Bạn tôi – giám đốc một xưởng thủ công nhỏ năm nay bỗng mạnh dạn “chơi hệ mạnh thường quân” đứng ra kêu gọi mọi người đóng góp để làm từ thiện. Tất cả chúng tôi gọi chị là “người anh hùng”.
“Người anh hùng” bị nghi ngờ
Một trong số những công nhân của bạn tôi trọ ở dưới chân cầu Long Biên kể, nhiều gia đình (vào thời điểm giãn cách) không có đồ ăn, hàng xóm bên cạnh có con nhỏ đêm khóc ngoèo ngoẹo vì đói sữa. Bạn tôi nghĩ ngợi rồi bỏ tiền mua một tấn gạo, chia ra các bao 20kg nhờ người công nhân nọ làm đầu mối phân cho dân ngụ cư trong xóm.
Khoảng tuần sau, người công nhân kia ngượng ngùng hỏi, có thể giúp họ thêm lạc hoặc cá khô nữa được không, để làm đồ ăn, vì chợ hoa quả đóng cửa, không có việc làm, lại không về quê được, những người này không biết cách nào kiếm đồ ăn.
Lần này bạn tôi đến tận nơi khảo sát, có đến năm sáu mươi hộ cần cứu cấp, không chỉ gạo mà cả đồ ăn, thuốc cho người già, sữa cho trẻ nhỏ. Lượng sức mình nhỏ, bạn lập nhóm, kêu gọi chúng tôi có bao nhiêu góp bấy nhiêu. Mấy người có lượt theo dõi lớn trên trang cá nhân nhanh nhảu chia sẻ thông tin. Kết quả ba ngày sau, tài khoản của bạn tôi đầy thêm 261 triệu đồng.
Có tiền, gói cứu trợ của bạn đầy đủ hơn, ngoài gạo còn có lạc, trứng, cá khô, dầu ăn và cả viên muối sinh lý để súc họng. Phạm vi cứu trợ cũng được mở rộng, ngoài xóm chân cầu bạn và các tình nguyện viên chạy đến cả xóm chạy thận ở phường Đồng Tâm. Mỗi hóa đơn chi tiêu bạn đều nhờ những người chia sẻ thông tin quyên góp đăng lại để minh bạch. Tiền vẫn tiếp tục về tài khoản.
Những rắc rối bắt đầu ngay sau khi vụ lùm xùm tiền từ thiện của một số nghệ sĩ bung ra, bài viết quyên góp trên trang của bạn bị tấn công. Rất nhiều người yêu cầu bạn công khai tài chính. Chuyện này dễ vì bạn vẫn lưu lại hóa đơn mua bán. Nhưng đúng lúc ấy, rộ lên chuyện thị phi về ca sĩ Thủy Tiên và một số văn nghệ sỹ khác, người ta bắt đầu chất vấn bạn: hóa đơn làm giả rất dễ, lấy bằng chứng gì là hàng cứu trợ được cho đúng người?
Sự việc bắt đầu mất kiểm soát khi bạn tôi chỉ đưa được một vài cái ảnh chụp khi đến xóm chạy thận tặng quà. “Nào có ai đi tặng vài món quà bé tí mà còn bắt người ta đứng dàn hàng để chụp ảnh làm bằng chứng”, bạn than thở.
Mệt mỏi, bận rộn lại thêm bị tổn thương, bạn tôi đăng status: nếu ai cảm thấy nhờ tôi từ thiện là không đáng tin, cứ nhắn tài khoản, tôi sẽ hoàn tiền. Có khoảng ba chục tài khoản nhắn đòi, đa số là những đóng góp nhỏ, bạn tôi lặng lẽ hoàn tiền ngay trong đêm. Những tưởng chuyện thế là xong, hôm sau có người thông báo: “có lẽ là không minh bạch nên vội vàng giải ngân”. Một phát súng bắn ra, kéo theo vô vàn lời tổn thương như đạn ghém: xoắn đánh bóng tên tuổi thì cũng phải nhìn lại mình có cân được không; ai biết đây không phải là cách để ăn chặn tiền, quyên góp dễ quá mà; làm từ thiện mà chỉ có 3 cái ảnh chụp từ xa, ai tin v.v... Quá đáng hơn, ngay cả chuyện buồn trong quá khứ, chuyện bạn là mẹ đơn thân cũng bị một vài người (chắc là quen biết) lôi ra đay nghiến.
Bạn tôi phải đóng facebook, thề từ nay không bao giờ dám làm từ thiện quá sức mình.
Khổ vì bị lừa
Có lẽ bạn tôi không phải là trường hợp duy nhất bị những mặt trái của câu chuyện từ thiện ảnh hưởng.
Những đứa bé này chính là động lực để chúng tôi dù bị mỉa mai vẫn muốn đưa quà lên miền núi - anh Việt cho biết. |
Anh Lê Quốc Việt (một phượt thủ nổi tiếng đi nhiều và nhiệt tình chia sẻ thông tin trong nhóm Otofun) nhờ ảnh hưởng trong cộng đồng xê dịch của mình cũng đứng ra quyên góp từ thiện trong đợt giãn cách kéo dài vừa qua. Đối tượng giúp đỡ chính của nhóm anh Việt là những hộ nghèo ở các tỉnh miền núi phía Bắc, những nơi mà đa số đàn ông đều sang biên giới làm cửu vạn. Dịch bùng phát, không có công việc, có những gia đình phải ăn cám ngô, rau rừng trừ bữa.
Vì đường xa, việc vận chuyển khó khăn, nhóm anh Việt đi đến địa phương nào thì mua lương thực, thực phẩm ở địa phương đó để tiết kiệm công sức. Một lần, qua người quen, anh Việt đặt tiền mua 5 tấn gạo ở Sơn La. Không ngờ, đêm trước ngày thông báo phát gạo từ thiện thì chủ hàng biến mất.
“Lúc ấy mọi phương án liên lạc đều bất thành. Chúng tôi đã vào đến Sốp Cộp, đầu mối tại địa phương đã hẹn dân trưa mai phát gạo, quả thực không biết làm thế nào. Tôi đành họp anh em lại, nói rõ tình hình và khẳng định việc do tôi gây ra nên tôi sẽ chịu trách nhiệm về tài chính, chỉ nhờ anh em cùng quay xe ra thị trấn mua gạo để ngày mai vẫn có đồ phát. Sáu người đi cùng tôi hôm ấy đều vét túi đưa hết số tiền mà họ có, cộng với tiền ở nhà gửi lên, trưa hôm sau chúng tôi vẫn có đủ 5 tấn gạo phát cho dân. Xong xuôi chúng tôi mới kể chuyện trong nhóm, mọi người đều vào an ủi, chỉ có mấy người nghi ngờ mất thật hay là tôi cố tình ỉm đi 5 tấn gạo. Biết là mình không làm việc khuất tất thì không cần khó chịu, nhưng nghe những lời như thế, vẫn chạnh lòng ghê gớm”, anh Việt chia sẻ.
May mắn hơn anh Việt là Nguyễn Mai Ly - hiện đang sinh sống tại Melbourne (Úc). Trong suốt những đợt giãn cách vừa rồi, Mai Ly vẫn kết nối cùng những người bạn của mình ở Việt Nam để lên kế hoạch từ thiện. Khi đó, các cơ sở y tế ở Việt Nam đều thiếu khẩu trang trầm trọng, Mai Ly đã quyết định đặt khẩu trang 3M để tặng các bệnh viện. Nhưng do không ở Việt Nam, không nắm rõ tình hình sản xuất trong nước, Mai Ly mua nhầm đúng nơi bán hàng giả.
"Hàng gửi vào TP.HCM rồi mới phát hiện là hàng giả. May mà mình vẫn lấy lại được tiền cọc và đền bù. Sau đó, bọn mình có báo công an để hỗ trợ và điều tra kho hàng giả này. Đây là kỉ niệm khá hay ho vì sau chuyện này, mình học được khá nhiều kiến thức về các loại khẩu trang/ mặt nạ khác nhau, nhận biết được thật giả và mình đã chia sẻ kinh nghiệm cho những mạnh thường quân khác làm sao để nhận biết trước khi đóng góp cho bệnh viện", cô kể lại.
Tổn thương xong lại đi “vác tù và”
“Người anh hùng” của chúng tôi, sau một tuần dỗi dằn vì không được hiểu đúng lại đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” hừng hực khí thế kêu gọi anh em góp công góp của để lo Tết cho người nghèo. Bài học minh bạch khiến cô rút ra kinh nghiệm: “Nghĩ lại thì những người chất vấn cũng có cái lý của người ta. Không quen không biết gửi tiền cho mình, chỉ vì tin vào lời giới thiệu của bạn mình, những người ấy nói gì thì nói, họ đều thiện tâm cả. Cho nên, để tránh hại người hại mình, từ nay tôi chỉ làm việc vừa sức. Có đến đâu làm đến đấy, bạn bè, người quen tin tưởng gửi tiền thì mình nhận, còn tuyệt đối không quyên góp nữa. Mình cũng có phải làm để lấy thành tích đâu, cứ tuổi nhỏ làm việc nhỏ là được”.
Anh Việt sau tai nạn 5 tấn gạo cũng đã rút ra “bài học lớn” về việc mua bán, đặt hàng. “Là tôi quá ngây thơ, chưa bao giờ nghĩ người ta có thể nhẫn tâm nẫng tay trên miếng ăn cứu trợ của người nghèo. Chúng tôi đều không được học về làm từ thiện, cứ tự phát, tự mày mò cho nên mới gặp những sai lầm sơ đẳng như thế. Qua việc này, tôi đã ngồi nhìn lại cách làm của mình và cố gắng học hỏi để bù khuyết những lỗ hổng trước đó. Tôi hy vọng khi mình có hiểu biết và kỹ năng tốt hơn, chúng tôi sẽ có thể làm nhiều hơn cho miền núi. Trong năm tới, chúng tôi dự định sẽ xây một ngôi trường cho Sốp Cộp. Tất nhiên, đến giờ vẫn có người nói ra nói vào, nhưng việc gì mà chả có hai mặt, người khen kẻ chê là thường. Tôi vẫn động viên anh em trong đội: thôi cứ cố làm cho nốt, đợi hết dịch rồi về tổn thương một thể”!
Dù ở Úc, Mai Ly và các bạn vẫn đều đặn hỗ trợ các bệnh viện ở Việt Nam |