tại Monaco, cùng 64 doanh nhân đạt giải thưởng này tại 52 quốc gia khác trên toàn cầu; lưu danh tên tuổi của Việt Nam trên “Bức tường vinh danh” của giải thưởng trên, cùng với 572 doanh nhân thế giới đã từng được vinh danh kể từ năm 2001.