UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đoàn kiểm tra do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn làm Trưởng đoàn, đại diện lãnh đạo Công an thành phố; một số sở, ngành liên quan... thực hiện nhiệm vụ tổ chức kiểm tra đột xuất đối với tổ chức, đơn vị về việc thực hiện công tác PCCC và CNCH trên địa bàn thành phố; tổng hợp tình hình, kết quả kiểm tra và báo cáo UBND thành phố. Thời gian kiểm tra dự kiến từ ngày 28/9/2022 đến ngày 31/12/2022.
Vụ cháy quán karaoke ở Cầu Giấy mới đây khiến 3 chiến sĩ cảnh sát PCCC hy sinh khi làm nhiệm vụ. Ảnh: PV |
Theo Kế hoạch kiểm tra được UBND thành phố ban hành, việc kiểm tra nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, cũng như ý thức, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình và người dân trong công tác PCCC và CNCH;
Cùng với đó, sẽ xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân buông lỏng, bỏ trống địa bàn, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH.
Theo kế hoạch, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra việc thực hiện công tác PCCC và CNCH trên địa bàn thành phố, tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực, loại hình cơ sở tập trung đông người, cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn thành phố.
Đối tượng kiểm tra là một số cơ sở tập trung đông người, cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao (cơ sở kinh doanh karaoke, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, nhà cao tầng, khu chung cư, tập thể cũ...) trên địa bàn. Trước mắt, tổ chức kiểm tra đối với các cơ sở trên địa bàn quận Cầu Giấy.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, công tác PCCC, CNCH tuy có nhiều tiến bộ, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp trong những năm qua và có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và thiệt hại. Các vụ cháy lớn, gây thiệt hại về người và tài sản vẫn xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là nhận thức về công tác PCCC của người đứng đầu các cấp, các ngành và nhân dân ở một số nơi còn hạn chế; ý thức phòng ngừa, kỹ năng thoát hiểm của một số bộ phận người dân chưa cao, dẫn việc xảy ra những vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại về người và của. Công tác phòng cháy ở một số cơ quan, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân; đặc biệt là các cơ sở kinh doanh (karaoke, vũ trường, quán bar, các điểm trông giữ phương tiện tại nhà...) chưa được quan tâm đúng mức, chưa nắm được phương pháp chữa cháy tại chỗ, không tự tổ chức cứu chữa được khi xảy ra cháy, nổ…