Ngày 1/8, Ngân hàng UOB của Singapore công bố báo cáo nghiên cứu triển vọng doanh nghiệp năm 2023. Theo đó, UOB đã khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp trong khu vực châu Á tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc và đặc khu hành chính Hongkong - Trung Quốc. Tại Việt Nam, nghiên cứu đã khảo sát 505 doanh nghiệp trên cả nước.
Nghiên cứu cho thấy, 89% doanh nghiệp tham gia khảo sát tại Việt Nam cho rằng, môi trường kinh doanh trong nước tích cực. Đây là tỷ lệ cao nhất trong khu vực ASEAN. Tâm lý kinh doanh tích cực được thúc đẩy nhờ tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ khi 91% doanh nghiệp tại Việt Nam có doanh thu tăng trong năm 2022. Khảo sát cũng cho thấy 87% doanh nghiệp Việt Nam có triển vọng tích cực trong năm nay.
Giảm chi phí là ưu tiên hàng đầu vì lạm phát cao đã ảnh hưởng đến 94% doanh nghiệp được khảo sát. |
Dù vẫn lạc quan về triển vọng năm nay nhưng ưu tiên hàng đầu của các công ty được khảo sát là giảm chi phí, khai thác cơ sở khách hàng mới, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bổ túc, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động hiện có và phát triển nguồn doanh thu mới.
Cũng theo UOB, giảm chi phí là ưu tiên hàng đầu vì lạm phát cao đã ảnh hưởng đến 94% doanh nghiệp được khảo sát, đối với cả doanh nghiệp lớn có doanh thu từ 180 tỷ đồng đến dưới 5.500 tỷ đồng và doanh nghiệp nhỏ hơn với doanh thu dưới 180 tỷ đồng. Nghiên cứu cho thấy 57% doanh nghiệp được khảo sát chịu ảnh hưởng từ chi phí nguyên vật liệu tăng và 56% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ chi phí hoạt động tăng.
Để giảm thiểu tác động của lạm phát, cứ 2 doanh nghiệp tại Việt Nam thì có hơn 1 doanh nghiệp chú trọng nâng cao năng suất và 45% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ áp dụng cắt giảm chi phí trong các hoạt động của công ty.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các biện pháp hỗ trợ hàng đầu cho việc quản lý chuỗi cung ứng bao gồm các ưu đãi thuế hoặc hoàn thuế, tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tài trợ hoặc trợ cấp và cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp cùng ngành, có liên kết với Chính phủ hoặc có quy mô lớn.
72% doanh nghiệp tại Việt Nam nhắm đến khu vực Đông Nam Á cho kế hoạch mở rộng trong tương lai. |
Cũng theo kết quả khảo sát của UOB, cứ 10 doanh nghiệp thì có 9 doanh nghiệp tại Việt Nam đang tìm cách mở rộng sang thị trường nước ngoài trong 3 năm tới. Nhu cầu mở rộng ra nước ngoài đang dẫn đến sự quan tâm cao hơn đối với các nền tảng thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới.
Hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ có động lực mở rộng ra nước ngoài để tăng doanh thu, cải thiện lợi nhuận và xây dựng danh tiếng với tư cách là một doanh nghiệp quốc tế. 72% doanh nghiệp tại Việt Nam nhắm đến khu vực Đông Nam Á cho kế hoạch mở rộng trong tương lai. Thái Lan, Singapore và Malaysia là những điểm đến ưa thích trong khu vực Đông Nam Á của các doanh nghiệp Việt Nam.
UOB cũng nêu một số thách thức đang kìm hãm các doanh nghiệp trong việc mở rộng ra thị trường nước ngoài như thiếu khách hàng ở các thị trường mới, khó tìm được đối tác phù hợp để hợp tác, thiếu chuyên môn nội bộ để thúc đẩy mở rộng ra nước ngoài.