Đột nhập khu bảo tồn trộm tê giác, những kẻ đi săn bị sư tử ăn thịt

Đột nhập khu bảo tồn trộm tê giác, những kẻ đi săn bị sư tử ăn thịt
Ít nhất 3 kẻ đột nhập vào khu bảo tồn ở Nam Phi ăn trộm tê giác bị sư tử tấn công và ăn thịt, đại diện khu bảo tồn này cho biết.

Nhân viên tại khu bảo tồn Sibuya Game tại khu vực thị trấn Kenton trên bờ biển Nam Phi phát hiện những mảnh thi thể cùng một số đôi giày vương vãi trong khu bảo tồn này vào ngày 3/7. Theo nhân viên của khu bảo tồn này, đây là phần thi thể còn sót lại của những kẻ săn trộm tê giác bị sư tử tấn công và ăn thịt.

“Những con sư tử là những cảnh vệ của chúng tôi, những kẻ này đi vào nhầm chỗ và trở thành bữa ăn của chúng. Bất cứ sự mất mát nào đều khiến chúng tôi buồn, nhưng những kẻ săn trộm luôn tới đây giết hại động vật, đây là thông điệp rõ ràng cho những kẻ săn trộm rằng các người không phải lúc nào cũng là kẻ chiến thắng”, chủ khu bảo tồn Nick Fox nói.

Ông Fox cho biết những cây rìu, máy cắt và súng trường giảm thanh rơi xung quanh khu vực phát hiện ra những mảnh thi thể của những kẻ săn trộm – những kẻ này “rõ ràng có ý định giết tê giác và cưa sừng của chúng”.

Trực thăng được cử đến rà soát khu vực có diện tích 78 km vuông, tuy nhiên các nhân viên không tìm thấy bất cứ kẻ săn trộm nào. Số vũ khí thu được tại hiện trường được cảnh sát kiểm tra để tìm hiểu xem liệu chúng được sử dụng trong những vụ săn trộm nào trước đây.

Khu bảo tồn Sibuya Game là nơi cư trú của voi, tê giác, trâu rừng, sư tử và báo hoa mai, vốn nổi tiếng với nhiều khách du lịch. Năm 2016, những kẻ trộm giết chết 3 con tê giác trong khu bảo tồn này và cưa sừng của chúng.

Sừng tê giác là món hàng mang lại nhiều lợi nhuận nhất trên chợ đen, chủ yếu được tiêu thụ ở một số quốc gia châu Á – từ thông tin lan truyền bột mài từ sừng tê giác được cho là thần dược có thể chữa tất cả các loại bệnh tật.

Hơn 1.000 con tê giác bị săn trộm tại Nam Phi chỉ trong năm 2017, con số tăng báo động kể từ năm 2007 khi chỉ có 13 con tê giác bị giết. Nam Phi là nơi cư trú của từ 80-85% số lượng tê giác trên thế giới với khoảng 29.000 con, khiến cho những kẻ săn trộm đổ xô đến quốc gia này.

Tê giác trắng châu Phi là loài động vận được xếp vào danh sách gần mức bị đe dọa, trong khi đó tê giác đen ở mức cực kỳ nguy cấp. Một phân loài tê giác đen phía Tây bị săn đến tuyệt chủng vào năm 2011.

Theo Theo VTC News
MỚI - NÓNG