Đối thoại Shangri-la: Mỹ không xua được hoài nghi ở châu Á

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Shangri-La 2017. Ảnh: Straitstimes
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Shangri-La 2017. Ảnh: Straitstimes
TPO - Nếu sứ mệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến châu Á lần này là để khôi phục lòng tin vào cam kết của nước Mỹ ở khu vực thì có vẻ ông đã không thành công.

Dù bài phát biểu của Bộ trưởng Mattis tại Đối thoại Shangri-La 2017 vừa diễn ra ở Singapore được hoan nghênh, nhưng vẫn còn câu hỏi: Liệu những lời hùng biện ấy có đi cùng hành động? Những điều ấy có trùng với quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump?

Một số người nghe bài phát biểu của ông Mattis không tìm ra khớp nối rõ ràng về chính sách của Mỹ và không thấy bất kỳ cách thức thực tế nào để thúc đẩy sự tham gia của Mỹ vào khu vực.

Dẫu vậy, cam kết mà ông Mattis đưa ra cuối tuần qua rất quan trọng, vào thời điểm ngay sau khi Tổng thống Trump tuyên bố đưa Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Động thái này và việc Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – trụ cột kinh tế trong chính sách xoay trục sang châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama, đã gây ra nhiều lo lắng đối với những nước coi Mỹ là bên đối trọng với sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực.

Trong bài phát biểu, ông Mattis bảo đảm với các quốc gia về cam kết lâu dài của Mỹ đối với an ninh và thịnh thượng của châu Á – Thái Bình Dương.

“Mỹ sẽ tiếp tục thích ứng và tiếp tục mở rộng năng lực làm việc với những nước khác để bảo đảm một châu Á tự do, thịnh vượng và hòa bình”, ông nói.

“Chúng tôi sẽ sát cánh với các đồng minh, đối tác và cộng đồng quốc tế để cùng giải quyết các thách thức an ninh cấp bách”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định.

Đối với những câu hỏi như liệu có thể tin tưởng ông Trump khi Tổng thống Mỹ đang theo đuổi chính sách “Mỹ là trên hết”, ông Mattis nói “Chúng tôi sẽ ở đó. Chúng tôi sẽ ở đó với các bạn”.

Những lời lẽ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhận được một số phản ứng tích cực từ đại diện quốc phòng các nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada nói rằng bà đặt “sự tin tưởng hoàn toàn” vào nước Mỹ. Quan điểm này cũng được Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne chia sẻ, nhấn mạnh rằng những chuyến thăm đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là đến Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tại một cuộc gặp giữa ông Mattis và những người đồng cấp châu Á cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nói với báo chí rằng các nước châu Á “ủng hộ mạnh mẽ khẳng định của Bộ trưởng Mattis về việc Mỹ tiếp tục hiện diện ở khu vực”.

Tuy nhiên, vẫn có những người chưa cảm thấy thực sự thuyết phục.

“Tôi muốn biết thật rõ ràng những ý định thực sự của chính quyền Mỹ mới là gì”, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein nói.

Một đại biểu khác cũng mong muốn Bộ trưởng Mattis thông báo rõ ràng hơn là TS Lynn Kuok, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Luật quốc tế tại ĐH Quốc gia Singapore.

“Tôi mong muốn Bộ trưởng Mattis nói dứt khoát, giống như chính quyền trước, rằng Mỹ có những lợi ích quốc gia hàng đầu trên biển Đông và việc bảo vệ những lợi ích của họ trên biển Đông sẽ không bị hy sinh để đối lấy hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên”, bà Kuok nói.

Trong bài phát biểu, ông Mattis nói rằng Mỹ sẽ không cho phép “những thay đổi ép buộc đơn phương đối với hiện trạng” trên biển Đông, ngụ ý nói đến các hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên khu vực tranh chấp ở biển Đông và quân sự hóa những đảo này.

Tuy nhiên, ông Mattis bỏ qua câu hỏi của TS Kuok rằng Mỹ sẽ làm điều này bằng cách nào.

Đối với TS Tang Siew Mun, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Asean, ông Mattis gây thất vọng vì không đưa ra các biện pháp thực tế để tham gia vào khu vực, như lĩnh vực an ninh mạng hay nâng cấp chương trình tập trận quân sự lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương mang tên Rắn hổ mang vàng được tổ chức thường niên ở Thái Lan.

Thay vào đó, ông Mattis nói rộng về việc củng cố các quan hệ đồng minh của Mỹ và đưa các vũ khí, tài sản quân sự đến khu vực.

Đối với GS Huang Jing, công tác tại Trường chính sách công Lý Quang Diệu, điều gây thất vọng là thiếu khuôn khổ chính sách trong bài phát biểu của ông Mattis.

“Điều đó tương đối đáng lo ngại vì chúng tôi biết Mỹ, một cường quốc có quyền lực thống trị ở khu vực, có thể làm rất nhiều thứ, nhưng tất cả phải nhất quán và phải nằm trong một chiến lược”, GS Jing nói.

Hơn nữa, vẫn chưa rõ bài phát biểu của ông Mattis có phù hợp với quan điểm của ông Trump hay đại diện cho quan điểm của các lãnh đạo chính trị tại Washington hiện nay hay không, GS Huang nhận xét.

GS Tosh Minohara ở ĐH Kobe cho rằng các nước ở khu vực nên “thuyết phục ông Trump về tầm quan trọng của việc quan tâm đến khu vực này”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.