Đón Tết

Đón Tết
TP - Khái niệm “đón” là chỉ thái độ, tư thế chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận một sự kiện, một người, một cái gì đó sắp sửa hoặc đang đến với mình, đưa về phía mình.

Còn một nghĩa nữa ngược lại, là chính mình đến đâu đó để gặp một người, một vật gì đó mang theo về cùng với mình. (Ví dụ đến trường học đón con về nhà). Nhưng ở đây xin quanh quẩn trong nội hàm của ý thứ nhất cho… “vui ba ngày Tết”!

Nếu thống nhất với cách định nghĩa trên thì cái sự “đón Tết” nghe chừng...“không ổn” lắm! Không ổn vì đón mà... không đón gì cả! Thử ví dụ: Ta đang đón đợi một người sẽ đến ở và gắn bó với gia đình ta lâu dài, như là sắp cưới vợ (hoặc gả chồng) cho con chẳng hạn. Không biết đứa con dâu (hay rể) tương lai có hiền ngoan hiếu đễ với ta không?

Có yêu thương con mình chân thành chung thuỷ không? Cuộc sống gia đình, tình duyên chúng nó có bền chặt hay trắc trở?... Nghĩa là ta hoàn toàn ở trong tâm thế thụ động, bất an, không tự chủ được về những gì sắp tới! Thêm một ví dụ nữa: Ta chuẩn bị đón nhận một việc làm ở cơ quan, tổ chức nào đó.

Đây là sự kiện quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng đến sự thành bại trong sự nghiệp và cuộc đời. Biết mình có kham nổi công việc được giao không? Cấp trên là người dễ gần hay “hắc ám”?

Liệu có ai cùng cơ quan xấu tính hay ganh tị, soi mói, trù dập mình không?... Nghĩa là ta vẫn hoàn toàn thụ động trong cái sự chờ “đón” ấy, không hề được tự chủ, không hề được biết trước tương lai nó là thế nào!

Như vậy, có thể nói hầu như mọi cách chờ đợi để đón nhận một cái gì đó sẽ đến với mình, chúng ta đều ở trong tâm thế và tình trạng thụ động, bị động cả. Nghĩa là ở trạng thái “tĩnh”.

Chỉ duy có một cách “đón” mà tất cả chúng ta cùng chờ đợi nó đến một cách rất chủ động, tự tin, đầy phấn khích (kể cả sinh động nữa), đó là... đón Tết!

Thật đấy, thử ngẫm ngợi mà xem!

Thời gian cứ lặng lẽ làm tròn tính năng của nó. Đến khoảng tháng Chạp, nghĩa là không còn bao lăm nữa là hết năm, là đến Tết, người ta mới kịp ngẩng đầu ra khỏi núi công việc và ớ lên rằng: -“Ơ, đã lại Tết rồi!”.

Lúc này ai cũng cảm thấy bận rộn, quýnh quáng, cảm thấy như thiếu thời gian để hoàn thành công việc của năm cũ, để đón Tết, đón một năm mới cho thật đường hoàng, thảnh thơi, viên mãn. Và, rất chủ động, rất tự tin, mọi người bắt tay ngay vào công cuộc... “đón Tết”.

Cái sự đón này là rất chủ động, rất an nhiên. Vì sao? Vì không đón thì nó cũng đến! Không đón thì cũng phải lo cho tốt đẹp “ba ngày”! Không ai nghĩ rằng ta không thích nó, không băn khoăn nghi hoặc rằng nó không hợp với ta!

Có ngàn lẻ một cách đón Tết, mà cách nào, hình thức nào thì người đón cũng đều ở thế “động”, chủ động và sinh động,  không “tĩnh” như đón chờ thứ khác.

Nhà thì chăm chút khóm hoa hay chậu kiểng để được nở đúng thì. Rồi sắm quần áo mới cho con, thay vật dụng gia đình đã cũ mòn sức mẻ. Rồi thì sửa sang tân trang nhà cửa vườn tược. Rồi thì đặt mua vé tàu xe (nếu đi làm ăn xa phải về với gia đình, xứ sở) v.v...

Các cơ quan, tổ chức thì họp hành phân công rà soát công việc toàn năm để tổng hợp báo cáo thành tích năm cũ, lập phương án kế hoạch năm tới. Xét khen thưởng thi đua. Chia nhau kẻ trực người về v.v… Tất cả đều nhịp nhàng trong một thế chủ động.

Ấy là những chuẩn bị mang tính vật chất, cụ thể. Còn về tinh thần thì ai cũng lập sẵn kế hoạch sẽ thăm viếng những ai, về nội về ngoại, về bên chồng bên vợ, chơi xuân nơi nào, làm gì trong ba ngày ngắn ngủi…

Tất cả đều được bà con quy vào câu thành ngữ (phát xuất từ nền văn minh nông nghiệp) không sai vào đâu được: -“Thóc tháng giêng, tiền tháng chạp”! Cái tinh thần chủ động này còn thể hiện ở câu tục ngữ -“Còn cũng ba ngày Tết, hết cũng ba ngày mùa”! Rõ ràng là tất cả đều sẵn sàng cho Tết đến xuân về.

Và trên hết mọi điều nói trên, ai ai cũng chuẩn bị sẵn sàng một tinh thần tinh tấn, vui tươi, phấn chấn để đón Tết, đón xuân! Từ đó có câu khẩu ngữ “Vui như Tết”! Chắc chắn không ai chủ động để một bộ mặt thảm sầu hay một tinh thần tuyệt vọng để đón Tết cả đâu!

Ngày trước, nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Tôi có chờ đâu có đợi đâu/ Đem chi xuân đến gợi thêm sầu/ Với tôi tất cả đều vô nghĩa/ Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau” thì có thể chỉ là cách nhà thơ nói thay tâm trạng của một thế hệ mất nước mà thôi, hay đơn thuần chỉ là cách nói văn chương, chứ chắc chắn cá nhân ông cũng phải chủ động vui đón ba ngày xuân với người thân và xã hội chứ?!

Và thế là, tất cả mọi người từ đông sang tây, từ nam đến bắc, tự cổ chí kim đều hân hoan đón Tết, sẵn sàng đón Tết trong tâm thế chủ động, an nhiên.

MỚI - NÓNG
Học sinh bậc THPT thường gặp nhiều khó khăn, áp lựcẢnh: PV
Học sinh bối rối chọn ngành nghề
TP - Học sinh THPT ở độ tuổi nhạy cảm, dễ tổn thương và gặp khó khăn khi định hướng nghề nghiệp cũng như chịu nhiều áp lực từ học tập, thi cử. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chưa được phát hiện và hỗ trợ tư vấn, điều trị kịp thời.