Đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam

TP - Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ (7/5/1954) là thắng lợi của nghệ thuật quân sự thời đại Hồ Chí Minh.

Không quản hy sinh

Trong những ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chúng tôi có dịp được gặp một số cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch lịch sử này. Ở độ tuổi ngoài 90, cựu chiến binh Nguyễn Công Nuôi (huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) - nguyên chiến sĩ thuộc Sư đoàn 316 - vẫn minh mẫn và khoẻ mạnh. Ông kể, khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông mới khoảng 20 tuổi.

Đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam ảnh 1

Đông đảo người dân, du khách tham quan hầm tướng Đờ Cát dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

“Hồi đó chúng ta đánh Pháp ở bên Lào trước, sau đó tiến về giải phóng Lai Châu, giải phóng Điện Biên. Tôi có may mắn là vượt qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, sống đến ngày nay”, ông Nuôi nói, đồng thời cho biết, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ khoảng 3 tháng, ông được kết nạp vào Đảng. “Nhân dịp 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi cũng được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng”, ông Nuôi tự hào nói.

Nhớ lại thời kỳ tham gia kháng chiến chống Pháp, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nuôi kể đường sá đi lại xa xôi, cơm không đủ no, điều kiện vận chuyển lương thực, vũ khí thiếu thốn. Trong thời gian đó, bằng sức mạnh tinh thần, bộ đội ta đào hơn 100km giao thông hào. “Đêm đào, ngày cũng đào”, ông Nuôi nhớ lại, đồng thời cho biết, theo lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, bao vây, tiến công địch làm 3 đợt, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam ảnh 2

Ông Nguyễn Công Nuôi với nhóm phóng viên báo Tiền Phong. Ảnh: PV

“Thực dân Pháp xâm chiếm đất nước ta, đặt sưu cao, thuế nặng, gây bao tội ác, cha chết không cơm, mẹ chết không hòm. Thanh niên chúng tôi nhận thức phải vì Tổ quốc, chiến đấu không quản ngại hy sinh. Vượt mọi gian khó, đánh thắng giặc là được, việc chết chóc, hy sinh không ngại gì”, ông Nuôi nhớ lại thời kỳ hào hùng cách đây đã 70 năm.

Nói về tình đồng đội, ông Nuôi bảo, hồi đó anh em quý mến, thương nhau, nắm cơm chia đôi. “Chúng tôi gọi là cơm chấm cơm bởi gạo rang lên, trộn với muối, rồi cơm nắm chấm vào để ăn”, ông Nuôi kể lại. Nhưng cũng có những kỷ niệm đau thương, khi có những hôm, đơn vị nấu nồi cơm to chờ các chiến sĩ về ăn, mà không ai về nữa…

Cũng đã ngoài 90, cựu chiến binh Nguyễn Văn Kiểu không nhớ được chi tiết những chuyện đã diễn ra cách đây 70 năm. “Tôi nằm ở Điện Biên Phủ đúng 56 ngày đêm, ăn cơm nắm, ngủ hầm”, ông Kiểu kể, đồng thời “khoe”: Tôi ở Sư đoàn 316 - sư đoàn thép đấy, đánh nhau ác liệt lắm. Theo ông Kiểu, hồi đó, theo lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phải khắc phục mọi khó khăn, chỉ quyết thắng, không được lùi. Anh em chiến sĩ đều sẵn sàng tinh thần dù thế nào cũng quyết chiến, quyết thắng…

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Nuôi, ông Kiểu và nhiều đồng đội của các ông về xuôi, rồi đến năm 1958 quay trở lại Điện Biên theo điều động của quân đội. Các trung đoàn thuộc Sư đoàn 316 lo nhiều nhiệm vụ, từ việc xây dựng lực lượng vũ trang ở địa phương, rà phá bom mìn đến hỗ trợ xây dựng nông trường cùng nhân dân phát triển kinh tế. “Sau đó ở đây thành lập Nông trường Mường Ảng. Chúng tôi ở lại đây, sinh con đẻ cái, coi Điện Biên, Tây Bắc như quê hương thứ 2, lấy nông trường làm gia đình”, ông Nuôi chia sẻ.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, là tiếng vang đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Sau chiến thắng này, hầu hết các nước thuộc địa của Pháp và thuộc địa của các nước khác cũng nêu gương Việt Nam, đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc.

Nghệ thuật quân sự thời đại Hồ Chí Minh

Nhìn nhận về thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhấn mạnh, chiến thắng đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia, chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Chiến thắng cũng giải phóng miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục sự nghiệp cách mạng trong chặng đường mới: đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước sau này.

“Chiến thắng đã giúp miền Bắc hoà bình, đi lên chủ nghĩa xã hội, tạo thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam, tạo điều kiện để hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất Tổ quốc sau này”, ông Phúc nói.

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng phân tích, để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta đã thực hiện chiến lược chiến tranh nhân dân, thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, chúng ta đã đánh bại hết kế hoạch này đến kế hoạch khác của thực dân Pháp. “Có thể nói, thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là thắng lợi của nghệ thuật quân sự thời đại Hồ Chí Minh”, ông Phúc khẳng định.

Theo ông Phúc, ngay từ tháng 9/1953, khi họp Bộ Chính trị, về quyết tâm đánh bại Kế hoạch Nava của thực dân Pháp, Bác Hồ giơ bàn tay ra nói, phải phân tán lực lượng của địch, không để chúng tập trung lại. Theo chỉ đạo của Bác, chúng ta tấn công địch ở Tây Nguyên, thượng Lào, hạ Lào, Tây Bắc… buộc địch phải phân tán lực lượng, rồi tập trung dồn sức đánh vào tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch ở Điện Biên Phủ. “Ta thắng ở Điện Biên Phủ, toàn bộ Kế hoạch Nava của thực dân Pháp phá sản”, ông Phúc nói.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, là tiếng vang đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Sau chiến thắng này, hầu hết các nước thuộc địa của Pháp và thuộc địa của các nước khác cũng nêu gương Việt Nam, đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. “Sau này, các nhà nghiên cứu nhận định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên viết bản án lên án chế độ thực dân và Người cùng với dân tộc của Người đã thi hành bản án đó”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nêu.

Ông Phúc cho rằng, từ ý nghĩa của thắng lợi của Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), Đại thắng mùa Xuân 1975, hiện nay, chúng ta phải tập trung bảo vệ Tổ quốc cho thật tốt; thực hiện quan điểm của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cần phải bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Quan trọng nhất, muốn giữ hoà bình, chúng ta cần phải chuẩn bị điều kiện cho chiến tranh để không bị động, bất ngờ.

Tin liên quan