Đối thoại nóng sinh viên với lãnh đạo

Ban giám hiệu trường ĐH Bách khoa Hà Nội đối thoại với sinh viên
Ban giám hiệu trường ĐH Bách khoa Hà Nội đối thoại với sinh viên
TPO - Chính sách học bổng, đảm bảo môi trường sinh hoạt trong ký túc xá, học ngoại ngữ, phương pháp đào tạo… là những vấn đề được sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội “chất vấn”, đối thoại thẳng thắn với lãnh đạo nhà trường. Cuộc đối thoại diễn ra tối qua 19/12 và “gay cấn” kéo dài hơn 3 tiếng hồ.

Muốn được học giảng viên nước ngoài

Nói về vấn đề ngoại ngữ, một sinh viên ngành ngôn ngữ Anh của trường đề xuất mong muốn được học giảng viên nước ngoài. PGS. Trần Văn Tớp, phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, đây cũng chính là vấn đề mà lãnh đạo nhà trường, phòng đào tạo đang rất quan tâm và dự định sẽ triển khai. Tuy nhiên vấp phải một số khó khăn như học phí. Hiện nay một số trường ĐH tại Việt Nam đã làm và học phí trả cho giảng viên nước ngoài là 50 triệu đồng – 60 triệu đồng/tháng. Nhà trường cũng sẽ quan tâm đến vấn đề này. Ít nhất là mời giáo viên tiếng Anh nước ngoài về dạy cho sinh viên chương trình tiên tiến.

Nhưng sinh viên có thể tận dụng cơ hội học với sinh viên nước ngoài đang học tập tại trường một cách miễn phí. Trường có khoảng 200 sinh viên nước ngoài, trong đó có nhiều sinh viên đến từ các nước nói tiếng Anh tốt như một số nước châu Âu. Vì vậy, sinh viên hoàn toàn có thể tạo ra được môi trường học tập tốt.

Đảm bảo môi trường sinh hoạt trong KTX

Tại buổi đối thoại, có thể thấy, các sinh viên rất quan tâm đến môi trường sinh hoạt trong KTS. Có sinh viên phản ánh nhà ăn tại các khu KTX thường ồn ào đến 9h – 11h đêm, rất ảnh hưởng đến sinh viên học tập nhất là thời gian ôn thi.

Còn sinh viên Lê Anh Quân, thì cho biết, nhiều bạn sinh viên phản ánh nhà vệ sinh chung ở quanh khu nhà ăn của trường cần được vệ sinh và nâng cấp để không gây ra mất vệ sinh môi trường. Không những thế, rác từ nhà ăn buổi trưa cũng cần được xử lý để không ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến những phòng ở của sinh viên gần đó. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nhà trường sẽ kiểm soát như thế nào?

Về nội dung này, PGS. Hoàng Minh Sơn giao cho Hội sinh viên của trường lấy ý kiến sinh nhà ăn nên hoạt động đến mấy giờ thì hợp lý. Đồng thời, sắp tới, khi ký lại hợp đồng, trường cũng sẽ quán triệt đến vấn đề giờ giấc, đảm bảo an toàn, an ninh cho sinh viên. Không những thế vấn đề môi trường cũng phải đảm bảo. Còn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, PGS. Hoàng Minh Sơn khẳng định đây là vấn đề chung, không riêng trường Bách khoa. Nhà trường cũng tích cực kiểm tra, yêu cầu các nhà ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cần chấm dứt tình trạng thầy dạy trò chép

“Là một sv năm hai, em thấy vẫn còn tình trạng thầy đọc trò chép như môn Vật lý đại cương, đại số tuyến tính hay giảng dạy bằng slide theo hướng rất nhanh như giải tích 1, giải tích 2. Điều sinh viên cần là đọc giáo trình trước ở nhà, những vấn đề không hiểu thì đặt câu hỏi, thầy cô giáo chủ động thu thập những thắc mắc của sinh viên, sắp xếp theo hướng từ thấp lên cao những câu hỏi đặc sắc để giải đáp.

Trong giờ học, thay vì dạy những kiến thức có trong giáo trình, giảng viên nên đưa ra những ứng dụng của kiến thức đó, hay dạy cho sinh viên cách tư duy để tìm ra được những công thức. Đề xuất giảng viên cần có nhiều các bài kiểm tra nhỏ đối với sinh viên. Số lượng bài kiếm tra của Mỹ nhiều hơn của Việt Nam. Điều này tránh được tình trạng sinh viên học dồn vào lúc thi và giảng viên biết được sinh viên đang “thiếu” gì để bổ sung” – một sinh viên nêu ý kiến.

Sinh viên đang thiếu rất nhiều kỹ năng

Trong buổi tọa đàm, có sinh viên gửi câu hỏi lên ban giám hiệu nhà trường là muốn thay môn bơi thành môn võ. Tại sao lại bắt buộc tất cả sinh viên phải học bơi. Hay có những sinh viên “phàn nàn” vì yêu cầu chuẩn tiếng Anh cao.

Trước những câu hỏi này, PGS. Trần Văn Tớp cho rằng dường như sinh viên đang đòi hỏi nhà trường phải đáp ứng những nhu cầu của mình mà chưa hiểu rằng, nhà trường chỉ đồng hành cùng các em để trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cần thiết. Tại sao phải là môn bơi mà không phải là võ? Vì học bơi không phải chỉ là để tăng thể lực mà là trang bị cho các em một kỹ năng sinh tồn. “Hàng năm, cứ đến mùa hè, chúng tôi lại thường nhận được tin sinh viên của trường bị đuối nước. Các em nhận được tin này, các em có thấy bình thường không? Chúng tôi thì thấy rất đau lòng. Vì vậy, các em phải biết bơi” – PGS. Trần Văn Tớp nói.

Đối với vấn đề ngoại ngữ, PGS Tớp cho biết các doanh nghiệp khi tuyển sinh viên thường hay phàn nàn kỹ năng mềm của sinh viên vẫn còn yếu. Trong đó có ngoại ngữ. Chính vì vậy, nhà trường cũng muốn nâng chuẩn lên cao nữa nhưng như thế, rất nhiều sinh viên không tốt nghiệp được. Nên năm nay, trường chính thức nâng chuẩn lên TOEIC 500. Ngoài ra, từ K62, trường bắt đầu bổ trợ các kỹ năng cho sinh viên.

“Việc này là vì lợi ích của sinh viên chứ không phải là lợi ích của các thày. Riêng ngoại ngữ, các em không thể đốt cháy giai đoạn. Các em phải nỗ lực rất nhiều. Các em có thể một tuần vùi đầu vào sách các em có thể thi được một môn. Nhưng ngoại ngữ thì không. Không chỉ tốn kém về thời gian mà còn tốn kém về tiền bạc” – PGS. Tớp chia sẻ.

Được biết, hàng năm, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đều tổ chức đối thoại giữa sinh viên và lãnh đạo nhà trường để lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của sinh viên, đồng thời để điều chỉnh những chính sách cho phù hợp.

MỚI - NÓNG