Đồng ý Habubank nhập vào SHB

Đồng ý Habubank nhập vào SHB
TP - Hơn 99% cổ đông Ngân hàng cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) đồng ý kế hoạch sáp nhập với Habubank, tại Đại hội cổ đông cuối tuần qua. Hơn 85% tổng số phiếu biểu quyết của cổ đông Habubank biểu quyết sáp nhập vào SHB.

Lộ thông tin SHB thâu tóm Habubank

Việc sáp nhập SHB - HBB được coi là trơn tru
Việc sáp nhập SHB - HBB được coi là trơn tru.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã phát đi thông điệp ủng hộ việc sáp nhập hai ngân hàng này. Như vậy, việc Habubank mất tên trên thị trường sau 25 năm gây dựng, chỉ chờ quyết định chính thức của NHNN.

Theo giới phân tích, cuộc sáp nhập Habubank vào SHB diễn ra khá “thuận buồm xuôi gió”, vì trước khi diễn ra Đại hội cổ đông của SHB, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB đã giải tỏa được mối lo lắng về khoản lỗ lũy kế của Habubank lên tới 4.066 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đại hội cổ đông của Habubank, con số lỗ này được tính toán lại chỉ còn 1.829 tỷ đồng. Vì sao lại có “sai số” lớn như vậy?

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết: Con số lỗ khác nhau như vậy phụ thuộc vào cách hạch toán của ngân hàng. Đây là số lỗ dựa trên cơ sở trích lập dự phòng đầy đủ đối với các khoản cho vay và đầu tư ở mức độ rủi ro cao nhất.

Nguyên nhân chính khiến Habubank lỗ nhiều như vậy là bởi phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho các khoản vay và trái phiếu của Vinashin ngay trong năm đầu lên tới 2.236,36 tỷ đồng, trong đó, trích lập dự phòng khoản vay Vinashin là 1.860 tỷ đồng và trái phiếu Vinashin là 376,26 tỷ đồng.

Nhưng sau ngày 28-4, HĐQT hai bên đã họp lại và quyết định xây dựng phương án trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho các khoản vay và trái phiếu Vinashin trong vòng 5 năm, do đó mỗi năm chỉ còn 447,2 tỷ đồng. Nhờ vậy, số lỗ lũy kế của Habubank tại thời điểm 29-2-2012 được xác định lại là 1.829 tỷ đồng sau khi chuyển sang SHB.

Với cách tính toán trên, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB tự tin: “Trong năm 2012, sau khi sáp nhập, khoản lỗ trên sẽ được xử lý xong. Vì trước khi có phương án sáp nhập, lợi nhuận của SHB năm 2011 trên 1.000 tỷ đồng, dự kiến lãi năm 2012 là 1.250 tỷ đồng.

Còn kết quả kinh doanh bình thường của Habubank trong các năm trước khi xảy ra khó khăn khoảng 600 tỷ đồng/năm. Như vậy, lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất dự kiến khoảng 1.850 tỷ đồng, dôi ra khoảng 21 tỷ đồng so với khoản lỗ Habubank chuyển sang sau sáp nhập là 1.829 tỷ đồng”.

Theo phương án tài chính, quyền lợi cổ đông SHB sau sáp nhập: Đối với lợi ích cổ đông của SHB cũ theo danh sách chốt trước ngày sáp nhập sẽ được chi thêm 0,21% cổ phiếu trên một cổ phiếu có quyền sở hữu.

Đó chính là cổ tức mà cổ đông cũ của SHB được chia trong năm 2012. Còn đối với cổ đông sau sáp nhập (bao gồm cổ đông mới) thì mức cổ tức được chia tối thiểu bằng lãi suất huy động tại thời điểm đó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG