Đồng Tháp Mười chờ tượng đài của mẹ

Bộ trưởng LĐ -TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân thăm mẹ Viết Ảnh: Trần Hiếu
Bộ trưởng LĐ -TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân thăm mẹ Viết Ảnh: Trần Hiếu
TP - Ở vùng sâu của Đồng Tháp Mười thuộc xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng (Long An) có Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Viết, có 7 con đẻ và 1 rể là liệt sĩ, đến nay đã tròn 119 tuổi.

> Những pho sử - đời người
> Người mẹ anh hùng sống qua ba thế kỷ

Bộ trưởng LĐ -TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân thăm mẹ Viết Ảnh: Trần Hiếu
Bộ trưởng LĐ -TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân thăm mẹ Viết. Ảnh: Trần Hiếu.

Mới đây Bộ trưởng Bộ LĐ-TB & XH Nguyễn Thị Kim Ngân đã trực tiếp đến ấp Cả Gừa, xã Tuyên Bình Tây thăm mẹ Viết. Mẹ lần tay lom khom vịn bộ ván đi từ giường nằm ra cái võng sau chái nhà. Thấy mấy bác sĩ đến thăm khám sức khỏe, mẹ nói: Diêm Vương bỏ quên tao rồi, khám bịnh làm gì bây ơi...

Mẹ vẫn còn minh mẫn, nhớ rất nhiều chuyện. Hai chân của mẹ bắt đầu yếu dần, mắt cũng vậy, đôi mắt của mẹ đã nhìn qua ba thế kỷ, nay bao phủ màn sương trắng đùng đục. Mẹ sống cùng vợ chồng cháu nội là anh Nguyễn Văn Bình, một nông dân hiền như hạt lúa, củ khoai.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân và Bí thư Tỉnh ủy Long An, ông Mai Văn Chính trao quà, hỏi thăm mẹ Viết. Mẹ khe khẽ hát những câu hò đối đáp giao duyên thời trẻ kể mấy mẩu chuyện về thời xa lắc, xa lơ của Đồng Tháp Mười. Các cháu chắt của mẹ cho biết: hôm nay bà cụ vui lắm nên nói nhiều, hát nhiều. Mấy bữa trước cụ ngồi buồn thiu…

Nhẩm tính sơ sơ, đàn cháu con, chắt, chít của mẹ Viết (4-5 đời) đã gần 450 người. Con gái út thứ 10 của mẹ trên 76 tuổi, sức khỏe yếu hơn mẹ, là người con duy nhất còn sống tại Mộc Hóa.

Nhiều đêm không ngủ, mẹ ngồi dậy nhai trầu trong bóng tối, không ai biết được mẹ đang nghĩ gì. Các cháu thấy vậy, mua cho mẹ một con gấu nhồi bông cho mẹ ôm, ru ngủ cho vơi đi nỗi nhớ các con mẹ hy sinh… Không biết bao đêm, mẹ đã ngồi như bức tượng tay ôm con gấu nhồi bông.

Chồng mẹ là ông Nguyễn Văn Dành, tuổi Tý (sinh năm 1888), và là nghĩa quân kháng Pháp thời Cần Vương ở miền Trung trốn tránh sự truy lùng của Pháp dạt vào Đồng Tháp Mười sống ẩn dật. Mẹ Viết tuổi Thìn (sinh năm 1892). Ngày xưa hai cụ lấy nhau do mai mối, không cưới hỏi. Chung cảnh nghèo, trọng nghĩa khí, thế là mẹ chèo xuồng ba ngày vô thẳng Đồng Tháp Mười lấy chồng. Hơn 90 năm qua, chưa một lần mẹ về quê, dù quê chỉ cách nơi mẹ đang ở 80 km.

Giấy tờ mà mẹ còn giữ để xác nhận năm sinh 1892 của mẹ là giấy căn cước số 019443 do chính quyền Ngô Đình Diệm cấp năm 1962 và giấy chứng nhận Phật tử do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cấp năm 1970.

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao xác nhận kỷ lục sống lâu nhất Việt Nam cho mẹ Viết vào ngày 18-12-2010, tại Khách sạn REX, TPHCM. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: sẽ tạo mọi điều kiện để giúp cơ quan chức năng xác lập kỷ lục sống lâu nhất thế giới cho mẹ Trần Thị Viết.

Được biết, hiện nay tỉnh Long An đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục đề nghị tổ chức Guinness thế giới công nhận mẹ Viết là người cao tuổi nhất thế giới 119 tuổi. Mọi người đang trông chờ một quyết định khác: quyết định xây cho mẹ Viết một tượng đài giữa Đồng Tháp Mười về người Mẹ VNAH có 7 con và 1 rể là liệt sĩ, sống thọ 119 tuổi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG