Doanh nghiệp do bà Mai Kiều Liên làm chủ tịch sắp lên sàn HoSE

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Công ty CP Giống Bò sữa Mộc Châu sẽ niêm yết 110 triệu cổ phiếu MCM trên sàn HoSE vào ngày 25/6 với giá tham chiếu 42.800 đồng/cổ phiếu. Quý I năm nay, Mộc Châu Milk đạt doanh thu hơn 625 tỷ đồng, giảm gần 15% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt gần 50 tỷ đồng, giảm gần 51% so với cùng kỳ năm trước.

Tuần này, có 37 doanh nghiệp thông báo chốt quyền để trả cổ tức. Trong đó, 29 công ty trả cổ tức bằng tiền mặt, 6 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, 2 công ty trả cổ tức kết hợp.

Lợi nhuận giảm 51%

HoSE vừa thông báo về ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu MCM của Công ty CP Giống Bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk).

Theo đó, toàn bộ 110 triệu cổ phiếu MCM sẽ chào sàn HoSE vào ngày 25/6 với giá tham chiếu 42.800 đồng/cổ phiếu, cao hơn 9% so với giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên Upcom (ngày 24/5) với giá 39.100 đồng/cổ phiếu. Như vậy, Mộc Châu Milk đang được định giá hơn 4.700 tỷ đồng tại ngày đầu tiên ra mắt HoSE.

Doanh nghiệp do bà Mai Kiều Liên làm chủ tịch sắp lên sàn HoSE ảnh 1

110 triệu cổ phiếu MCM sẽ chào sàn HoSE vào ngày 25/6 với giá tham chiếu 42.800 đồng/cổ phiếu.

Vào tháng 10/2023, Mộc Châu Milk đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 110 triệu cổ phiếu MCM trên HoSE và được chấp thuận vào ngày 24/5. MCM bắt đầu giao dịch trên Upcom vào cuối năm 2020 với gần 67 triệu cổ phiếu, giá tham chiếu 30.000 đồng/cổ phiếu.

Mộc Châu Milk là thương hiệu sữa lâu đời nhất ở Việt Nam, thành lập vào năm 1958. Đầu năm 2020, MCM về tay Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã chứng khoán: VNM) thông qua GTNFoods (đã sáp nhập vào Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam). Hiện, bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc kiêm thành viên HĐQT Vinamilk đồng thời là Chủ tịch HĐQT MCM.

Hồi quý I, Mộc Châu Milk đạt doanh thu hơn 625 tỷ đồng (giảm gần 15% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt gần 50 tỷ đồng (giảm gần 51% so với cùng kỳ năm trước).

Năm nay, Mộc Châu Milk đặt mục tiêu doanh thu thuần hơn 3.367 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 332 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, Giống bò sữa Mộc Châu chỉ hoàn thành khoảng 15% kế hoạch năm.

Theo MCM, lợi nhuận quý I giảm do doanh thu bán hàng giảm so với cùng kỳ năm 2023 vì ảnh hưởng từ tình hình kinh tế trong kỳ còn khó khăn, dẫn đến sức mua của người tiêu dùng giảm.

Tại thời điểm ngày 31/3, tổng tài sản của Mộc Châu Milk đạt hơn 2.605 tỷ đồng. Tiền gửi có kỳ hạn là 1.488 tỷ đồng, chiếm 57% tổng tài sản nhưng tiền mặt chỉ hơn 58 tỷ đồng. Nợ phải trả của MCM hơn 233 tỷ đồng, giảm 46 tỷ đồng so với đầu năm nhưng không vay nợ.

Năm 2023, MCM ghi nhận doanh thu thuần 3.135 tỷ đồng (đi ngang so với 2022) và lợi nhuận sau thuế 374 tỷ đồng (tăng 8% so với thực hiện 2022 nhưng cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp).

Doanh nghiệp do bà Mai Kiều Liên làm chủ tịch sắp lên sàn HoSE ảnh 2

Bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch của Mộc Châu Milk.

Kể từ khi niêm yết, Mộc Châu Milk duy trì việc trả cổ tức bằng tiền đều đặn cho cổ đông. Năm 2023, tỷ lệ chia cổ tức của MCM là 20% với 220 tỷ đồng.

Năm 2022, MCM 2 lần thanh toán cổ tức với tổng tỷ lệ 20% bằng tiền. Năm 2020, công ty trả cổ tức 15% bằng tiền, năm 2021 tăng lên 25%. Năm nay, Mộc Châu Milk dự kiến trả cổ tức tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế.

Chủ tịch NBB muốn bán sạch cổ phiếu

Ông Lưu Hải Ca - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã chứng khoán: NBB) - đăng ký bán toàn bộ 64.000 cổ phiếu NBB từ ngày 19/6 - 18/7 nhằm cân đối tài chính. Ước tính, ông Ca có thể thu về gần 1,6 tỷ đồng nếu giao dịch thành công.

Trong tháng 5, cơ cấu cổ đông của NBB đã có sự thay đổi khi Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (mã chứng khoán: CII) trở thành công ty mẹ của NBB sau giao dịch với Công ty CP Xây dựng Hạ tầng CII (mã chứng khoán: CEE).

Cụ thể, CII đã nhận chuyển nhượng hơn 7,8 triệu cổ phiếu NBB từ CEE, qua đó tăng tỷ lệ sở hữu từ 42,51% lên 50,31% vốn điều lệ. Ngược lại, tỷ lệ sở hữu của CEE tại NBB giảm từ 12,02% xuống còn 4,22% vốn điều lệ. Ước tính, giá trị thương vụ trên là gần 203 tỷ đồng.

Doanh nghiệp do bà Mai Kiều Liên làm chủ tịch sắp lên sàn HoSE ảnh 3

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy đăng ký bán toàn bộ 64.000 cổ phiếu NBB.

Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp - mã chứng khoán: DIG) giải thể công ty con là Công ty TNHH MTV Vũng Tàu Centre Point chỉ sau 1 năm thành lập. Công ty con này có vốn điều lệ 300 tỷ đồng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Ngày 18/6, Công ty CP Traphaco (mã chứng khoán: TRA) chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức đợt 2/2023 bằng tiền với tỷ lệ 20%, có nghĩa cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phần được nhận 2.000 đồng. Với hơn 41,45 triệu cổ phiếu đang niêm yết, công ty cần chi gần 83 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông.

Tháng 6/2023, Traphaco đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 với tỷ lệ 20% bằng tiền. Như vậy, tổng tỷ lệ chia cổ tức năm 2023 của công ty này là 40% bằng tiền mặt, cao hơn so với kế hoạch ban đầu là 30%.

Công ty CP Tư vấn Xây dựng Thủy Lợi II (HECII - mã chứng khoán: HEC) thông báo 20/6 là ngày chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 45%. Với 6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính HEC cần chi 27 tỷ đồng trả cổ tức.

Công ty CP Bột giặt LIX (mã chứng khoán: LIX) thông báo, 21/6 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông nhận cổ tức đợt 2 năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ thực hiện 20%. Với 32,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Bột giặt Lix sẽ chi gần 65 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này.

MỚI - NÓNG
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm kiểm tra, nắm tình hình tại Binh chủng Hóa học
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm kiểm tra, nắm tình hình tại Binh chủng Hóa học
TPO - Sáng 26/6, tại Lữ đoàn 86 thuộc Binh chủng Hoá học, đoàn công tác T.Ư Đoàn do anh Nguyễn Tường Lâm - Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực UBQG về Thanh niên Việt Nam làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên 6 tháng đầu năm và Chiến dịch Thanh niên tình nguyện (TNTN) Hè 2024 của Binh chủng Hóa học.
Vì sao dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nhật Tân chưa thể thông xe toàn tuyến ngày 30/6?
Vì sao dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nhật Tân chưa thể thông xe toàn tuyến ngày 30/6?
TPO - Là dự án trọng điểm có vai trò giảm ùn tắc, tuy nhiên do vướng nhiều thủ tục, đến nay công trường dự án đường Âu Cơ - Nhật Tân đã bị chậm nhiều năm, gây ảnh hưởng đến giao thông và cuộc sống sinh hoạt của người dân. Đại diện Ban quản lý dự án cho biết, vì một số nguyên nhân, dự án chưa thể thông xe toàn tuyến như kế hoạch là ngày 30/6 sắp tới.