ĐBSCL hạn và ngập mặn chưa từng có

Cánh đồng khô hạn ở xã Vĩnh Phước (Tri Tôn, An Giang). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Cánh đồng khô hạn ở xã Vĩnh Phước (Tri Tôn, An Giang). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
TP - Bộ trưởng NN&PTNT hôm qua nói rằng, hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang hoành hành, gây hậu quả chưa từng có. Nhiều thành phố có khả năng thiếu nước ngọt.

Sáng 17/2, tại thành phố Cần Thơ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với lãnh đạo nhiều bộ, ngành và các tỉnh ĐBSCL bàn biện pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn.

Nhiều thành phố có thể thiếu nước ngọt

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, mùa khô năm 2015-2016, do thiếu nước ngọt, mặn đã xuất hiện sớm hơn 2 tháng so với cùng kỳ hằng năm, xâm nhập sâu vào nội đồng và có khả năng kết thúc muộn hơn 1 tháng. Từ tháng 2 đến tháng 5, không chỉ ruộng đồng sản xuất nông nghiệp mà hàng loạt thành phố như Bến Tre, Trà Vinh, Mỹ Tho, Rạch Giá, Vị Thanh, Bạc Liêu, Sóc Trăng… có khả năng thiếu nước ngọt.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Mai Anh Nhịn, kêu lên: “Đời tôi chưa từng thấy hạn và xâm nhập mặn lớn như thế này”. Ông kể, thành phố tỉnh lỵ Rạch Giá trong tháng 6 và 7/2015, giữa mùa mưa mà đã thiếu nước ngọt hai đợt, mỗi đợt 15 ngày; dịp tết cổ truyền thiếu nước ngọt một tuần. Còn vùng U Minh thượng, lúa bị chết mất 34.000 ha. Theo ông, lũ lớn gây thiệt hại nhưng cũng phần nào có lợi cho người dân, còn hạn lớn và xâm nhập mặn chỉ thấy hại.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Hải, cho biết, cả tỉnh đã bị xâm nhập mặn, thiệt hại 28.000 ha lúa, gồm 18.000 ha lúa gieo sạ trên ao tôm (chiếm 56% diện tích lúa-tôm) và 10.000 ha lúa đông xuân 2015-2016 (chiếm 28,5% lúa đông xuân của tỉnh). Ông nói, đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn-Đất Mũi vừa thông xe mà dịp Tết nhiều đoạn bị nhấn chìm trong nước mặn triều cường, phải khẩn cấp bảo vệ. “Nguy cơ cháy rừng tràm U Minh hạ đang cao, bởi chúng tôi cho đắp đê giữ nước ngọt rất sớm, từ ngày 15/10/2015, nhưng nay mực nước trong rừng tràm cũng đã xuống thấp hơn trung bình hàng năm 0,3 m”, ông nói.

Tỉnh Tiền Giang có 32 km bờ biển và 4 huyện đã bị xâm nhập mặn nửa diện tích, hơn 800 ha lúa đông xuân đã chết, 10.000 ha lúa có nguy cơ chết. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang (tỉnh nằm giữa ĐBSCL) Trần Công Chánh than: “Xâm nhập mặn như thế này dân không sống được”. Ông kể, trước đây, mặn chỉ xâm nhập sớm từ biển Tây, còn năm nay vào cả từ biển Đông, dịp Tết tấn công huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy, không chỉ làm chết 400 ha lúa mà đe dọa cả vườn cây ăn trái và mía.

Chưa từng có

Tỉnh Vĩnh Long ít khi bị mặn xâm nhập mà năm nay nước mặn đã vào, ảnh hưởng diện tích lớn trồng bưởi 5 roi, bưởi da xanh, xoài, sầu riêng. Phó GĐ Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, ông Tăng Văn Thắng, nói rằng, xâm nhập mặn năm nay có đặc điểm rất nguy hại là sớm, sâu, kéo dài. “Tháng 12/2015, độ mặn 4 g/lít đã xâm nhập sâu vô 60-65 km là khủng khiếp, cực hạn rồi”, ông nói.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường phân tích, có 3 nguyên nhân gây ra hạn và xâm nhập mặn nặng nề cho ĐBSCL. Đó là, El Nino 2014-2016 có cường độ tương đương El Nino mạnh kỷ lục 1997-1998, nhưng kéo dài nhất trong 60 năm qua, từ khi có những quan trắc chi tiết về hiện tượng thời tiết cực đoan này. Nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm 1-1,5oC, lượng mưa thấp hơn nhiều năm 30-50%. Trong khi đó, tổng lượng dòng chảy sông Mekong về ĐBSCL thiếu hụt so với trung bình nhiều năm 20-50%. Vì thế, lũ năm 2015 ở ĐBSCL nhỏ, “khô hạn gay gắt ngay trong nửa năm đầu 2016” và xâm nhập mặn đã xảy ra sớm.

Ông Cường dự báo: “Từ cuối tháng 2, mặn có khả năng duy trì ở mức cao, nghiêm trọng. Trên sông Tiền, sông Hậu độ mặn trên 4 g/lít có thể xâm nhập sâu khoảng 50-70 km tính từ cửa sông, có thời kỳ trên 70 km. Độ mặn sẽ tăng cao và kéo dài đến đầu tháng 5/2016”. Nhiều tỉnh ven biển ĐBSCL đã báo động tình hình xâm nhập mặn, riêng tỉnh Bến Tre đã công bố tình trạng thiên tai xâm nhập mặn.

Giữa tháng 2 này, hạn và mặn có dịu lại. Theo ông Tăng Văn Thắng, đó là nhờ có nước ngọt từ thượng nguồn sông Mekong về, do băng giá tan và đập thủy điện Trung Quốc xả nước. “Cuối tháng 2, mặn sẽ trở lại rất khốc liệt. Từ khi Trung Quốc vận hành các đập thủy điện thì mặn cuối mùa là khó lường”, ông nói.

Ứng phó

“Hạn và mặn ở ĐBSCL đã là thiên tai trăm năm mới có một lần và loại thiên tai này kéo dài đến 6 tháng nên cần tập trung mọi nỗ lực để ứng phó. Chúng ta phải dự phòng trường hợp chưa bao giờ thấy”, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị. Đại diện các địa phương và các Bộ Tài chính, KH&ĐT, TN&MT đánh giá, hạn và mặn ở ĐBSCL không chỉ gây thiệt hại lớn cho lúa mà còn cây ăn trái, thủy sản, chăn nuôi, rừng và nhất là thiếu nước ngọt sinh hoạt cho người dân. Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận, tình hình hạn và mặn ở ĐBSCL đã “vô cùng nghiêm trọng” nên phải khẩn trương xử lý. Ông đồng ý với hầu hết các đề xuất, cho rằng các địa phương đã ứng phó khá tốt và nhấn mạnh “thiên tai nên phải tập trung giải quyết nhanh, kịp thời hơn nữa”. Các giải pháp trước mắt như đắp đập tạm, gia cố cống, nạo vét kênh, làm trạm bơm và khoan giếng nước ngầm cho dân sinh hoạt là phải chủ động làm ngay. Đặc biệt, phải hỗ trợ ngay những nơi đã bị thiệt hại.

Phó thủ tướng cũng nhắc, cần bình tĩnh để xử lý việc trước mắt kết hợp với những bước đi lâu dài như xây dựng hệ thống thủy lợi đồng bộ, rà soát điều chỉnh quy hoạch và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. “Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT trình ngay các công trình dân sinh cần ưu tiên vốn để Chính phủ quyết định tại cuộc họp này. Các ngành và địa phương dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung chống hạn, mặn”, ông kết luận.

Diện tích lúa đã bị ảnh hưởng là 104.000 ha, chiếm 11% diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm 6,7% diện tích lúa đông xuân 2015-2016 của toàn vùng ĐBSCL. Diện tích lúa có nguy cơ bị xâm nhập mặn là 339.234 ha, chiếm 21,9% diện tích lúa đông xuân toàn vùng. Xâm nhập mặn còn ảnh hưởng tới các vụ lúa sau nếu không có giải pháp kịp thời ứng phó, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT.

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.