ĐBSCL cần 4 tỷ USD chống hạn và mặn

Ông Phan Thành Nai ở ấp Hòa Lạc, xã Hòa Điền (Kiên Lương, Kiên Giang) với 7 ha lúa bị chết do mặn xâm nhập khi mới làm đòng Ảnh: Hòa Hội
Ông Phan Thành Nai ở ấp Hòa Lạc, xã Hòa Điền (Kiên Lương, Kiên Giang) với 7 ha lúa bị chết do mặn xâm nhập khi mới làm đòng Ảnh: Hòa Hội
TP - Hạn và mặn ở ĐBSCL hiện nay được xác định là lớn nhất trong gần 100 năm qua. “Nhưng gần 100 năm là thời gian có số liệu theo dõi, còn trước nữa không có nên có thể là lớn nhất trong hơn 100 năm. Để phòng chống có hiệu quả lâu dài, nhu cầu đầu tư khoảng 4 tỷ USD”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói.

Thiệt hại rất lớn, riêng số lúa đã bị mất, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát là khoảng 1.000 tỷ đồng, và chưa dừng lại. Còn nhiều thiệt hại nữa ở cây ăn trái, thủy sản, rừng, chăn nuôi và nhất là thiếu nước ngọt cho sinh hoạt của người dân làm cuộc sống đảo lộn. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, ông Trần Công Chánh, cảnh báo: Đất nhiễm mặn thì chục năm sau cây cối còn cằn cỗi, người dân sẽ nghèo. Vùng nông nghiệp trọng điểm quốc gia không còn “làm chơi ăn thật” như xưa nữa, đang đối diện những thách thức nặng nề của biến đổi khí hậu và các hậu quả do con người gây ra, cần nghiêm túc đặt ra bài toán đầu tư phát triển.

Đắp đê nửa vời

Ông Nguyễn Văn Năm ở xã Vĩnh Viên A (Long Mỹ, Hậu Giang) thất thần chỉ cánh đồng vàng hoe xơ xác: “Hơn 3 ha lúa chỉ còn rơm, năm nay nhà tôi không có Tết”. Vùng này cách biển Tây khoảng 40 km, trước đây, nước mặn theo sông Cái Lớn chỉ xâm nhập kênh mương cuối mùa khô, còn năm nay mới tháng 12/2015 mà nước dưới kênh đã mặn chát.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Đồng cho biết thêm, dịp Tết cổ truyền, độ mặn đo được dưới sông Cái Lớn là 8 g/lít, trong khi chỉ 4 g/lít, lúa đã chết. Nước mặn làm thiệt hại hơn 1.000 ha lúa ở xã Vĩnh Viễn A, trong đó 400 ha thiệt hại 70-80%. “Cũng vì đắp đê nửa vời nên bị nước mặn tập hậu”, ông Đồng nói.

Con sông Cái Lớn từ cửa Rạch Sỏi của tỉnh Kiên Giang, ở biển Tây, đi hướng Đông Nam vào tới đất tỉnh Hậu Giang thì chia nhiều nhánh, có hai nhánh ôm lấy thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Năm 2009, tỉnh Hậu Giang được trung ương cho đầu tư xây dựng 70 km đê bao ngăn mặn sông Cái Lớn, bảo vệ 30.000 ha đất sản xuất nông nghiệp ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ, tổng vốn 688 tỷ đồng. Thế nhưng, nửa chừng, có chủ trương giãn tiến độ nên chỉ làm 40 km ở thành phố Vị Thanh, hết 425 tỷ đồng, còn 30 km ở huyện Long Mỹ dừng lại nên nước mặn năm nay đã tràn vào khắp huyện Long Mỹ.

Chiều 17/2, sau buổi sáng họp bàn về phòng chống hạn và xâm nhập mặn ĐBSCL, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thị sát đoạn đê ngăn mặn ở thành phố Vị Thanh. Đê cao 1,5 m, mặt rộng 3,5 m kiêm đường giao thông, xe chạy bon bon. Nhờ có đê mà vùng này không bị nước mặn xâm nhập, cây cối xanh tươi, khác hẳn dưới huyện Long Mỹ. Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh báo cáo với Phó Thủ tướng, nếu không có đoạn đê thì một nửa tỉnh Hậu Giang đã bị nước mặn tấn công, thiệt hại khó tính hết. Ông Chánh đề nghị trung ương phân bổ nốt 263 tỷ đồng để hoàn thiện con đê, nâng cao hiệu quả đầu tư. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và cho biết sẽ sớm đáp ứng.

“Từ thủơ khai thiên lập địa, giờ mới thấy nước mặn”

Tỉnh Hậu Giang còn có huyện Châu Thành nằm mạn đông giáp với sông Hậu, cách cửa biển chừng 50 km, năm nay cũng bị nước mặn tấn công. Lão nông Nguyễn Văn Ngọc, 72 tuổi ở thị trấn Mái Dầm (Châu Thành) thảng thốt: “Bao đời gia đình tui ở đây, không ngờ năm nay chứng kiến nước mặn tràn vô vườn trái cây”. Vùng cây ăn trái rộng gần 10.000 ha của nhiều xã thuộc huyện Châu Thành, suốt dịp Tết phải lo bảo vệ. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Quang Hành cho biết, độ mặn đo được dưới sông 3g/lít nên đã cho cấp kỳ đóng 501 cống đập trên toàn huyện. Nhờ hệ thống cống đập phía đông này hoàn chỉnh nên đã cứu được vườn cây, không bị thiệt hại như ở mạn gần biển Tây cùng tỉnh Hậu Giang. “Tuy nhiên, chưa biết diễn biến tới như thế nào nên chúng tôi đang rất lo”, ông Hành nói.

Ở huyện Châu Thành của tỉnh Hậu Giang nhìn qua sông Hậu sang bờ bên kia là xã Ngãi Tứ (Tam Bình, Vĩnh Long). Ông Phạm Thạnh hơn 60 tuổi ở ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, nói: “Từ thuở khai thiên lập địa, ở đây Tết vừa rồi mới thấy nước mặn”. Vì bao đời có đủ nước ngọt nên cả vùng đã bị bất ngờ và nước sinh hoạt lấy từ nhà máy ở thị trấn Trà Ôn kế bên, theo ông Thạnh là “lờ lợ”. Ông Thạnh chỉ tay về thượng nguồn sông Hậu, nói từ đây tới thành phố Cần Thơ chỉ khoảng 10 km.

ĐBSCL cần 4 tỷ USD chống hạn và mặn ảnh 1

Đồng lúa cháy khô trong khi mương cạn nước lại nhiễm mặn ở Hậu Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Theo dự báo xâm nhập mặn của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, năm nay cả vùng ĐBSCL sẽ chỉ còn thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang và Đồng Tháp không bị mặn xâm nhập. Còn lại, tỉnh lỵ các tỉnh khác đều bị mặn tấn công, nhiều nơi rất nghiêm trọng. Thành phố Tân An tỉnh lỵ Long An, cách cửa biển 85 km, được dự báo từ cuối tháng 2, lấy nước ngọt sẽ khó khăn. Các thành phố tỉnh lỵ Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Kiên Giang đều gặp cảnh tương tự.

Các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp trước mắt để chống hạn, ngăn mặn. Tỉnh Kiên Giang đắp 82 đập nhỏ với kinh phí gần 20 tỷ đồng, tuy nhiên nước mặn vẫn tràn vào làm chết hơn 30.000 ha lúa, hiện cần nhiều vốn hơn để đắp 27 đập lớn. Tỉnh Hậu Giang cần vốn hoàn thiện đê bảo vệ phía Tây, còn cần vốn làm đập ngăn mặn từ phía Đông và khoan khẩn cấp 5 giếng để cấp nước cho dân. Tỉnh Tiền Giang có huyện cù lao Tân Phú Đông giữa sông Tiền, với 3 ao nước ngọt chỉ còn đủ phục vụ khoảng 40 ngày nữa, cần khẩn cấp đưa nước ngọt từ đất liền ra, tốn gần 100 tỷ đồng. Nhu cầu vốn khổng lồ là làm cống ngăn mặn trên nhiều sông lớn và đặc biệt là “hạ tầng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế thích ứng với điều kiện mới” như Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoàng Anh Tuấn nói.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, KH&ĐT, NN&PTNT, TN&MT thì khả năng trong ngắn hạn chỉ đáp ứng được khoảng 400 triệu USD, phần lớn lại là vốn vay ODA, giải ngân chậm. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, vốn có hạn nên càng phải tập trung các nỗ lực theo tinh thần khẩn cấp xử lý thiên tai. “Để phát triển phải đảm bảo an toàn. Trong ứng phó với thiên tai thì phòng là chính nên đầu tư chống hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL cần nỗ lực từ cơ sở, từ người dân”, Bộ trưởng Phát đề nghị. 

Thành phố Tân An tỉnh lỵ Long An cách cửa biển 85 km, độ mặn lớn nhất trong tháng 2 là 7g/lít, đến tháng 5 là 12g/lít. Thành phố Mỹ Tho tỉnh lỵ Tiền Giang trên sông Tiền cách cửa biển 50 km, độ mặn lớn nhất trong tháng 2 và tháng 5 là 3-5g/lít. Theo sông Hậu, vị trí cách cửa biển 60 km, độ mặn 5- 7g/lít. Ở biển Tây, trên sông Đốc, điểm gần thành phố Cà Mau độ mặn 22-28 g/lít; còn theo sông Cái Lớn, thành phố Vị Thanh tỉnh lỵ Hậu Giang cách cửa biển 70 km, độ mặn 3-4 g/lít.

                (Nguồn: Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam)

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.