GS Trịnh Xuân Thuận giải đáp về người ngoài trái đất

TPO - Bên cạnh những vấn đề mang tính học thuật, GS Trịnh Xuân Thuận, người có hơn 40 năm nghiên cứu về thiên văn học đã có những giải đáp khá hóm hỉnh về các vấn đề khoa học thường thức như có hay không sự tồn tại của người ngoài trái đất, khi mặt trời chết thì chúng ta sẽ sống như thế nào…

Hội trường L ‘Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội tối 5/7 vừa qua chật kín người tới tham dự buổi ra mắt cuốn sách “Đối mặt với vũ trụ” của GS Trịnh Xuân Thuận, nhà khoa học người Mỹ gốc Việt nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực vật lý thiên văn. Ông đồng thời cũng là một nhà văn viết nhiều quyển sách có giá trị cao về vũ trụ học và về những suy nghĩ của ông trong tương quan giữa khoa học và Phật giáo.

GS Trịnh Xuân Thuận giải đáp về người ngoài trái đất ảnh 1

GS Trịnh Xuân Thuận cho biết, đạo Phật và gốc gác Việt Nam có ảnh hưởng khi ông viết sách.

Khi được hỏi về việc liệu có hay không sự tồn tại của người ngoài trái đất, GS Trịnh Xuân Thuận cho biết, người ngoài trái đất trong các bộ phim khoa học viễn tưởng là hư cấu. Còn thực tế có sự tồn tại của người ngoài trái đất hay không thì phải cần có các nghiên cứu khoa học, nhưng cũng không loại trừ. Bởi lẽ, vũ trụ rộng bao la, nếu có thì khoa học chắc chắn sẽ tìm kiếm được. Và khi tìm kiếm được thì mới có thể nói được có hay không.

Một khán giả là một người làm việc trong ngành vật lý thiên văn bày tỏ sự hoang mang, lo lắng trước thông tin các nhà khoa học xác định rằng khoảng 5 tỷ năm nữa mặt trời sẽ chết. Anh đặt câu hỏi với GS Trịnh Xuân Thuận về việc có nên lo lắng thái quá về vấn đề này không và nếu khi mặt trời tắt, chúng ta sẽ sống ra sao. GS Trịnh Xuân Thuận cho hay, trước khi mặt trời chết, nó sẽ thành sao kèn đỏ rất lớn. Mặt trời đỏ thì rất nóng, tất cả rừng cháy hết. Thành ra, lúc đó, con người buộc phải ra khỏi trái đất. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ông cho rằng, nếu mặt trời chết, thì lúc đó chúng ta cũng phải biết cách tới các ngôi sao khác mà sinh sống.

Còn GS Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, người điều hành hội thảo, bổ sung thêm: “Yên tâm là trong vũ trụ của chúng ta có hơn 100 tỷ thiên hà, mỗi thiên hà có hàng trăm ngôi sao, nên không lo không có chỗ sống.”

Nhân nói về cái chết của mặt trời, GS Trịnh Xuân Thuận cũng nhấn mạnh rằng, trái đất chúng ta cũng đang thay đổi, đang nóng lên, đang bị ô nhiễm. Nó có thể không tồn tại tới hơn 1 tỷ năm như dự đoán, mà có khi chỉ mấy chục thế hệ nữa cũng sẽ bị diệt vong. Nói một cách khác, chính con người đang làm hỏng trái đất này, tiêu hủy trái đất này trước khi nó bị mặt trời tiêu hủy. Vì thế, con người cần phải có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, tăng cường sử dụng các đồ tái chế thay cho các chất khó phân hủy như plastic…

GS Trịnh Xuân Thuận giải đáp về người ngoài trái đất ảnh 2

Sách của ông luôn được độc giả yêu thích và xin chữ ký.

Về gốc gác Việt Nam và đạo Phật có tác động gì tới các nghiên cứu khoa học, GS Trịnh Xuân Thuận cho biết, trong nghiên cứu khoa học thì chỉ có thuần túy khoa học, các yếu tố khác không tác động gì. Tuy nhiên, khi ông viết sách hay khi nhìn về vũ trụ và cuộc sống xung quanh, thì gốc gác Việt Nam và đạo Phật nhất định có sự ảnh hưởng. Ông nói: “Tôi coi đạo phật không phải là tôn giáo, mà là một triết lý. Đó là sống không làm khổ người khác và cũng không làm khổ cho mình.”

GS Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 tại Hà Nội. Ông theo gia đình di cư vào Nam từ năm 6 tuổi rồi lớn lên ở Sài Gòn. Ông học Trường Yersin (Lycée Yersin) tại Đà Lạt (địa điểm nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt), và Trường Jean-Jacques Rousseau (nay là Trường PTTH Lê Quý Đôn) tại Sài Gòn. Năm 1966, sau tú tài, ông rời Sài Gòn đi du học Thụy Sĩ, và sau đó được nhận một học bổng du học tại Hoa Kỳ.

Ông đã theo học ngành vật lý thiên văn tại Học viện Kỹ thuật California (California Institute of Technology) từ 1967 đến 1970, và tại Đại học Princeton từ 1970 đến 1974. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton. Từ năm 1976, ông là giáo sư ngành này tại Đại học Virginia. Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại Viện Đại học Paris VII (Université Paris VII – Diderot).

MỚI - NÓNG