Thực ra đó chỉ là những góc nhỏ xíu của vũ trụ trong khả năng kính viễn vọng của loài người thu được. GS Thuận cho hay những gì chúng ta được phép nhìn thấy vô cùng ít. Ngoài thứ ánh sáng mà mắt người cảm nhận được, vũ trụ dùng vô vàn ánh sáng khác vẽ nên chân dung của mình. Trong đó có những ánh sáng con người đã phát hiện ra dưới dạng sóng như sóng truyền thanh, vi ba, tia hồng ngoại, tử ngoại, tia X, tia gamma…
Sách dành chương mở đầu điểm lại các huyền thuyết, giả thuyết… con người từng vẽ ra trong lịch sử về vũ trụ. Hình dung đương đại của con người về vũ trụ bắt đầu từ thuyết Big Bang. “Trong một phần vô cùng nhỏ của giây (10-35 đến 10-32 giây) vũ trụ quan sát được chuyển từ kích thước cực nhỏ, nhỏ hơn cả một hạt nhân nguyên tử thành kích thước của một siêu đám thiên hà”, Trịnh Xuân Thuận viết. Đó là cách vũ trụ bước qua ranh giới giữa Không và Có như khoa học nhìn thấy.
Ban đầu vũ trụ gồm các hạt vật chất và phản vật chất. “Cứ mỗi tỉ phản hạt sinh ra từ chân không, sẽ có một tỉ linh một hạt xuất hiện”, Trịnh Xuân Thuận kể tiếp. “Cứ mỗi tỉ hạt và phản hạt hủy nhau để biến thành một tỉ photon (ánh sáng), thì có một hạt vật chất sống sót”. Vâng, nhờ một sự lệch pha may mắn mà vũ trụ vật chất hình thành. Và để rồi mười mấy tỉ năm sau, con người xuất hiện với tư cách “những hạt bụi sao”. Lịch sử (số phận) vũ trụ cũng chính là lịch sử của con người. Toàn bộ những nguyên tố hình thành nên cơ thể chúng ta có nguồn gốc vũ trụ. Đấy mới là nói về nguyên liệu làm nên thể xác...
Khoa học về vũ trụ của con người vẫn đang chập chững ở việc ghi nhận những gì nhìn và nghe thấy. Đùng một cái xuất hiện Vụ Nổ Lớn (Big Bang), rồi vũ trụ giãn nở không ngừng… Nhưng Cái Gì đứng sau tất cả những điều đó? Chúng ta chỉ biết rằng vũ trụ có tới 9/10 là “hoàn toàn trống rỗng”. Và đó là bệ đỡ của tất cả các thể loại siêu đám thiên hà. Vũ trụ giãn ra hay co cụm lại rất có thể chính là do bầu hư không chưa thể nhận biết này.
Bậc thầy Paramahansa Yogananda trong cuốn Tự truyện của một Yogy (NXB Lao Động- 2014) đã chỉ ra: “Khoa học… đủ sức để khám phá các định luật của một vũ trụ đã tồn tại và vận hành nhưng lại bất lực không thể phát hiện được Đấng Làm luật và Đấng Vận hành Duy nhất. Các chứng minh to lớn về lực hấp dẫn và điện thì đã rõ, nhưng lực hấp dẫn và điện là gì, chẳng ai biết được”.
Theo Trần Ngọc Châu: “Nhiều nhà thiên văn học chấp nhận thuyết cho rằng càn khôn đã hình thành từ vụ nổ năng lượng vũ trụ, tạo ra những mảnh vụn vật chất, những nguyên tử, phân tử, những thành phần, những tinh tú, thiên hà và những hành tinh. Trịnh Xuân Thuận đưa ra khái niệm mới về sự cấu thành của vũ trụ, đó là tinh thần của nó. Tôi nghĩ rằng quan điểm tinh thần là cần thiết để có một hiểu biết hoàn thiện hơn về thực tại”.
Trong buổi giao lưu nhân dịp ra mắt cuốn Số phận của vũ trụ do NXB Kim Đồng tổ chức, một độc giả nhỏ tuổi đặt câu hỏi: “Mọi thứ bị hút vào lỗ đen sẽ đi về đâu?”. Ngày nay một người có kiến thức sơ đẳng về thiên văn đều có thể trả lời rất thoải mái: Vào lỗ đen là hết còn đi đâu được nữa! Nhưng tôi ngờ rằng cậu bé chưa hài lòng với câu trả lời này. Và thế hệ của cậu sẽ lên đường tìm ra những câu trả lời khác. Trịnh Xuân Thuận cũng tin rằng con người đủ sức mạnh để khám phá phần còn lại của vũ trụ này. Vì hình như còn những vũ trụ khác…
Được biết, GS Trịnh Xuân Thuận (sinh năm 1948 tại Hà Nội) nhận giảng dạy các khóa học thiên văn tại Đại học Virginia (Mỹ) dành cho những người bình thường yêu thích môn học này (không phải học để trở thành nhà nghiên cứu). Ông luôn tâm huyết trong việc truyền bá những hiểu biết về vũ trụ tới đại chúng. Số phận của vũ trụ - Big Bang và sau đó có thể nói là cuốn sách vỡ lòng cho những ai muốn tìm hiểu về vũ trụ và con người. Sau đó, độc giả có thể mạnh dạn đến với những cuốn dày hơn đã có bản tiếng Việt của Trịnh Xuân Thuận: Giai điệu bí ẩn - Và con người đã tạo ra vũ trụ, Hỗn độn và hài hòa, Cái vô hạn trong lòng bàn tay - Từ Big Bang đến Giác Ngộ, Lượng tử và hoa sen, Vũ trụ và hoa sen, Khát vọng tới cái vô hạn, Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao… Được đào tạo ở Mỹ nhưng ông lại chuyên viết sách về thiên văn bằng tiếng Pháp.
Năm 2012, Trịnh Xuân Thuận được Viện Pháp Quốc (Institut de France) trao giải thưởng Cino del Duca. Giải thưởng nhằm tôn vinh các tác giả người Pháp hay nước ngoài có sự nghiệp văn chương hay khoa học mang thông điệp nhân văn hiện đại. Các nhà văn như Gorge Luis Borges, Mario Vargas Llosa, Milan Kundera, Patrick Modiano… từng nhận giải này.