Động đất ở Kon Tum: Bài học từ thủy điện sông Tranh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị Kon Tum và các bộ, ngành liên quan từ kinh nghiệm ứng phó động đất ở thuỷ điện sông Tranh (Quảng Nam) trước đây, cần rút ngắn thời gian nghiên cứu, đánh giá xác thực nhất, đề ra giải pháp phù hợp, nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm.

Ngày 21/4, đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai (Ban Chỉ đạo) tiếp tục làm việc với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum (BCH Phòng chống thiên tai Kon Tum) bàn hướng khắc phục, giải pháp cho tình hình động đất tại Kon Tum.

Động đất ở Kon Tum: Bài học từ thủy điện sông Tranh ảnh 1

170 hộ dân tái định cư Thủy điện Thượng Kon Tum trên triền núi cao, thuộc thôn Đắk Tăng (xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông) thấp thỏm lo động đất

Dù chưa xảy ra thiệt hại về người cũng như tài sản, song những trận động đất có tâm chấn bước đầu được xác định ở huyện Kon Plông (Kon Tum), rung chấn lan ra các tỉnh lân cận đã khiến người dân bất an, lo lắng. Ông Văn Tất Cường, Ủy viên thường trực BCH Phòng chống thiên tai Kon Tum, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá tình hình động đất thời gian qua tại Kon Tum, đặc biệt tại huyện Kon Plông. Khi xác định được nguyên nhân sẽ có thông báo, cảnh báo cho chính quyền địa phương nhằm kịp thời xây dựng phương án ứng phó.

Qua khảo sát thực tế, đoàn công tác cho rằng, trước mắt cần tập trung rà soát những tác động thực tiễn từ các trận động đất, rung chấn đã xảy ra tại Kon Plông. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, chính quyền cơ sở thấy được mức độ tác động của động đất rồi chủ động phòng tránh.

Trưởng đoàn công tác, ông Nguyễn Đức Quang, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo, Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, yêu cầu rà soát lại phương án, cập nhật những nội dung liên quan ứng phó với động đất để chính quyền, người dân biết; có phương án chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. “Từ kinh nghiệm của sông Tranh chúng ta có thể rút ngắn thời gian nghiên cứu, đánh giá xác thực nhất, từ đây đề ra giải pháp phù hợp, nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm”, ông Quang nói.

Về lâu dài, đoàn công tác đề nghị BCH Phòng chống thiên tai Kon Tum giao cơ quan chuyên môn phối hợp với Viện Vật lý địa cầu, các cơ quan khoa học khẩn trương triển khai nghiên cứu về tình trạng động đất, rung chấn. Sau đó có báo cáo rà soát và đánh giá tổng thể, từ đây Ban Chỉ đạo tham mưu Chính phủ đề ra những giải pháp căn cơ, lâu dài.

Thủy điện phòng chống động đất

Động đất ở Kon Tum: Bài học từ thủy điện sông Tranh ảnh 2

Nhà một hộ dân ở thôn Đắk Tăng bị nứt nghi do động đất

Ngoài ra, theo đoàn công tác, các nhà máy thủy điện như Thượng Kon Tum, Đăk Ring (đều ở huyện Kon Plông) cũng như công trình hồ đập khác phải được rà soát, kiểm tra các phương án nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du theo hướng chú trọng đặc biệt đối với việc phòng chống động đất.

Trả lời báo chí về các nội dung vừa qua liên quan thông tin nguyên nhân động đất là do thủy điện Thượng Kon Tum, ông Quang so sánh trận động đất ở vùng thuỷ điện này giống như động đất ở thuỷ điện sông Tranh (Quảng Nam) khoảng 10 năm trước. Cụ thể, động đất ở thuỷ điện sông Tranh độ lớn 4,7, trong khi Thượng Kon Tum nguy cơ có thể lên 5,0-5,5. Ông Quang nhấn mạnh, trước mắt, ngành chức năng cần tập trung khắc phục thiệt hại về nhà cửa, trường học, rà soát lại phương án ứng phó động đất. “Các nhà khoa học sẽ nghiên cứu, đánh giá để tìm nguyên nhân gây ra động đất sớm nhất”, ông nói.

Tại buổi làm việc với tỉnh Kon Tum ngày 19/4, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, nhấn mạnh: “Đối với các công trình hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum dừng việc tích nước, các hồ chứa thủy lợi phải được tăng cường kiểm tra, có trực ban và theo dõi giám sát thường xuyên để kịp thời ứng phó”.

MỚI - NÓNG
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
TPO - Theo số liệu từ Bộ Tài chính, 3 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải mới đạt 11,2%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.