Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ sáng nay, 5 - 6. Ảnh: Chinhphu.vn. |
Đô thị phát triển theo phong trào
Bộ trưởng Dũng cho biết, trong những năm qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế, đô thị Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, số lượng đô thị được nâng lên, quy mô mở rộng, chất lượng nâng cao… tuy nhiên, còn nhiều thách thức.
“Đô thị phát triển thiếu quy hoạch, tự phát, còn theo phong trào ở một số đô thị, tình trạng thiếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tính kết nối hạ tầng còn yếu. Vấn đề ùn tắc giao thông, môi trường ô nhiễm, cảnh quan… ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống” – ông Dũng nói.
Bộ trưởng cho biết, nguyên nhân của tình trạng này, trước hết là do hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ, phạm vi điều chỉnh chưa phủ kín, bỏ trống nhiều lĩnh vực, có chỗ chồng chéo, chế tài xử lý vi phạm chưa rõ. Bên cạnh đó, quá trình quản lý nhà nước về xây dựng còn bất cập so với yêu cầu phát triển...
Nhiều khu đô thị xây dựng không theo quy hoạch. Ảnh minh họa. |
Ngoài ra, theo người đứng đầu Bộ Xây dựng, nhiều quy hoạch có chất lượng thấp, thiếu nhiều quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Hơn nữa, hạ tầng xã hội của một khu vực phát triển chưa được quan tâm, trong một dự án đô thị chỉ có các hạ tầng của khu, thiếu hạ tầng của vùng, nên chất lượng đô thị bị ảnh hưởng.
“Một vấn đề nữa, chúng ta phát triển đô thị nhưng thiếu quy hoạch chi tiết, đặc biệt thiếu thiết kế đô thị, điều lệ quản lý đô thị; công tác thiết kế đô thị còn lúng túng. Nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến lập các thiết kế đô thị để quản lý kiến trúc cảnh quan phù hợp với mục tiêu phát triển của mỗi đô thị”. – Bộ trưởng Dũng cho biết.
Cũng theo bộ trưởng Dũng, vấn đề điều chỉnh quy hoạch là cần thiết, do chất lượng quy hoạch thấp, nhưng nhiều khi điều chỉnh không vì yêu cầu khách quan mà do yêu cầu của nhà đầu tư, gây bức xúc của dư luận, ảnh hưởng phát triển bền vững.
“Công tác quản lý thực hiện quy hoạch nhiều bất cập, thiếu sự kiểm soát thống nhất từ Trung ương, phân cấp quá nhiều cho địa phương. Do đó, các dự án phát riển đô thị tự phát, phong trào, việc tăng cường kiểm tra kiểm soát chưa được quan tâm, thiếu những cơ quan quản lý thống nhất, vai trò nhạc trưởng kết nối dự án còn thiếu…” – Bộ trưởng thẳng thắn – “Trách nhiệm này thuộc về những cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng nói chung, trong đó có Bộ Xây dựng”.
Về giải pháp, ông Dũng cho biết, trước hết chúng ta hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, đặc biệt là về quản lý phát triển đô thị. Bộ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị thay cho Nghị định 02 về khu đô thị mới trước đây; hướng dẫn các Luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường…
“Đây là nghị định tổng hợp với mục tiêu lập lại trật tự quản lý đô thị, phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch; đảm bảo tiết kiệm nguồn lực, đặc biệt là đất đai; đảm bảo hạ tầng tốt cho đô thị; đảm bảo môi trường tốt để đô thị phát triển bền vững…”.
Không theo quy hoạch
Một bạn đọc là kiến trúc sư nêu câu hỏi, hiện nay công tác quy hoạch ở nhiều khu đô thị còn bất hợp lý.Ví dụ như: Khu đô thị mới Linh Đàm – Hà Nội với quy mô trên 2 vạn dân nhưng không có quy hoạch đất cho trụ sở hành chính, y tế; hay như tại khu đô thị Mỹ Đình I - HN, có khu đất được quy hoạch là trường học nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa triển khai xây dựng.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thừa nhận, điều này đúng, đồng thời cho biết, chúng ta phát triển đô thị, chúng ta không căn cứ vào quy hoạch phân khu, nhiều đô thị hiện nay quy hoạch phân khu chưa xong nhưng dự án đô thị đã hình thành.
Trên quy hoạch phân khu hiện nay của chúng ta gần như là hợp thức hóa lại những dự án đã có. Đối với những dự án đã thực hiện như dự án Linh Đàm, Mỹ Đình không nằm ngoài những vấn đề tôi vừa nói, đây là dự án độc lập, không trên cơ sở quy hoạch phân khu nên không có tính kết nối hạ tầng vùng, khu vực.
“Về vấn đề ai làm, nếu rơi vào dự án Linh Đàm, Linh Đàm phải làm, những dự án hạ tầng này không chỉ phục vụ cho Linh Đàm, mà phục vụ cho nhiều khu vực”. – Người đứng đầu bộ Xây dựng nói.
Khi nông thôn trở thành đô thị
Trước thắc mắc của bạn đọc về vấn đề nhiều địa phương thuộc khu vực nông thôn có quyết định trở thành đô thị trong khi các hình thức sản xuất, phong tục tập quán và lối sống của người dân ở đây vẫn duy trì theo kiểu nhà nông, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, đây là vấn đề rất được quan tâm.
“Ở Việt Nam, do tăng trưởng kinh tế nên quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh, và điều quan trọng là phải ứng xử như thế nào với quá trình đó. Hoặc là chúng ta bị động, để nó phát triển tự phát với những thách thức; hoặc chúng ta chủ động đón nhận đô thị hóa để tạo động lực cho nó phát triển, cũng là mục tiêu của quá trình phát triển. Tôi nghĩ chúng ta phải đi theo hướng thứ hai, tức là chủ động đón nhận quá trình đô thị hóa.” – Ông Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Dũng, muốn vậy, trước hết phải tập trung vào công tác quy hoạch, quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn và lộ trình thực hiện, và quy hoạch này phải có sự tham gia đông đảo của người dân, phục vụ lợi ích Nhà nước, xã hội và người dân.
Nhà nước chuẩn bị sẵn tư tưởng cho người dân, chuẩn bị kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục tiêu sử dụng đất, đào tạo nghề cho người dân vùng đó.
Trong quy hoạch, cũng cần giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi vùng miền, nhất là các làng cổ… để có thể trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, cũng là khoảng đệm tạo sự thông thoáng của đô thị…
Nhà nước cũng chủ động đào tạo nghề cho người dân nông thông để chuyển dịch cơ cấu lao động. Quy hoạch và phát triển đô thị phải gắn với giữ gìn giá trị văn hóa của mỗi vùng, mỗi địa phương, đặc biệt bảo tồn di sản văn hóa, các di tích lịch sử, các giá trị văn hóa phi vật thể…