Thị trấn Cao Phong thuộc huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình là địa phương trồng cây có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giống cam lòng vàng (cam Cao Phong) giúp cho nông dân miền núi nơi đây khá giả, nhiều hộ gia đình thu tiền tỷ mỗi mùa.
Nhờ loại cam này, nhiều hộ gia đình trở nên giàu có. Ông Đặng Quang Bảo (xã Đông Phong) chia sẻ, hiện nay vườn cam nhà ông có 3 ha cam được 6 năm. Vụ năm nay, ông thu được hơn 1000 tấn, có thu nhập gần 3 tỷ đồng. Hàng xóm nhà ông Bảo là chị Dương Thị Kim Dung (31 tuổi) cũng thu hơn 30 tấn dù mới trồng được hơn 2 năm.
Chị Dung cho biết, cam lòng vàng rất dễ trồng, chỉ mất 1-2 năm đầu gây và chăm sóc để cây phát triển khỏe mạnh, chống chịu sâu bệnh. Từ những năm sau, người trồng chỉ cần chăm bón và thu hoạch quả. Thời điểm thu hoạch rộ nhất là vào tháng 11 âm lịch hàng năm. Lúc này, cam già, mã đẹp, chất lượng ngon, nếu kéo dài thêm thời gian thu hoạch thì cam sẽ bị khô múi.
Nhu cầu của thị trường với loại quả này ngày một tăng nên cam thu hoạch xong là bán rất chạy. Theo nhiều nông dân trồng cam tại Cao Phong, liên tục ba năm nay, giá cam đều ở mức cao và dễ tiêu thụ. Cam khi thu hoạch xong các thương lái ở Hà Nội về tận vườn thu mua với giá 26.000-30.000 đồng/kg, còn cam Canh thì có giá cao hơn là 45.000-50.000 đồng/kg. Riêng gia đình chị Dung thu được 1,6 tỷ trong vụ vừa rồi, đã trừ chi phí phân bón, công chăm sóc.
Cam nơi đây nếu chăm sóc tốt thì năng suất sẽ đạt hơn 3 tạ một cây. Ảnh Tú Anh.
Bà Ngô Thị Hằng, Chi hội trưởng hội nông dân thị trấn Cao Phong cho hay, trước kia, đời sống bà con vô cùng khó khăn. Ban đầu, đất canh tác tại đây chủ yếu là để trồng mía đỏ, chuối, dưa bở,... Mặc dù người dân lao động rất vất vả nhưng năng suất không cao, hiệu quả kinh tế thấp.
Từ thực trạng đó, phòng Nông nghiệp của huyện nghiên cứu và nhận thấy đất ở đây phù hợp để trồng các loại cây có múi. Bà Hằng cho biết nhiều hộ nông dân trong địa phương khi đó đã sang tận Văn Giang, Hưng Yên để lấy giống cam lòng vàng về trồng. Lúc đầu, diện tích trồng rất nhỏ lẻ do tiêu thụ khó khăn. Khi đó, cam Cao Phong chưa có thương hiệu, ít người biết đến khi thu hoạch mang đi bán phải mượn tiếng là cam Vinh, cam Hà Giang mới có thể bán được.
"Khoảng từ năm 2010 trở lại đây, qua thời gian mày mò, nghiên cứu, nhiều nông dân đã đúc kết được kinh nghiệm của riêng mình cho năng suất cao chất lượng tốt, mang lại giá trị kinh tế. Từ đó, họ mới quyết định gắn bó với loại cam này", bà Hằng chia sẻ.
Bằng kinh nghiệm cũng như được tập huấn, bà Hằng cho biết muốn cho vườn cây phát triển bền vững, năng suất cao, người trồng phải chú ý đến kỹ thuật, quan trọng nhất là khâu trồng cây con. Với cam lòng vàng, người trồng cần đảm bảo các quy trình kỹ thuật: trước tiên là đào hố 60 x 60 hoặc 80 x 80 cm (chiều rộng, chiều sâu).
Sau đó, người trồng cần để cho đất hả hơi, rồi đảo đất cùng với 2 kg phân lân không đạm, phân được ủ sẵn, 0,5 kg vôi bột. 1 tháng sau, người trồng mới cho cây xuống và chăm bón tưới nước đều. "Có như thế cây mới phát triển, trái to, khi chín màu vàng tươi, nhiều nước, mùi vị thơm. Nếu trồng đúng kỹ thuật, sản lượng có thể đạt 50 tấn/ha, hoặc cao hơn tùy theo tuổi cây", bà nói.
Cũng theo chia sẻ của bà Hằng, cam Cao Phong giúp cho cả thị trấn phát triển, trong thị trấn đến 70 % là khá giả nhờ cây cam, giúp cho bà con có công ăn việc làm thu nhập khá. Từ cây cam, nhiều gia đình đã xây nhà cao tầng, mua xe hơi. Có những người từng đi học thành đạt nhưng cũng quay về địa phương để phát triển cây cam để làm giàu. Thị trấn Cao Phong, Hòa Bình là mảnh đất miền núi giàu nhờ cây cam.
Theo Tú Anh