'Đối mặt với vũ trụ' - đối mặt chính mình

Trịnh Xuân Thuận trong vòng vây của độc giả Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Trịnh Xuân Thuận trong vòng vây của độc giả Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
TP - Cho dù làm tốt phận sự của mình đến mấy, chúng ta vẫn không tránh khỏi những tác động từ những việc như: mỗi giây, một hecta đất màu bị biến thành sa mạc; mỗi phút, một cánh rừng rộng bằng 15 sân bóng đá bị xóa sổ… Tất cả đều do con người hành động trong vô minh vì đánh mất vị trí của mình trong sự hài hòa vốn có của vũ trụ. Theo Trịnh Xuân Thuận - tác giả Đối mặt với vũ trụ, những hiểu biết về thiên văn giúp “đưa cái tôi của con người về đúng vị trí của nó”.

Trịnh Xuân Thuận tự nhận sứ mệnh truyền tải tri thức và niềm kinh ngạc thiên văn học đã “gây ra” cho ông bằng việc viết sách cho đại chúng. Được lợi trước hết có lẽ là độc giả tiếng Pháp vì ông viết sách toàn bằng tiếng của Molière. Sau buổi nói chuyện mới đây nhân ra mắt Đối mặt với vũ trụ tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội, người dẫn chuyện - TS Chu Hảo tuyên bố, từng nghe Trịnh Xuân Thuận nói nội dung tương tự hàng chục lần và lần này là hay nhất vì ông dùng tiếng Pháp.

Tuy nhiên, khi giao lưu với độc giả, Trịnh Xuân Thuận vẫn dùng tiếng Việt. Quả thực, sau nhiều năm bôn ba, thâu nạp kiến thức, tiếng Việt của nhà thiên văn chỉ còn ở mức phổ thông. Thỉnh thoảng ông lại phải điểm tiếng Anh và quay sang hỏi dịch giả Phạm Văn Thiều nghĩa của những từ khá phổ thông như “Solar system” (hệ Mặt trời) trong tiếng Việt.

 Một độc giả chia sẻ, con gái nhỏ của anh khá lo lắng khi được bố tiết lộ rằng 5 tỉ năm nữa, Mặt trời hết đát sẽ phình to ra và nuốt chửng Trái đất. Nhà thiên văn trấn an, lúc đó chúng ta có thể chuyển qua sống ở đâu đó trong vành đai sao Thổ. Ông cũng nhắc ông bố nên nói với con mình về những mối đe dọa chỉ trong vài (chục) năm tới khi con người không đếm xỉa gì đến môi trường, và cô bé nên bắt đầu hành động từ việc vứt rác đúng chỗ.

Khác với những cuốn trước to dày và tương đối phức tạp với độc giả đại trà, cuốn này nhỏ mỏng nhưng có tới 9 người viết. Tám khách mời là nhà sư, nhà nhiếp ảnh, nhà sinh học, nông học, nhà văn, họa sĩ… Mỗi người tiếp cận đề tài vũ trụ bằng lăng kính riêng và có điểm chung là đều từng đọc Trịnh Xuân Thuận.

Phần của Trịnh Xuân Thuận chiếm hơn 1/3 số trang là một lược sử cô đọng, khó có thể duyên dáng về vũ trụ và cũng tiết lộ đôi chút tiểu sử tác giả. Người đọc dễ dàng bị cuốn theo hành trình thấu hiểu vũ trụ cùng Thuận từ khi còn là học sinh ở Sài Gòn, thần tượng Albert Einstein: “Tác phẩm Thế giới như tôi đã thấy, trong đó ông trình bày không chỉ tư tưởng khoa học mà cả thái độ triết học và chính trị của mình, trở thành cuốn sách gối đầu giường của tôi,” ông viết. Biết đâu Đối mặt với vũ trụ sẽ là như thế với bạn trẻ thời nay.

Sự nghiệp “lái đò kiến thức” của Trịnh Xuân Thuận đã và đang đơm hoa kết quả. Trong Thư gửi Thuận, nhà văn Jean D’Ormesson (thành viên Viện Hàn lâm Pháp) viết: “Trong những năm cuối của thế kỷ trước, mình đúng là đã bị choáng ngợp bởi một cuốn sách, và mình đã mang theo nó đi khắp nơi. 

Đó chính là cuốn của Thuận: Giai điệu bí ẩn”. Còn nữ họa sĩ Fabienne Verdier cho hay đã vô cùng ngạc nhiên khi được Trịnh Xuân Thuận giải thích: “Nếu quỹ đạo của ánh sáng Mặt trời không bị thay đổi bởi tương tác của nó với một vật thể, thì ta sẽ thấy mọi thứ đều màu trắng”. Từ đó, bà bắt đầu nghiền ngẫm thực hiện bộ tranh tìm về sự tinh khiết của màu trắng.

Nếu toàn những chuyện nhân sinh là là mặt đất thì lại không phải sách thiên văn. Trong bài Những cách thức mới để sống với thời gian, nhà khoa học, nhà văn Joel De Rosnay đề xuất đơn vị đo thời gian mà ông gọi là hạt chronon. Đây không phải loại hạt được tìm thấy trong thực nghiệm mà hoàn toàn do ông suy niệm ra. 

Tạm hiểu rằng ở nơi nào khoa học càng phát triển, đồng nghĩa với đẩy nhanh tốc độ tiến hóa của nhân loại thì mật độ hạt này càng cao. Từ góc độ khác, nhà văn Jean-Claude Guillebaud chỉ ra mặt trái của việc sống gấp ở cấp độ nhân loại. 

Ông cho rằng tin học hóa thế giới đã rút ngắn đáng kể nhận thức của con người về thời gian, từ đó phá bỏ quá trình xây dựng các kế hoạch bền vững hơn cho tương lai… Tập hợp các bài viết làm nên Đối mặt với vũ trụ thống nhất một cách hữu cơ như vậy. Vấn đề người này đặt ra sẽ tiếp tục được xáo xới bởi người kia, và tất cả sẽ được xáo xới nhiều lần nữa trong đầu mỗi độc giả khi gấp lại cuốn sách.

“Tôi chưa bao giờ hối tiếc về quyết định dành cuộc đời nghề nghiệp cho thiên văn học. Sau 40 năm hành nghề “thu thập ánh sáng”, tôi vẫn choáng ngợp trước bầu trời đầy sao trong các chuyến “hành hương” tới các đài thiên văn khác nhau trên khắp thế giới. Cơn run rẩy vẫn chạy khắp cơ thể tôi mỗi khi nhìn thấy hình ảnh của một thiên hà xa xôi hiện lên trên màn hình trong phòng quan sát, khi mà tôi nghĩ rằng ánh sáng tới được kính thiên văn của tôi đã bắt đầu chuyến du hành của nó từ cách đây hàng tỉ năm, trước cả khi một số nguyên tử tạo nên cơ thể tôi được tạo ra bởi cái lò luyện hạt nhân trong các vì sao”. 

Trích “Đối mặt với vũ trụ” của Trịnh Xuân Thuận

MỚI - NÓNG