Đổ nợ?

Đổ nợ?
TP - Không lâu sau khi Tiền Phong “phát hiện” Thành ủy Bạc Liêu hết tiền hoạt động, mới đây, đến lượt UBND thành phố Cà Mau cũng cho thấy đã bị “vỡ” chi ngân sách, phải ứng tiền năm sau để trả lương cho người lao động cùng nhiều khoản chi khác.

Mới đây, Bộ Tài chính hỏa tốc gửi công văn đến các địa phương có khả năng hụt thu trên cả nước để định hướng xử lý nợ nần.

Một diễn biến khác nghiêm trọng không kém, đó là nhiều xã, huyện đang lâm nợ trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới. Huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu), nhiều xã nợ từ 27 tỷ đến 54 tỷ đồng. Doanh nghiệp ứng tiền xây dựng lao đao, hàng ngàn giáo viên chậm vài tháng chưa được trả lương… Những tỉnh nghèo Hà Tĩnh, Nghệ An, hiện tượng mỗi xã nợ đọng vài ba chục tỷ đồng không hiếm. Sao không nợ cho được, khi có xã xây trụ sở tới 18 tỷ đồng, riêng cổng ngõ tường rào đã ngốn 6 tỷ ?!. Nhà văn hóa đang còn tốt cũng đập để xây mới hết 7 tỷ. Miếu thờ ở xã nọ xây hết 60 tỷ... Mỗi đầu người, bất kể già trẻ, bé choai đã góp 2 triệu đồng/người, mà   nợ của địa phương vẫn còn như núi. 

Trong 45 xã toàn tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn nông thôn mới, chỉ có 6 xã không nợ, hoặc nợ vài trăm triệu. Còn lại mỗi xã ôm nợ từ 5-6 tỷ đến trên 20 tỷ đồng. Cũng vẫn rập khuôn một “công thức”: trụ sở ủy ban xã hơn 4 tỷ, tường rào cổng ngõ 1 tỷ, nhà truyền thống, bia tưởng niệm hơn 4 tỷ, nhà văn hóa vài tỷ… Theo tính toán của một xã ở vùng này, nếu cắt đất phân lô để bán thì có bán tới…1.000 lô cũng không đủ trả nợ!

Không thể phủ nhận hiệu quả không nhỏ của chương trình xây dựng nông thôn mới, đã đem lại bộ mặt mới và sức sống mới cho nhiều địa phương khó nghèo cả nước. Tuy nhiên, không ít nơi chỉ chú trọng tô đắp  hình thức bên ngoài. Nông thôn mới không lẽ chỉ  đổ tiền vào xây xã đường, huyện đường nghênh ngang, cổng cao rào lớn, nhà bia miếu mạo hoành tráng?. Nông thôn mới mà người nông dân không được đầu tư, thay đổi gì về tập quán, cách thức nuôi trồng hiện đại, hiệu quả, để lớp trẻ khỏi phải bỏ quê đi tha phương cầu thực, thì có tác dụng gì?! Những tiền tỷ kể trên nếu đừng chi vung vãi, thì thừa sức đầu tư  sắm cho người nông dân những “chiếc cần câu” để thực sự thoát nghèo, làm giàu tại chính ruộng vườn của mình. 

Phiên thảo luận đánh giá về các chương trình mục tiêu quốc gia giai  đoạn 2011-2015 tại hội trường Quốc hội cách đây một tháng, các đại biểu đã thừa nhận sự “vung tay quá trán” ở nhiều địa phương trong cuộc chạy đua nông thôn mới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời báo chí sau đó, cũng cho biết đã chỉ đạo thống kê lại, khi “có nơi hoàn thành chương trình nông thôn mới nhưng nợ đầm đìa là làm sao?”

Nếu nhà nước không nhanh chóng và quyết liệt trong việc xốc lại kỷ cương, việc vỡ nợ dây chuyền tại các địa phương quen “bóc ngắn cắn dài” e khó tránh khỏi.

MỚI - NÓNG