Đối mặt với hạn, mặn lịch sử- Bài 1: Tương lai bỏ xứ mà đi

Ông Đinh Văn Thắng trên ruộng lúa 4 ha chết khô. Ảnh: Hồng Vĩnh
Ông Đinh Văn Thắng trên ruộng lúa 4 ha chết khô. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Giữa không khí hoang mang bao trùm ĐBSCL về hạn và mặn xâm nhập trăm năm mới có một lần, phóng viên Tiền Phong về ấp Kênh 1 được tiếng giàu có mấy năm trước ven biển Kiên Giang.

Chạy dọc kênh T3, ấp Kênh 1 thuộc xã Hòa Điền (Kiên Lương, Kiên Giang), đầu năm mà không khí buồn bã. Nhiều nhà cửa đóng then cài, ngoài đồng lúa héo chờ chết, nhiều nơi cháy đen. Toàn ấp có 226 hộ với khoảng 8.000 nhân khẩu, năm ngoái có 36 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo. Vụ đông xuân 2015-2016, xuống giống 500 ha, khoảng 60% đã thiệt hại từ 30 – 70%. Người dân cho biết, năm trước, nước mặn cũng xâm nhập nhưng không gay gắt như năm nay mà nhiều hộ đã thua lỗ, hơn 20% lao động phải bỏ xứ đi làm thuê xa. Sau vụ này chắc nhiều dân ấp lại bỏ xứ.

Lúa chết ấm ức

Chiều 18/2, ông Đinh Văn Thắng, 41 tuổi, ngoài ruộng về nhà với nét mặt rầu rĩ: “Mấy ngày nay không ăn ngủ được, lúa chết hết rồi. Ra đồng thấy cảnh lúa chết cháy đen không biết lấy đâu ra tiền trả nợ phân bón, thuê đất”. Gia đình ông thuê 4 ha, trồng giống IR 50404. Ông cho biết, lúa được 70 ngày, đang trổ bông ngon lành thì bất ngờ mặn xâm nhập từ ngày 28 Tết đến nay, chết gần hết.

Ông dẫn phóng viên Tiền Phong ra ruộng lúa cách nhà hơn 3 km để tận mắt chứng kiến cảnh nông dân đang khốn khổ như thế nào. Chạy xe dọc bờ kênh, đến nơi, ông bước xuống ruộng lúa cháy đen của mình, nét mặt thất thần: “Nước mặn tràn vô chỉ mấy ngày mà lúa chết như thế này rồi. Bây giờ thuê máy gặt thì lỗ nữa, mà không thì vụ sau không sạ được. Tiền đổ vào đây cả trăm triệu hy vọng làm có dư chút đỉnh lo con cái đi học nhưng giờ… thua rồi”. Ông đến chỗ trũng còn đọng chút nước rồi lấy tay múc ngụm nước đưa vào miệng, nói: “Mặn chát thế này, người còn chịu không nổi huống chi là lúa”.

Đối mặt với hạn, mặn lịch sử- Bài 1: Tương lai bỏ xứ mà đi ảnh 1

Trưởng ấp Lê Văn Sang đang nối ống bơm nước cứu lúa. Ảnh: Hòa Hội

Gia đình ông Thắng có hai con, học lớp 10 và lớp 8. Ông kể, cả hai đều ngoan và học giỏi nhưng con gái lớn thấy ông làm ăn thua lỗ, xin nghỉ học để làm thuê phụ giúp. “Hai năm nay, tôi lỗ gần 200 triệu đồng rồi, nợ nần chồng chất, nếu tình hình này kéo dài thì không thể cho con học tiếp, chắc phải kéo cả nhà đi làm thuê”, ông thở dài. Khi chạy dọc ấp Kênh 1, bắt gặp nhiều nhà cửa đóng then cài. Ông Thắng nói: “Đó là những gia đình trồng lúa thua lỗ, nợ nần nên bỏ xứ đi làm thuê rồi. Sau vụ này, sẽ còn nhiều nhà đóng cửa đi nữa”.

Cạnh ruộng ông Thắng là 1,5 ha lúa của gia đình bà Nguyễn Hoài Thương cũng trong cảnh tương tự, cháy đen, ruộng khô nứt toác. Bà Thương cho biết, chi phí đầu tư khoảng 40 triệu đồng, còn đang nợ tiền vật tư. “Vợ chồng tôi dành dụm mấy năm, thuê được đám ruộng này nhưng hai năm nay đều lỗ. Sau vụ này không thể cầm cự được nữa. Tôi đã bàn với chồng là bỏ xứ lên Bình Dương làm thuê cho đỡ khổ chứ ở đây mỗi năm mặn xâm nhập mỗi nhiều, không thể nuôi con, trả nợ”, bà Thương nói như khóc.

Cùng ấp, ông Phan Thành Nai đang thăm ruộng. Ông nhổ bụi lúa chết trên tay rồi tét ra: “Lúa đang trổ chưa no bụng gặp cảnh thiếu nước như đứa con mới chào đời đang cần sữa mẹ mà không có, lại bị mặn là rễ cháy đen thui, chết ấm ức”, ông Nai tâm sự.

Ông Nai gắn bó với ruộng đất hơn 50 năm nay, có 14 ha lúa, có máy gặt đập liên hợp, máy xới được xem là khá giả của ấp nhưng sau mấy năm thua lỗ, nay chán nản. Ông cho biết, hai năm nay thua lỗ hơn trăm triệu, đến năm nay bỏ đất trống 7 ha, chỉ làm 7 ha nhưng cũng bị mặn tấn công chết khi mới làm đòng. Ông thảng thốt, người không đất cũng khổ, có đất càng khổ hơn, làm thua lỗ giờ muốn bán hết để đi làm thuê nhưng không ai mua. “Tôi sống ở đây và gắn bó ruộng lúa mấy chục năm, chưa thấy năm nào thời tiết khắc nghiệt, kéo theo hạn mặn lớn như năm nay. Cả năm có vài trận mưa nhưng chẳng thấm vào đâu. Mọi năm thời điểm này nước sông còn ngọt, nếu có mặn thì cũng vài ba ngày là hết, chứ ai ngờ mặn kéo dài như năm nay”, ông nghẹn ngào.

Ngẩn ngơ giữa nắng

Giữa cánh đồng lúa héo úa, có tiếng máy bơm nước nổ xình xịch. Trưởng ấp Lê Văn Sang đang hì hục lặn dưới kênh đặt ống nhờ bên đê bao giáp ranh có nước ngọt để kéo về ruộng nhà cách đó hơn 500 m, hy vọng cứu 20 ha lúa Nhật đang sắp rụi. Ông nói: “Lúa gần tới thu hoạch mà héo queo, nóng ruột quá nên tôi chạy đi mua gần chục triệu tiền ống rồi mượn máy trong dòng họ bơm rỉ rả được chút nào hay chút nấy. Nhiều người thấy không cứu nổi hoặc ruộng xa quá không có đường bơm nhờ nên… buông. Còn tôi và vài hộ khác tiếc của nên làm liều, hy vọng gỡ gạc chút đỉnh chứ đầu tư và thuê đất hơn 400 triệu đồng, nay nguy cơ tay trắng”.

Đối mặt với hạn, mặn lịch sử- Bài 1: Tương lai bỏ xứ mà đi ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Tuyết chắt chiu từng giọt nước nấu ăn.

Cách chỗ đặt máy của ông Trưởng ấp Sang một đoạn là máy của ông Nguyễn Văn Bảy cũng đang bơm xình xịch để cứu 13 ha lúa. Ông Bảy năm nay 47 tuổi, người gầy nhom, mắt thụt sâu, da nhăn nheo. Ông cho biết, cha con ông thức canh máy đã hơn 10 ngày nay. Từ chỗ bơm nước đến ruộng nhà gần 1 km, trong khi ống có đường kính hơn 10 cm bằng nhựa cao su dễ vỡ nên ngày đêm phải túc trực kiểm tra. Ở các hộ khác, có người kéo ống đến ruộng xa hơn 1 km. Ông Bảy kể: “Cách nay hai ngày, gần nửa đêm thì ống nứt toác, cả nhà 4 người hì hục lặn dưới kênh, mặc cho muỗi cắn để nối lại đến quá khuya mới về”. Năm rồi, cũng vì nước mặn, ông Bảy lỗ trên 200 triệu đồng, năm nay vay ngân hàng 300 triệu đồng vừa trả nợ cũ và đầu tư mới không ngờ mặn xâm nhập khủng khiếp hơn nên thua lỗ tiếp.

Trong ấp, ông Nguyễn Văn Trình may mắn hơn những hộ khác là vừa thu hoạch 6 ha lúa IR50404 vào ngày 17/2 nhưng cũng chỉ có năng suất 4 tấn/ha, bằng một nửa so với không nhiễm mặn. Ông Trình cho biết, năm nay lúc lúa trổ bị mặn nên nghẹn lại, lem lép hạt, bán ra không đủ trả đâu vào đâu.

Trong cảnh nước mặn xâm nhập kéo dài, lo nước cho người cũng nan giải. Ông Lê Thanh Tâm quê ở tỉnh Vĩnh Long sang đây thuê 3 ha đất làm gần chục năm, cho biết: “Mọi năm còn tắm sông được nhưng giờ nước mặn chát, mỗi chiều muốn tắm phải lội bộ ra đồng phía sau cả cây số mới có chút nước ngọt”. Gia đình ông khó khăn chưa có điều kiện khoan cây nước, mọi sinh hoạt ăn uống phải mua nước bình loại 20 lít với giá 10.000 đồng người ta chở ghe mang tới. “Không tiền mua nước khối sinh hoạt nên tôi đâu dám xài nhiều, chủ yếu là để nấu ăn. Vậy mà, vài ba ngày là hết bình nước. Nhiều hôm đi đồng về mệt không đi lên ruộng tắm được đành xuống sông dội đỡ vài ca nhưng ngứa ngáy, tối ngủ không được”, ông Tâm nói.

Cùng xứ xa đến thuê đất, ông Phạm Văn Ren quê ở huyện Thoại Sơn (An Giang) đến đây thuê 1 ha đất hơn chục năm. Ông kể: “Đất ở đây năng suất cao mà giá thuê lại rẻ hơn nơi khác. Tình hình nước mặn như thế này không thể làm ăn, thời gian tới chắc phải cuốn gói về quê”. Theo lời ông Ren, người dân ở đây còn chịu nhiều hệ lụy như được mấy năm làm ăn khấm khá, nhà cửa mới xây dựng khang trang giờ làm ăn thất bát, muốn bán cũng không xong. Mùa này còn đẩy nhiều nhà vào cảnh nợ nần, không lối thoát.

Gần nhà ông Tâm, bà Nguyễn Thị Tuyết đang chắt chiu từng giọt nước rửa rau để chuẩn bị bữa cơm chiều. Bà cho biết, nhà không có cây nước nên phải mua nước khối dưới ghe từ Kiên Lương chở vào với giá 30.000 đồng/m3 để sinh hoạt chứ nước sông thì không thể sử dụng. “Các lu khạp trữ nước trong nhà đã hết sạch nên phải mua nước với giá đắt đỏ. Nghe nói hạn và mặn còn kéo dài và khủng khiếp hơn, không biết làm sao mà sống đây?”, bà Tuyết ngẩn ngơ giữa nắng.    

______________

  (Còn nữa)

Phó chủ tịch UBND huyện Kiên Lương, ông Lê Thanh Hưởng, cho biết, năm nay mặn xâm nhập sớm và diễn biến bất ngờ hơn những năm trước. Đầu tháng 11/2015, huyện đã chủ động đắp 15 đập ngăn mặn với kinh phí 750 triệu đồng, vận hành 4 cống chính đóng mở phù hợp để bảo vệ 21.938 ha lúa đông xuân của huyện được an toàn. Tuy nhiên, có khoảng 300 ha lúa ở ấp Kênh 1, xã Hòa Điền bị thiệt hại từ 30 – 70%. Hướng lâu dài đã đề xuất cấp trên làm cống ngăn mặn kênh Rạch Giá – Hà Tiên, đảm bảo sản xuất cho hàng nghìn héc ta lúa của huyện Kiên Lương, Giang Thành và Hòn Đất, kinh phí cần hàng trăm tỷ đồng.

MỚI - NÓNG