Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng cho biết, đến thời điểm này, các nhà trường sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình. Tuy nhiên, Hà Nội là một thành phố lớn, với tốc độ tăng dân số chóng mặt, trong giai đoạn vừa qua, Sở đã tham mưu UBND TP chuẩn bị, xây dựng lên tới 220 trường học với nguồn kinh phí lên tới hơn 5.000 tỷ đồng.
Hà Nội vẫn đang tiếp tục đầu tư mua sắm trang thiết bị để phục vụ cho việc dạy học, đổi mới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Hà Nội vẫn chịu áp lực về vấn đề sĩ số học sinh cao. Do đó, ông Chử Xuân Dũng đề nghị Bộ GD&ĐT có giải pháp hỗ trợ cùng địa phương để giải quyết vấn đề khó khăn. Ngoài ra, ông Dũng cũng kiến nghị, sau khi ban hành chương trình GDPT tổng thể, cần sớm ra bộ SGK mới để các trường, giáo viên chủ động nghiên cứu.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng băn khoăn, ở bậc tiểu học có hai môn học mới là Tin học công nghệ và môn Ngoại ngữ thì vấn đề đào tạo giáo viên ra sao? Việc cho học sinh THPT lựa chọn môn học sẽ dẫn đến tình trạng thừa,thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương. Vì vậy, trước khi triển khai ông Trường mong muốn các vấn đề phải được chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể.
Còn ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chia sẻ những khó khăn, băn khoăn khi tiến tới thực hiện chương trình. Theo ông Giang, chương trình mới triển khai nội dung dạy học tích hợp liên môn, việc bố trí thời khóa biểu ra sao để không bị rối? Quyền tự chủ được giao cho các hiệu trưởng, mỗi trường sẽ thực hiện việc dạy học khác nhau, học sinh học lệch nhau vì vậy việc chuyển trường của học sinh phải xử lý ra sao?
Ngoài ra, tại hội nghị nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng về điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng để thực hiện chương trình. Theo đặc thù, miền núi có khó khăn khi có nhiều điểm trường lẻ, phụ huynh chưa có điều kiện cho con học bán trú 2 buổi/ ngày. Ở các TP lớn, các địa phương lại đau đầu vì không có quỹ đất để xây trường, sĩ số học sinh/ lớp cao không đảm bảo điều kiện để đổi mới nội dung dạy học.
Chỉ thực sự giảm tải khi không dạy thêm, học thêm
Trao đổi về các băn khoăn trong các nội dung đổi mới, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT chia sẻ, về dạy học tích hợp giáo viên đang quan tâm tới 2 môn Lịch sử và Địa Lý; môn Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, việc tích hợp vẫn chỉ dừng lại ở mức độ phù hợp, các chuyên đề tích hợp khoảng 6-10 tiết, do đó giáo viên môn nào phụ trách chủ đề đó.
Còn các chuyên đề có kiến thức liên môn, lâu nay cũng đã triển khai, giáo viên Lịch sử cũng cần có kiến thức Địa lý để liên hệ, ứng dụng và ngược lại. Tương tự, ở môn Khoa học tự nhiên, kiến thức thuộc về 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, theo tính toán khi đổi mới số tiết học cũng tương tự như chương trình cũ. Do vậy, về cơ bản giáo viên hiện đáp ứng được.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình GDPT mới cho rằng, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày để học sinh có thêm điều kiện thực hiện các hoạt động vui chơi, giải trí. Hiện nay có trên 80% học sinh đã học 2 buổi/ ngày. Nhưng một số địa phương đang khó khăn về cơ sở vật chất, chưa có đủ điều kiện cũng nên cố gắng thực hiện dạy học 6 buổi/ tuần.
Cũng theo GS Thuyết, chương trình mới đã thực sự giảm tải cho học sinh khi giảm thời lượng, cho học sinh tự chọn môn học, đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên, gia đình cần chung tay để tránh tình trạng dạy thêm, học thêm, khi đó mới thực sự giảm tải cho học sinh.