Chuyện của ông Vũ 'Hoa Sen'

Ảnh chân dung chủ tịch HSG Lê Phước Vũ.
Ảnh chân dung chủ tịch HSG Lê Phước Vũ.
TP - Ông Lê Phước Vũ, chủ tịch tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa trở về từ Monaco, nơi ông đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi bản lĩnh doanh nhân thế giới (giải EY) do hãng Ernst&Young tổ chức. Cuộc thi này được nhiều người xem là “giải Oscar” của giới doanh nhân toàn cầu.

Câu chuyện mà ông chủ HSG mang đến Monaco kể về sự nghiệp của một người bắt đầu kinh doanh từ hai bàn tay trắng, khởi sự từ một cửa hàng nhỏ kinh doanh tôn tấm để rồi trở thành ông chủ tập đoàn có tài sản hàng chục ngàn tỷ đồng.

Ông Lê Phước Vũ sinh năm 1963 tại Bình Định trong một gia đình lao động nghèo. Tốt nghiệp phổ thông trung học, ông tiếp tục học trung học chuyên nghiệp ngành vận tải ô tô và sau đó vào miền Nam lập nghiệp. Bắt đầu từ hai bàn tay trắng, ông đã phải bươn chải đủ nghề, từ làm ở đội xe khoán, lái xe con … phiêu bạt từ Tây Ninh đến Sài Gòn, lên Buôn Ma Thuột mong cuộc sống sẽ khấm khá hơn. Sau đó, tại Sài Gòn, ông được nhận vào làm quản đốc một phân xưởng gỗ, rồi quản lý một cửa hàng vật liệu xây dựng. Sự nghiệp của ông bắt đầu từ đây.

Khởi nghiệp từ cửa hàng cắt tôn

Sinh ra tại vùng đất miền trung thường xuyên phải hứng chịu thiên tai bão lụt, ông Lê Phước Vũ nhận thấy người dân phải tiết kiệm cả cuộc đời mới dựng được một mái nhà nhưng chỉ một trận bão đi qua thì mơ ước về một mái nhà tuy giản dị mà vẫn rất xa vời. Sản phẩm tôn lợp rất phù hợp với nhu cầu dựng nhà của người dân và cũng hợp với điều kiện kinh tế, thiên nhiên của đất nước. Ông ấp ủ ý định phát triển sản phẩm này.

Tháng 4/1994, ông mở một cửa hàng cắt tôn. Khi tìm được mặt bằng phù hợp để  thuê, vợ chồng ông không có đủ 5 triệu đồng tiền đặt cọc, vì trong tay chỉ có hai chỉ vàng và 200 ngàn đồng  (tương đương 1,2 triệu đồng). Chạy vạy khắp nơi ông mới mượn được đủ tiền với cam kết sẽ cắt tôn trừ nợ dần sau này.

“Tôi nhớ như in cảm giác lần đầu tiên cầm 650.000 đồng tiền lãi của cửa hàng trong tay, mừng đến rơi nước mắt’’, ông kể. Để có được những đồng lãi đó, ông đã phải làm đủ việc: bán hàng, thu tiền, cắt tôn, khiêng tôn, vì không có tiền thuê thêm người phụ.

Chuyện của ông Vũ 'Hoa Sen' ảnh 1

Ông Lê Phước Vũ chụp ảnh với ông Mark Weinberger - chủ tịch và CEO tập đoàn Ernst & Young, đơn vị tổ chức giải EY.

Năm 1997, khi cạnh tranh bắt đầu khốc liệt và cửa hàng kinh doanh tôn tấm cắt sẵn không còn hiệu quả, ông Vũ nhận thấy cần phải đầu tư máy cán tôn thì mới có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng, tiết kiệm chi phí cho người dân, nâng cao lợi thế cạnh tranh của cửa hàng. Ông tính chuyện mở xưởng cán tôn. Thời điểm đó, máy móc công nghiệp thường phải nhập từ Đài Loan, và chiếc máy ông nhắm đến có giá đến 120.000 USD - quá lớn so với khả năng của ông.

Cái khó ló cái khôn, ông đã hóa giải vấn đề này bằng giải pháp sử dụng một số phụ tùng của Đài Loan, tham khảo tìm tòi các bản vẽ thiết kế, còn lại thuê gia công, cóp nhặt linh kiện trong nước, mày mò lắp ráp cải tiến hiệu chỉnh dần. "Đến nay chiếc máy cán tôn tự chế này vẫn đang hoạt động tốt", ông Vũ nói.

Kinh doanh thuận lợi, ông bắt đầu tính đến việc mở rộng phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, ông gặp khó khăn khi mở các cửa hàng mới trong khi chưa được đào tạo quản lý bài bản. Ông đã phải nỗ lực nhiều, dựa vào kinh nghiệm để đảm bảo mỗi cửa hàng đều có lãi, quản lý được tiền và hàng. Chính từ việc xây dựng chuỗi cửa hàng, ông chủ Hoa Sen hiểu ra rằng muốn thành công phải nắm chắc được quá trình phân phối từ khi xuất xưởng đến khi hàng tới tay người tiêu dùng thông qua hệ thống bán lẻ.

Năm 2001, với số vốn tích góp trong suốt bảy năm kinh doanh, ông thành lập Công ty Cổ phần Tôn Hoa Sen với vốn điều lệ 30 tỷ đồng và 23 nhân viên tại Khu công nghiệp Sóng Thần II, Dĩ An, Bình Dương, sản xuất tấm lợp kim loại, tôn mạ màu, tôn mạ kẽm và các loại vật liệu xây dựng khác.

Nhưng cũng vào thời điểm này, một lần nữa Hoa Sen đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ mạnh hơn nhiều lần về kinh nghiệm lẫn nguồn vốn. Trước những thách thức từ đối thủ cạnh tranh và nguy cơ phá sản, ông Vũ càng khẳng định việc xây dựng một hệ thống phân phối hiệu quả là hướng đi của Hoa Sen trong thời khắc quyết định này. Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, ông Vũ tập trung vào chiến lược chất lượng, phát triển mạng lưới phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng với phương "mua tận gốc, bán tận ngọn".

Chuyện của ông Vũ 'Hoa Sen' ảnh 2

Ông Lê Phước Vũ chụp ảnh lưu niệm với ông Mohed Altrad – người chiến thắng giải thưởng EY toàn cầu 2015. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Tìm cơ hội trong thách thức

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới làm suy thoái kinh tế toàn cầu, suy giảm tăng trưởng kinh tế trong nước năm 2008 đã đẩy HSG vào thời kỳ khó khăn nhất. Ngành thép chịu tác động vô cùng lớn khi giá thép cán nóng (nguyên liệu đầu vào của HSG) sụt giảm đột ngột và liên tục từ mức 1.092 USD/tấn xuống mức 458 USD/tấn chỉ trong vòng 6 tháng khiến các doanh nghiệp không kịp trở tay với lượng hàng tồn kho giá thành cao. Ông Vũ quyết định giảm giá bán để đẩy nhanh tiêu thụ lượng hàng tồn kho, đảm bảo tính thanh khoản và tạo nguồn tiền để tập đoàn sẵn sàng nắm bắt cơ hội mua nguyên liệu giá rẻ. Một lượng lớn nguyên vật liệu khi giá giảm xuống mức đáy được HSG mua vào và việc này tạo ra ưu thế lớn cho tập đoàn so với các doanh nghiệp cùng ngành khi thời gian sau đó giá thép cán nóng đã nhanh chóng phục hồi.

Từ khi bắt đầu kinh doanh năm 1994 với số tiền vốn 1,2 triệu đồng, tính đến ngày 30/9/2014 doanh thu của Tập đoàn Hoa Sen là gần 15 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 410 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 10 ngàn tỷ đồng …

(Nguồn: từ tài liệu do HSG cung cấp)

Trong giai đoạn các doanh nghiệp trong ngành điêu đứng và vẫn chưa thể ổn định sản xuất cũng là lúc ông nhìn thấy cơ hội “vàng’’ để đầu tư mở rộng khi giá máy móc thiết bị và chi phí thi công đang ở mức thấp nhất. Đồng thời, tập đoàn còn có thể tiết giảm hơn nữa chi phí khi nhận gói hỗ trợ lãi suất 4%/năm từ chính sách kích cầu của Chính phủ. Nhận định về triển vọng tích cực trong tăng trưởng của kinh tế trong và ngoài nước sau giai đoạn suy giảm, ông Vũ quyết định đầu tư dự án nhà máy tôn Hoa Sen Phú Mỹ với công suất lớn gấp ba lần tổng công suất lúc đó của tập đoàn. Dây chuyền mạ thép dày công nghệ NOF của dự án là dây chuyền đầu tiên có mặt tại Đông Nam Á.

Dự án được xây dựng nhanh kỷ lục: Chỉ trong 10 tháng (5/2009 - 3/2010), dây chuyền đầu tiên đã hoàn thành, tạo doanh thu, góp phần giúp tập đoàn vượt qua khủng hoảng và đón đầu khi nền kinh tế phục hồi.

Cũng ngay trong giai đoạn khó khăn đó, thị trường vật liệu xây dựng trong nước bị ảnh hưởng bởi sự đóng băng của thị trường bất động sản. Ông Vũ đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu ra nhiều quốc gia, giai đoạn 2009-2010. Bước đi đó đã giúp Hoa Sen đã duy trì tốt tốc độ tăng trưởng doanh thu trong khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành đang lâm vào tình trạng khó khăn, và trở thành doanh nghiệp xuất khẩu tôn – thép hàng đầu Đông Nam Á với doanh thu xấp xỉ 300 triệu USD trong năm 2014, đạt tốc độ tăng trưởng từ năm 2008 đến nay ở mức trung bình 93%/năm.

“Hoa Sen hiện là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hàng đầu Việt Nam, đất nước hầu như chỉ được biết đến với việc xuất khẩu nông thủy sản, dầu thô”, ông Vũ nói.

Tính đến cuối năm 2014, HSG có 150 chi nhánh trên cả nước, hầu hết là tài sản của HSG sở hữu. Đây còn là lợi thế rất lớn bởi nhờ đó HSG chủ động được hàng hóa, giá cả và còn tạo ra năng lực cạnh tranh khi sản phẩm được bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng.

Ông Vũ cho rằng: “Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra thì hệ thống phân phối chủ động này sẽ là cứu tinh của doanh nghiệp. Hiện nay, trong lĩnh vực tôn thép chưa có một doanh nghiệp  nào xây dựng được hệ thống phân phối như Hoa Sen. Chỉ cần một email được gửi đi thì toàn bộ hệ thống phân phối trên toàn quốc đều được điều chỉnh”. Có thể là điều chỉnh về giá cả hoặc đẩy nhanh việc bán hàng tồn kho. Với quy trình kinh doanh khép kín từ nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất, phân phối, bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng, HSG đã tạo được ra một chuỗi giá trị gia tăng liên tục và tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu từ 15-25%, cao nhất ngành thép Việt Nam.

Trong quá trình điều hành tập đoàn trong gần 20 năm qua, ông rút ra một nguyên lý trong điều hành là luôn luôn tìm ra được điều tối ưu chứ không bao giờ có được sự hoàn hảo.

“Trong quản lý nhân sự cũng vậy. Khi mới khởi nghiệp,  tôi không có đủ tiền để thuê nhân sự trình độ cao nên phải thuê những người phù hợp với khả năng trả lương”, ông Vũ nói.

Trong quá trình phát triển ông thuê những người có trình độ cao hơn. Đặc biệt là hiện nay ở Việt Nam có hàng vạn du học sinh tốt nghiệp từ nước ngoài. Theo ông Vũ, đây là vốn quý của Việt Nam cho nên hiện nay và sắp tới Hoa Sen sẽ ưu tiên những người du học nước ngoài. Đến nay bộ máy quản trị của tập đoàn đã vận hành bài bản và điều này được khẳng định khi vào ngày 8/1/2014, Tập đoàn Hoa Sen đón nhận vị trí hạng nhất của giải thưởng “Công ty được quản lý tốt nhất châu Á 2014” do tạp chí Euromoney (Vương quốc Anh) trao tặng.

Nói về phẩm chất của một doanh nhân trong thời buổi hội nhập, chủ tịch HSG cho rằng doanh nhân thời đại mới phải “có cái nhìn toàn cầu” và luôn biết tận dụng cơ hội. “Trung Quốc là một công xưởng của thế giới trong thời gian dài. Nhưng khi đồng Nhân dân tệ lên giá, khi giá nhân công ở Trung Quốc tăng lên thì đó chính là cơ hội của Việt Nam”.

Ông Vũ nhận định hội nhập thương mại với thế giới nên được xem là cơ hội của doanh nghiệp hơn là thách thức. Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán thương mại song phương và đa phương, với các lợi ích đan xen, với sự vận động của các nhóm lợi ích, sự đoàn kết của giới doanh nhân, của các hiệp hội ngành hàng trong nước là đặc biệt quan trọng.

“Người Việt rất thông minh, nhưng ít đoàn kết. Trong khi đó, gia nhập các hiệp định thương mại đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải chung tay, chung sức. Tôi cho rằng với tình hình hiện nay, chúng ta không đoàn kết cũng không thể được”, ông chủ HSG nói.

Đa số nhà báo Việt Nam là tốt

Khi được hỏi về việc ông có ý định kiện một tờ báo mạng trong nước, ông Vũ nói: “Ở Việt Nam, đa số tờ báo là tốt, đa số nhà báo là tốt. Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển không thể thiếu sự đồng hành của báo chí, truyền thông. Còn về bài báo kia, tôi cho rằng họ đã xúc phạm đến danh dự của tôi, làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Về việc này, tôi chủ trương giải quyết bằng pháp luật và mọi việc sẽ được phán quyết tại tòa án. Chúng tôi đang xúc tiến việc này”.

MỚI - NÓNG