Dòng họ 4 đời làm trà sen và báu vật đời người

Dòng họ 4 đời làm trà sen và báu vật đời người
Sen thường gắn với cái đẹp, có lẽ vì thế nghề làm trà sen thường chọn những người phụ nữ khéo tay. Gia đình bác Lê Thị Ngọc ở phố Bà Triệu (Hà Nội) đã có 4 đời làm trà sen từ cuối thế kỷ 19 đến nay.
Dòng họ 4 đời làm trà sen và báu vật đời người ảnh 1
Bác Ngọc với lọ trà sen được cất giữ hơn 50 năm

Người kế tục dòng họ nhiều đời làm trà sen

Bác Lê Thị Ngọc vừa bước vào tuổi 60, là một trong những người con gái họ Lê giữ được nghề làm trà sen gia truyền từ đời các cụ. Mẹ bác - Bà Lê Thị Trâm (bà Hiền) - thường tự hào kể về nghề ướp sen làm trà của gia đình đã có rất lâu rồi, ít nhất là 4 đời, từ thời cụ Cử Vân.

Cụ Vân quê Thường Tín (Hà Tây), nhà có rất nhiều đầm ao và thường thả sen làm cảnh, mỗi khi có khách quý đến chơi lại gọi con gái mang trà sen ra đãi khách.

“Nhiều người gọi tôi là nghệ nhân nhưng tôi không thích. - Bác Ngọc nói - Nhà tôi, nhiều đời nay làm trà để dùng, thế thôi. Cách làm trà sen ngày xưa đơn giản, dân dã chứ chưa cầu kỳ như bây giờ”.

Hơn một thế kỷ trước, chiều chiều bà Cử Vân thường cùng con gái bơi thuyền ra đầm sen, thả chè vào giữa những bông hoa miệng sáo vừa hé nở.

Mỗi ngày họ chỉ làm vài ấm để dùng, vì trà ướp theo cách ấy chẳng để được lâu. Mùa sen làm trà sen, mùa ngâu làm trà ngâu, rồi trà sói, trà cúc chi, trà nhài...

Cách ướp trà sen nhà cụ Cử Vân có lẽ là cách phổ biến vào hồi cuối thế kỷ 19. Trà được thả vào miệng sen, đợi qua đêm, trà hút hết tinh chất của sen và trời đất, sáng hôm sau bơi thuyền ra mang về. Người vợ đảm còn mang cả những giọt sương đêm đọng trên lá sen về để chồng pha trà đãi khách.

Cách làm trà sen thời đó đã đạt đến nghệ thuật ẩm thực độc đáo. Bác Ngọc nói, cách ướp trà sen rất cầu kỳ, được truyền từ đời này qua đời khác nhờ bàn tay khéo léo của những người phụ nữ trong nhà, mỗi người đều có những câu chuyện bí mật của mình.

Bác Ngọc nhớ hồi nhỏ, sáng sáng thường có một chị gánh sen đến bán cho bà Ngọc Trâm - mẹ bác. Gánh sen thơm nức, hàng mấy trăm bông, chị bán sen đẹp lắm, tóc dài và dịu thơm như thể vừa bước ra từ đầm sen.

Chị hàng sen giúp bà Ngọc Trâm nhặt hết gạo sen ra trước khi nắng lên, bởi nắng sẽ làm hương sen bay hết. Nhặt hết gạo, tua và cành sen chất thành đống, mấy chị em bác thường nô đùa với đám tua sen ấy. Trong lúc làm sen, bà Trâm thường kể cho các con gái nghe chuyện hồi trẻ của mình.

Thời đó, quá yêu người con gái nết na biết ướp trà sen, người học trò nghèo Lê Văn Hiền (bố bác Ngọc) nhờ người đến mai mối cô tiểu thư Ngọc Trâm mới tròn 14 tuổi.

Bà mẹ từ chối: “Con gái tôi còn bé, chưa gả được”. Năm sau, cậu học trò nhờ người đến hỏi, nhưng mẹ bà Trâm vẫn thoái thác. Ba năm sau, ông Hiền lại đến. Thấy chàng trai kiên trì, cụ ông bảo vợ: “Bà đồng ý gả hay không thì nói dứt khoát cho người ta biết, đừng để họ đi lại vất vả quá, tốt nhất là bà hỏi ý kiến con gái xem”.

Bà Trâm chỉ đợi mẹ hỏi là đồng ý ngay. Cưới con gái đầu cụ cho làm “10 bò 4 lợn” thì cưới bà Trâm chỉ có “1 bò 2 lợn”, chẳng buồn thách cưới. Lấy con nhà trâm anh, không có ô tô đưa rước, nhà trai cố vay mượn để thuê xe tay đón dâu.

Bà Trâm còn nhớ, khi về đến nhà chồng, bao nhiêu của hồi môn phải bán hết trả nợ. Nhưng bà đã không nhầm khi chọn ông Hiền làm chồng. Theo chồng ra Hà Nội chăm sóc các con, bà Trâm vẫn giữ thói quen làm trà sen để dùng trong gia đình.

Chính bà Trâm cũng không ngờ sau này, từ một công việc sinh hoạt thường ngày, làm trà sen đã trở thành một nghề quý của gia đình, theo bà đến tận cuối đời.

Những năm về già, ngoài 80 tuổi bà vẫn giữ thói quen làm trà như một sự tín tâm kỳ lạ. Con cháu khuyên bà đừng làm nữa, nghỉ ngơi cho khỏe thì bà bảo: “Mẹ làm quen rồi, nghỉ làm có khi ốm mất”.

Nghệ thuật trà sen và báu vật đời người

Dòng họ 4 đời làm trà sen và báu vật đời người ảnh 2
Diễn viên Nakagoshi Noriko học nghệ thuật cắm sen và làm trà tại gia đình bác Ngọc

Nhiều người được gặp bà Trâm thường nhận xét rằng bà là một nghệ nhân làm trà đáng kính. Bà Trâm khi mất  ở tuổi ngoài 80, đã để lại cho con cháu một báu vật vô cùng quý giá - đó là lọ trà sen bà làm từ hồi trẻ, được bà giữ gìn trong suốt hơn 50 năm qua.

Trà sen của gia đình bác Ngọc đặc biệt ở chỗ được làm từ sen Tây Hồ - loại sen trăm cánh thơm và quý hiếm ở nước ta.

Chẳng biết có phải vì trà sen của nhà bác Ngọc quá nổi tiếng bởi hương vị đậm đà hay vì cách làm đã trở thành nghệ thuật mà Hãng truyền hình Nhật Bản TBS đã bỏ công sang Việt Nam để làm phim về nghệ thuật trà sen.

Không phải ngẫu nhiên mà hai người phụ nữ của dòng họ Lê - bác Ngọc và mẹ mình, bà Trâm - đã trở thành nhân vật chính giới thiệu về nghệ thuật làm trà sen ở Việt Nam cho khán giả Nhật và thế giới trong 2 bộ phim khác nhau.

Lần sang Việt Nam làm phim về nghệ thuật trà sen vào tháng 6/2004, hãngTBS đã mời cô Nakagoshi Noriko - Nữ diễn viên nổi tiếng trong bộ phim truyền hình 52 tập Kôkôrô được phát trên VTV3 - đóng vai cô gái trẻ học làm trà...

Tất nhiên không phải nhờ bàn tay người đẹp mà trà sen VN trở nên nổi tiếng, nhưng rõ ràng trà sen đã là một nghệ thuật ẩm thực độc đáo của VN được thế giới biết đến.

Được tận mắt xem bác Ngọc làm trà sen mới thấy hết sự công phu của nghề.

Bắt đầu là việc chọn sen. Sen ướp trà phải là sen đầm Bảy - nằm cạnh công viên nước Hồ Tây là sen trăm cánh, bông to, nhị và gạo rất thơm. Đấy chính là túi hương của trời đất mà sen đã hội được, sen quỳ không có được.

Sau khi lấy được nhị, phải tách gạo sen ra - gạo sen nằm trên đầu nhị rất nhỏ màu trắng đục. Để có được một cân gạo sen cần tới khoảng 1300 - 1500 bông sen, nhưng số gạo sen ấy cũng chưa ướp được 1 kg chè.

Theo bác Ngọc, một cân chè sen phải ướp tới 7 lần, mỗi lần 2 lạng gạo sen - tức là cần tới gần 2.000 bông sen. Mỗi mẻ chè phải làm trong suốt 2 tuần. Việc chọn chè còn công phu hơn.

Bác Ngọc chỉ dùng chè Thái Nguyên và Shan tuyết Hà Giang, thường phải đặt hàng trước. Mỗi mùa sen, bác cũng chỉ làm vài cân cho khách quen đặt gửi biếu ra nước ngoài dùng trong dịp lễ tết.

Chè mang về phải nhặt ra, rửa rồi sấy thật khô mới đem ướp... Có lẽ do cách làm quá kỳ công và tốn kém như trên mà mỗi cân chè sen có giá tới hơn 2 triệu đồng.

Đã ngoài 60 tuổi, nhưng bác Ngọc chỉ mới tự mình làm trà sen hơn chục năm nay. Bởi bà Ngọc Trâm khi đã già - ngoài 80 tuổi, lưng đã còng - vẫn hàng ngày tự mình chọn sen, làm trà.

Cả đời bà đã làm trà từ khi còn rất trẻ, từ khi còn bím tóc lon ton chạy theo mẹ để rồi cái công việc hàng ngày của người phụ nữ thuở ấy đã theo bà đến đầu bạc răng long, rồi bà lại truyền cho con gái.

Bà Trâm có cách uống trà sen thật kỳ lạ - thường uống trà sen với đá bất kể mùa nóng hay rét. “Uống trà sen đá trở thành thói quen của mẹ tôi và tôi cũng thấy rằng trà sen pha đá có một hương thơm hết sức kỳ lạ” - Bác Ngọc nói.

Trước khi ra về, bác Ngọc đã cẩn thận lấy hộp trà quý mà bà Hiền đã cất giữ trong gần 50 năm qua - như một báu vật của gia đình - để tôi được chiêm ngưỡng.

Đấy là một lọ thủy tinh tối màu gói rất kỹ. Tôi không thể hình dung làm sao một người phụ nữ làm trà sen như bà Trâm lại có thể cất giữ được một mẻ trà lâu đến như vậy.

Trong khi tôi cố lý giải điều ấy thì  bác Ngọc đã mở được nắp lọ trà quý, tôi có cảm giác là toàn bộ căn phòng phảng phất mùi hương trà sen dìu dịu.

Đấy là một cảm giác kỳ lạ. Thật ra, khi còn sống, bà Hiền cũng thỉnh thoảng (thường là một vài năm) có mở hộp lấy ra một ấm trà quý để đãi những vị khách đặc biệt của gia đình.

Nhưng, để giữ được lọ trà trong suốt 50 năm qua, không biết bao nhiêu lần bà Hiền đã phải bỏ trà ra để ướp thêm sen mới. Trong câu chuyện của đoàn làm phim Nhật Bản đã làm, bà Hiền chính là một nghệ nhân thuộc vào người nhiều tuổi nhất ở nước ta lúc bấy giờ.

Và có lẽ bà cũng phải nắm giữ những bí quyết của nghệ thuật trà sen, bí quyết của một dòng họ có nhiều đời làm trà quý.

Khi đoàn làm phim của hãng truyền hình Nhật Bản TBS đến, bà Trâm đã mất. Bác Ngọc phải trực tiếp hướng dẫn cô Nakagoshi Noriko nghệ thuật làm trà. Bộ phim quay cảnh bác Ngọc cùng người đẹp lên đầm Bảy bơi thuyền ra giữa hồ hái gần 1.000 bông sen về để ướp trà.

Những ngày ở Việt Nam, được cùng bác Ngọc làm trà quý, cô gái Nhật đã bị thuyết phục bởi trà sen mặc dù cô được sinh ra ở một đất nước có truyền thống trà đạo nổi tiếng.

Quả vậy, sau khi bộ phim được phát ở Nhật, có một cô gái tên là Băm Ba - hiện công tác ở Hà Nội tìm đến nhà bác Ngọc để được thưởng thức trà sen và mua gửi về cho gia đình ở Nhật.

Bà Trâm mất đi là một tổn thất cho nghệ thuật trà sen, nhưng bác Ngọc đã nắm giữ được những bí quyết của nghề. Cứ sáng mồng Một hằng tháng, bác Ngọc lại pha một ấm trà sen, kính cẩn rót ra các chén dâng lên bàn thờ cha mẹ, tổ tiên.

Chiều, khi con cháu về, bác Ngọc đem trà pha với đá chia cho mỗi người một cốc. Sau một ngày, hương trà vẫn thơm kỳ lạ. Nhiều người mê trà, thường đến để được thưởng thức và xem bác Ngọc làm trà mỗi khi mùa sen đến.

MỚI - NÓNG