Độc đáo nghề làm thúng chai ở Phú Yên

TPO - Làng Phú Mỹ (xã An Dân, huyện Tuy An) là một trong những làng hiếm hoi ở tỉnh Phú Yên còn duy trì nghề làm thúng chai để phục vụ đi lại và đánh bắt hải sản. Sản phẩm thúng chai của làng Phú Mỹ hiện được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Độc đáo nghề làm thúng chai ở Phú Yên ảnh 1
Làng Phú Mỹ đã sản xuất ra một loại thuyền phục vụ đi biển gọi là “thúng chai”. Qua nhiều thế kỷ, phần lớn các cư dân trẻ của làng Phú Mỹ đã rời đi nơi khác để tìm kiếm công việc, nhưng ngôi làng vẫn gìn giữ được nghề làm thuyền thủ công nhờ tâm huyết của các nghệ nhân tận tụy. Trong ảnh, người dân trét dầu rái chống thấm cho thúng chai.
Độc đáo nghề làm thúng chai ở Phú Yên ảnh 2
Nhờ giá rẻ, chất lượng vượt trội nên sức tiêu thụ của sản phẩm thúng chai Phú Mỹ rất tốt. Nhiều năm qua, thúng chai Phú Mỹ còn xuất khẩu đi các nước trên thế giới như: Thái Lan, Thụy Sĩ, Nhật Bản…
Độc đáo nghề làm thúng chai ở Phú Yên ảnh 3

Để làm ra chiếc thúng chai, một người thợ phải đi qua nhiều công đoạn gồm: chẻ tre, vót tre, đan mên, lận, nức và quét dầu. Thợ làm thuyền cần chọn những cây tre có độ tuổi từ một năm đến một năm rưỡi, không được quá non cũng như không quá già, vì như vậy thân thuyền mới có độ bền. Trong ảnh, người dân làng Phú Mỹ nắn vành tre cho thúng chai.

Độc đáo nghề làm thúng chai ở Phú Yên ảnh 4
Ở Phú Mỹ, hiện vẫn có hơn 100 lao động gắn với nghề truyền thống đan thúng chai. Nguyên liệu để đan thúng thường là loại tre được trồng nhiều tại địa phương vốn chịu nước rất tốt và có độ dẻo cao, không bị giòn gãy khi đan. Trong ảnh, người dân tạo hình cho thúng chai.
Độc đáo nghề làm thúng chai ở Phú Yên ảnh 5
Khi được hoàn thiện, chiếc thúng chai sẽ được ngư dân Phú Yên sử dụng mỗi khi cần ra khơi, khi đi câu mực ban đêm, hay khi tham dự lễ hội cầu ngư của tỉnh hàng năm. Một chiếc thúng chai thành phẩm, đạt chất lượng để xuất ra thị trường từ lúc đan mên đến khi hoàn tất phải mất thời gian khoảng 8 - 10 ngày. Nhờ nguồn nguyên liệu có sẵn, nên giá sản phẩm thúng chai Phú Mỹ thường thấp hơn các địa phương khác, mỗi chiếc dao động từ 1,5 - 3 triệu đồng tùy theo kích cỡ và số nan.
Độc đáo nghề làm thúng chai ở Phú Yên ảnh 6
Dẫn chúng tôi đi tham quan cơ sở sản xuất thúng chai của mình, chị Trương Thị Bích Kiều (ở làng Phú Mỹ, xã An Dân) cho biết: “Hàng trăm năm qua, làng Phú Mỹ là nơi sản xuất thúng chai truyền thống nổi tiếng của địa phương. Nhờ nghề cha ông truyền lại mà gia đình tôi có thu nhập chắt chiu nuôi nấng các con ăn học. Vì thế, bằng bất cứ giá nào vợ chồng tôi cũng giữ lửa cho nghề”, chị Kiều chia sẻ.
Độc đáo nghề làm thúng chai ở Phú Yên ảnh 7
Nhờ mẫu mã được cải tiến, hiện sản phẩm thúng chai truyền thống của làng Phú Mỹ được tiêu thụ khá mạnh trên thị trường trong và ngoài nước. Cơ sở của chị Kiều là địa điểm thu hút nhiều du khách tới tham quan và quảng bá sản phẩm độc đáo.
Độc đáo nghề làm thúng chai ở Phú Yên ảnh 8
Bà Phan Thị Hồng Tuyết (ảnh trái, Phó Chủ tịch UBND xã An Dân) cho biết: Tại địa phương hiện còn khoảng 10 hộ làm nghề sản xuất thúng chai và đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Độc đáo nghề làm thúng chai ở Phú Yên ảnh 9
“Lãnh đạo xã khuyến khích các hộ gia đình tiếp tục giữ gìn và phát triển làng nghề đan thúng chai truyền thống. Đồng thời, xã có nhiều chính sách đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm đến gần người tiêu dùng và du khách thập phương nhằm tăng sức tiêu thụ, từ đó mang lại nguồn thu nhập tương xứng cho người dân sản xuất thúng chai”, bà Phan Thị Hồng Tuyết (ảnh trái) nói.
Độc đáo nghề làm thúng chai ở Phú Yên ảnh 10
Để làng nghề truyền thống đan thúng chai Phú Mỹ tiếp tục phát triển và mang lại nguồn thu nhập cho người dân, UBND xã An Dân đã vận động bà con thành lập nhóm, tổ hợp sản xuất để đẩy nhanh việc thành lập thương hiệu sản phẩm và có chính sách hỗ trợ bà con làm nghề mở rộng, phát triển sản xuất. Trong ảnh, người dân kiểm tra chất lượng thúng chai trước khi xuất xưởng.
Tin liên quan