Theo đó ông Bảy cho rằng đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho tất cả các ngành kinh tế, nhất là du lịch, đây là tình hình chung bởi không chỉ doanh nghiệp khổ mà du khách cũng khó khăn do ngân sách cạn kiệt nhiều. Thời điểm này, doanh nghiệp càng lớn thì áp lực càng vất vả hơn.
“Đối với Vietravel, doanh thu từ mức hàng chục nghìn tỉ giờ quay về thời điểm vài nghìn tỉ nhưng chúnng tôi phải thích nghi với thời cuộc. Hiện doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn về việc chuyển đổi nhân sự từ du lịch quốc tế sang nội địa kể cả nhân sự bán vé cũng vậy. Đối với sản phẩm chúng tôi chỉ có thể triển khai các gói du lịch combo, trọn gói nhóm nhỏ vì tình hình hiện tại vẫn phải hạn chế tụ tập đông người.
Vấn đề giá cả, chúng tôi giảm sâu đến 50% và xác định đây là lúc làm cầu nối giữa du khách và địa điểm tham quan để lấy lại lòng tin của khách nhằm tạo khí thế làm việc. Đối với việc làm truyền thông, chúng tôi hiện tại tận dụng các kênh online để tiết kiệm nhất chi phí”, Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Hà Nội cho biết.
Cùng tham gia buổi tọa đàm, nói về khó khăn của doanh nghiệp lưu trú sau đại dịch COVID-19, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Cty CP Flamingo Redtours, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch cho hay : “Là doanh nghiệp kinh doanh hai mảng cả bất động sản du lịch và lữ hành, ngay thời điểm đại dịch COVID-19 diễn ra, tất cả các hoạt động du lịch và các mảng kinh doanh liên quan của chúng tôi đều phải dừng ngay lập tức. Điều này khiến toàn bộ hoạt động đầu tư bị điều chỉnh, chi phí vận hành của doanh nghiệp thiệt hại rất lớn do phải duy trì bộ máy cảnh quan và nguồn nhân lực”.
Do đó, ông Hoan cho rằng ở thời điểm hiện tại, một trong những việc mà doanh nghiệp phải làm là tăng cường đầu tư để nhận được sự đón nhận của thị trường; tiếp tục điều chỉnh tất cả các hoạt động vận hành theo tiêu chuẩn cao hơn thông thường; tái cơ cấu lại bộ máy; thay đổi thương hiệu sao cho phù hợp với thị hiếu khách hàng.
Nhờ những thay đổi nêu trên, Tổng Giám đốc Cty CP Flamingo Redtours tiết lộ, đến giờ phút này tất cả các dịch vụ du lịch của doanh nghiệp này đều đã trở lại hoạt động đến 90% công suất vào dịp cuối tuần và 40% đối với các ngày trong tuần. Lượng khách du lịch trong tháng 5 đã đạt gần bằng cùng kì năm trước, đó là một thành công khó khăn của doanh nghiệp lữ hành hậu đại dịch COVID-19.
Nói về mong muốn đối với ngành du lịch Việt Nam thời kì hậu đại dịch COVID-19, ông Phạm Văn Bảy bày tỏ, các doanh nghiệp cần phải có sự thống nhất về lộ trình tăng giá một cách hợp lý, các địa điểm du lịch có kế hoạch mở cửa về đêm đồng thời kiến nghị tăng thời gian nghỉ lễ, gần nhất là dịp 2/9 và cho học sinh nghỉ hè để kích cầu du lịch trong bối cảnh hậu COVID-19.
Còn ông Nguyễn Công Hoan cho rằng, thay vì đợi du khách Việt tìm đến, thì các doanh nghiệp lữ hành phải chủ động chinh phục khách hàng, thu hút họ bằng những sản phẩm du lịch hấp dẫn để mọi người ai cũng có thể tiếp cận, sử dụng các dịch vụ của du lịch và không chỉ một lần mà là nhiều lần.
“Tôi cho rằng đây không chỉ là thời điểm vàng để kích cầu du lịch mà còn là thời điểm để phát triển và duy trì với những mục tiêu về số lượng khách hàng, giá trị mang đến để hướng tới một nền du lịch Việt Nam bền vững”, Tổng Giám đốc Cty CP Flamingo Redtours, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch nhấn mạnh.