Phần thân một chiếc P-8A Poseidon. Những chiếc máy bay này dài 39,47 m, sải cánh 37,64 m với tải trọng cất cánh tối đa đạt 86.000 kg.
P-8 Poseidon cất cánh lần đầu năm 2009 và chính thức được giới thiệu tháng 11/2013. Hiện tại, những chiếc P-8 Poseidon đang hoạt động trong biên chế quân đội Mỹ. Hải quân Ấn Độ và Không quân Hoàng gia Australia cũng đặt mua mẫu phi cơ này.
Trên thực tế, phần thân những chiếc P-8 Poseidon tương đồng với thân máy bay Boeing 737-800 trong khi cánh của chúng giống Boeing 737-900. Để phục vụ hệ thống máy móc và radar do thám, P-8 được bổ sung 2 máy phát điện công suất lớn trên mỗi động cơ chính. Chúng mạnh gấp 2 lần so với máy phát điện của phi cơ dân sự, buộc Boeing phải thiết kế lại vỏ động cơ và khung cánh.
Phi hành đoàn trên máy bay gồm 9 người, bao gồm 2 phi công và 7 sĩ quan giám sát các thiết bị do thám. Vận tốc tối đa của máy bay đạt 907 km/h trong khi tốc độ hành trình là 815 km/h. Trần bay tối đa của máy bay là 12.500 m, phạm vi hoạt động đạt 2.200 km.
Khác với máy bay dân sự, P-8 Poseidon có rất ít cửa sổ. Tuy nhiên, máy bay được chế tạo bao gồm khoang chứa bom hoặc ngư lôi và các giá treo vũ khí dưới cánh. Nó cũng được lắp đặt hệ thống phao sono để săn ngầm.
Quanh thân máy bay được bố trí các cảm biến và ăng ten để thu thập thông tin do thám. Máy bay cũng sở hữu radar để theo dõi mục tiêu và máy quay độ phân giải cao để giám sát tàu chiến đối phương hoặc truy tìm dấu vết tàu ngầm.
Radar AN/APY-10 nằm ở mũi một chiếc P-8 Poseidon. Nó có khả năng phát hiện mục tiêu trên bộ và trên biển, truy tìm kính tiềm vọng của tàu ngầm đối phương.
Mỗi chiếc P-8 Poseidon được bán với giá 250 tới 275 triệu USD theo tỷ giá năm 2013. Các giá treo cho phép nó mang theo tên lửa hành trình dẫn đường AGM-84H/K SLAM-ER, tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon, ngư lôi, thủy lôi hoặc các loại bom và vũ khí chống ngầm có thể triển khai từ độ cao lớn.