Miền Trung đối mặt với hạn hán khốc liệt?

Ninh Thuận là một trong những địa phương có thể tiếp tục chịu hạn hán nặng khốc liệt năm 2016.
Ninh Thuận là một trong những địa phương có thể tiếp tục chịu hạn hán nặng khốc liệt năm 2016.
TPO - Ngày 8/1, tại hội nghị tổng kết năm của Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, trong nửa đầu năm 2016, nhiều khả năng sẽ xuất hiện mùa đông khô, ấm ở miền Bắc, thiếu hụt mưa, dòng chảy dẫn đến hạn hán khốc liệt ở miền Trung và Tây Nguyên.  

Ông Cường cho biết, hiện tượng El Nino (hiện tượng nước biển ấm lên) khởi phát từ cuối năm 2014 đã tác động trong năm 2015 và có khả năng tiếp tục duy trì cường độ mạnh trong những tháng mùa Đông-Xuân, xu hướng giảm dần về cường độ vào những tháng đầu mùa hè năm 2016.

Miền Bắc thiếu nước cục bộ

Do tác động của El Nino, nhiều khả năng số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam năm nay sẽ tương đương hoặc ít hơn so với mức trung bình nhiều năm (TBNN). 

Diễn biến mưa bão có thể theo chiều hướng ít hơn vào đầu mùa, nhưng có thể xuất hiện  bão cường độ mạnh và nhiều bão hơn vào cuối mùa .

Theo ông Cường, nhiệt độ trung bình trong các tháng nửa đầu năm 2016 tiếp tục có xu hướng cao hơn mức TBNN 0,5-1 độ C ở miền Bắc, từ 1-1,5 độ C ở khu vực miền Trung và miền Nam. 

Rét đậm, rét hại ở miền Bắc không kéo dài và nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm hơn so với mức TBNN ở Tây Bắc, Trung bộ và mà Nam bộ.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, lượng mưa ở Bắc bộ có khả năng cao hơn khoảng 10-20% so với mức TBNN, còn ở miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ thiếu hụt 30-50% so với mức TBNN.         

Mưa trái mùa có khả năng xuất hiện trong các tháng mùa Đông-Xuân ở miền Bắc. Một số nơi tại Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ có khả năng xuất hiện khô hạn nghiêm trọng trong nửa đầu năm 2016.

Trong các tháng 1-2/2016, nguồn dòng chảy tại Hà Nội hạ lưu sông Hồng có khả năng cao hơn TBNN khoảng 15-20%. Mực nước thấp nhất tại trạm Hà Nội có thể xuống mức 0,4-0,6m vào tháng 2-3/2016. Ở các tháng tiếp theo, dòng chảy trên các sông suối giảm dần và có khả năng thiếu hụt so với TBNN.

Ở khu vực miền Bắc, nguy cơ thiếu nước cục bộ sẽ rất cao, vùng núi và trung du phía Bắc có diễn biến nghiêm trọng hơn vùng đồng bằng. 

Miền Trung, Tây Nguyên “gánh” hạn nặng

Theo ông Cường, từ nay đến cuối tháng 5/2016, dòng chảy trên các sông miền Trung và khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm dần. Dòng chảy trên các sông ở Bắc Trung bộ khả năng thấp hơn TBNN tới 50-70%; Trung và Nam Trung bộ còn mức độ năm hơn 60 -80%,có nơi trên 80%.

Trong khi đó ở Tây Nguyên, từ tháng 1-4/2016, dòng chảy thấp hơn khoảng 60-80% và khoảng 30-50% trong tháng 5-6/2016. Tình trạng khô hạn, thiếu nước xâm nhập mặn có khả năng xảy ra sớm trên diện rộng và khốc liệt tương đương hoặc hơn so năm 2015.

Theo ông Cường, trong các tháng đầu năm 2016, tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.  Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ sẽ cao hơn, sớm hơn và sâu hơn cùng kỳ của mùa khô năm 2015 và so với TBNN.

Trên sông Tiền, sông Hậu độ mặn có thể xâm nhập sau bán kính khoảng 50-60 km tính từ cửa sông, có thời kỳ trên 70 km. Độ mặn sẽ tăng cao từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 5/2016.

MỚI - NÓNG