Đóng góp thiết thực của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại trụ sở Văn phòng Liên Hợp Quốc (LHQ) ở Geneva, Thụy Sỹ, ngày 13/10 đã kết thúc Khóa họp lần thứ 54 Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ, khép lại 3 khoá họp thường kỳ và nhiều hoạt động của HĐNQ năm 2023, đánh dấu sự tham gia tích cực và đóng góp thiết thực của Việt Nam với việc chủ trì một số sáng kiến và tham gia đồng bảo trợ nhiều sáng kiến, trong đó có một số phát biểu chung của ASEAN.
Đóng góp thiết thực của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền ảnh 1
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai và đoàn Việt Nam cùng Chủ tịch và ba Phó Chủ tịch HĐNQ năm 2023, Đại sứ các nước tại phiên bế mạc Khóa họp 54 HĐNQ. (Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Geneva).

Kết quả nổi bật sau 5 tuần họp liên tiếp của Khóa họp 54 HĐNQ bao gồm: (i) 37 Nghị quyết được thông qua; (ii) 5 phiên thảo luận chuyên đề về các biện pháp cưỡng chế đơn phương và nhân quyền, lồng ghép bình đẳng giới trong công tác của HĐNQ, quyền của người bản địa, thanh niên và quyền con người, bắt nạt trẻ em trên không gian mạng; (iii) Hàng loạt phiên thảo luận về 87 báo cáo chuyên đề; (iv) các phiên thảo luận, đối thoại với 37 Thủ tục đặc biệt của HĐNQ và các cơ chế nhân quyền của LHQ; (v) Các phiên thảo luận, đối thoại về tình hình nhân quyền tại một số nước, bao gồm Afghanistan, Belarus, Campuchia, Myanmar, Nga, Ukraine, Sri-Lanka, Syria; (vi) Hoàn thành thủ tục thông qua các Báo cáo Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của 14 nước; (vii) Bầu 7 thành viên Ủy ban Tư vấn của HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2026; và (viii) Quyết định bổ nhiệm 12 nhân sự cho các thủ tục đặc biệt của HĐNQ.

Đoàn Việt Nam tham dự Khóa họp 54 HĐNQ do Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva dẫn đầu, đã tích cực tham dự Khóa họp, triển khai 2 sáng kiến. Trong đó Việt Nam chủ trì xây dựng và trình bày Phát biểu chung về thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng, đồng thời đã phối hợp với Brazil và Gavi - Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng chủ trì tổ chức Tọa đàm quốc tế về thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng.

Phát biểu chung này được đông đảo các nước ủng hộ, đến nay đã có 60 nước từ tất cả các châu lục chính thức bảo trợ. Phát biểu chung nhấn mạnh mối liên hệ giữa tiêm chủng và quyền sức khỏe; tầm quan trọng của vắc-xin; vai trò của HĐNQ trong việc tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế nhằm đảm bảo tiếp cận vắc-xin công bằng, giá thành hợp lý và kịp thời, cũng như việc thúc đẩy quyền được tiêm chủng, thực hiện đầy đủ chương trình tiêm chủng. Phát biểu chung kêu gọi các quốc gia và các bên liên thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về tiêm chủng của WHO nhằm đảm bảo tất cả mọi người dân, ở mọi nơi và mọi lứa tuổi, được tiêm chủng, được thụ hưởng quyền sức khỏe, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương.

Tọa đàm quốc tế nêu trên do Việt Nam chủ trì tổ chức đã thu hút đông đảo đại biểu đến từ gần 30 quốc gia, các tổ chức quốc tế tham dự. Phát biểu tại tọa đàm, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh chính sách và thành tựu của Việt Nam về đảm bảo quyền con người được tiếp cận vắc-xin, tiêm chủng, góp phần quan trọng thúc đẩy sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội; khẳng định trong giai đoạn hiện nay, các nước cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình tiêm chủng, qua đó thúc đẩy và bảo vệ quyền sức khỏe.

Các diễn giả và các đại biểu đều chia sẻ quan điểm của Việt Nam; nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêm chủng và của vắc-xin trong việc giảm bớt bất bình đẳng về sức khỏe, cải thiện kết quả giáo dục và việc thụ hưởng các quyền con người khác; nêu bật vai trò, thách thức đối với chương trình tiêm chủng.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia cùng Ấn Độ đồng bảo trợ và tổ chức Tọa đàm quốc tế về “75 năm Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế và 30 năm Chương trình hành động Viên: Triển khai quyền phát triển nhằm bảo đảm quyền con người và Chương trình nghị sự 2030”, tiếp nối sáng kiến của Việt Nam hồi tháng 2 năm nay về Nghị quyết của HĐNQ về kỷ niệm hai văn kiện quốc tế quan trọng nêu trên.

Ngoài ra, Đoàn Việt Nam đã tích cực phát biểu tại nhiều phiên họp, phiên thảo luận về nhiều chủ đề như thúc đẩy và bảo vệ quyền kinh tế, xã hội và văn hóa trong bối cảnh giải quyết bất bình đằng trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19; quyền phát triển; thanh niên và quyền con người; bắt nạt trẻ em trên không gian mạng...

Tại các phát biểu, Đoàn Việt Nam nêu rõ chủ trương của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của mọi người dân; giới thiệu những biện pháp mà Việt Nam đã thực hiện nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, bảo đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, giảm bớt gánh nặng tài chính do đại dịch COVID-19 gây ra đối với nhóm dễ bị tổn thương; nhấn mạnh cần thúc đẩy các sáng kiến và hành động ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế để giải quyết những ảnh hưởng tiêu cực của các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, hiện đang đe dọa đến việc thụ hưởng quyền con người của người dân trên khắp thế giới, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương cũng như khả năng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững; khẳng định cần phải giải quyết những chia rẽ, khác biệt về chính trị và thúc đẩy hợp tác, xây dựng lòng tin, bao gồm thông qua hoạt động của HĐNQ, để đảm bảo người dân trên toàn thế giới được thụ hưởng đầy đủ các quyền con người.

Cùng với các nước ASEAN, Đoàn Việt Nam cũng đã có một số phát biểu chung về các chủ đề ASEAN cùng quan tâm, chia sẻ như hợp tác kỹ thuật và xây dựng năng lực, lồng ghép bình đẳng giới trong công tác của HĐNQ, UPR.

Trong suốt khoá họp, Đoàn Việt Nam tích cực tiếp xúc, trao đổi, tham vấn với các đoàn đại diện của các nước, tham gia xây dựng nội dung các văn kiện, đồng bảo trợ nhiều sáng kiến trên tinh thần đối thoại và hợp tác, thể hiện quan điểm, chính sách nhất quán, thành tựu của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, góp phần cùng các nước đảm bảo hoạt động của HĐNQ phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Sự tham gia tích cực của Đoàn Việt Nam tại Khóa họp 54 của HĐNQ, nổi bật là việc đưa ra 2 sáng kiến xây dựng Phát biểu chung và tổ chức tọa đàm quốc tế nêu trên cũng như đồng bảo trợ nhiều sáng kiến, đã thể hiện rõ nỗ lực và trách nhiệm của Việt Nam trên cương vị thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025.

Theo Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva
MỚI - NÓNG
Mưu sinh đầu nguồn lũ Đồng bằng sông Cửu Long
Mưu sinh đầu nguồn lũ Đồng bằng sông Cửu Long
TPO - Thời điểm này, dọc tuyến biên giới ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu qua An Giang đang trong mùa nước nổi, với mực nước cao hơn các năm trước. Nước tràn đồng, bốn bề là nước. Đây cũng là thời điểm người dân tất bật mưu sinh từ sản vật cá tôm, các loại rau cỏ "trời cho". Dù vậy, nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm, không còn phong phú như trước. 
Bình Dương nói về việc đấu giá trụ sở cũ
Bình Dương nói về việc đấu giá trụ sở cũ
TPO - UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tổng quỹ đất công gồm 113 khu với tổng diện tích 22.152 ha, trong đó sẽ thực hiện đấu giá 38 khu đất với diện tích 392 ha. Riêng trong quý 4/2024, Bình Dương lên kế hoạch đấu giá 10 khu đất với tổng diện tích 8,3 ha  Những vị trí đất đấu giá có mục đích sử dụng phù hợp, các tổ chức, cá nhân trúng đấu giá không tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất trái với quy hoạch.