Điều kiện ổn định tỷ giá vẫn vững chắc

Điều hành tỷ giá phải cân nhắc ba bề bốn bên
Điều hành tỷ giá phải cân nhắc ba bề bốn bên
TP - “Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tiếp tục kiên định điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, không vội vàng dao động, không làm ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường; đảm bảo ổn định tỷ giá theo đúng định hướng biên độ đề ra từ đầu năm”_ PGS.TS Đào Văn Hùng, thành viên Hội đồng tư vấn CSTT quốc gia, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) nhận định.

Ông đánh giá thế nào về thông điệp không điều chỉnh tỷ giá mà NHNN vừa công bố?

Các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN trong thời gian qua khá chủ động, linh hoạt, đúng định hướng, duy trì được ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, tăng niềm tin vào VND. Diễn biến tăng tỷ giá trong những ngày giữa tháng 3/2015 chủ yếu do yếu tố tâm lý khi đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường thế giới, khi nhập siêu quay trở lại. Mặc dù có biến động tăng nhưng mặt bằng tỷ giá vẫn thấp hơn so với trần quy định của NHNN, diễn biến của thị trường chưa có biểu hiện đáng quan ngại.

Việc NHNN vẫn điều hành tỷ giá theo biên độ đề ra từ đầu năm là một động thái cần thiết để ổn định thị trường. Với vai trò cơ quan quản lý và điều hành, NHNN chắc chắn đã có theo dõi sát diễn biến trên thị trường trong và ngoài nước và có những phân tích đánh giá trên nhiều góc độ để có thể đưa ra những định hướng chính sách phù hợp.

Nhiều ý kiến cho rằng công cụ tỷ giá cần được sử dụng trong thời điểm này để hỗ trợ xuất khẩu, cá nhân ông nghĩ sao?

Điều hành tỷ giá cần hướng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, cân nhắc hài hòa trong tổng thể tác động của tỷ giá đến các yếu tố như xuất khẩu, nhập khẩu, lạm phát, nợ công đảm bảo ổn định tỷ giá theo đúng định hướng biên độ đề ra từ đầu năm và đạt được mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ đề ra.

PGS.TS Đào Văn  Hùng

Việc giảm giá đồng nội tệ có thể cải thiện xuất khẩu do giảm giá nội tệ làm giảm giá hàng xuất khẩu khi tính bằng ngoại tệ, giúp tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, điều kiện Marshall Lerner trong kinh tế học quốc tế đã khẳng định, khi phá giá nội tệ, bên cạnh tác động tích cực khiến khối lượng xuất khẩu tăng do giá hàng xuất khẩu rẻ đi tương đối so với hàng nước ngoài, thì cũng có tác động tiêu cực làm tăng chi phí nhập khẩu tính bằng nội tệ. Nếu hiệu ứng về khối lượng lên xuất khẩu bù đắp được hiệu ứng tiêu cực về chi phí nhập khẩu, việc phá giá nội tệ mới có thể cải thiện cán cân thương mại...

Liên hệ thực tiễn Việt Nam, cần chú ý rằng năng lực cạnh tranh hàng hóa của ta còn thấp so với các nước trên thế giới về mẫu mã, chủng loại, chất lượng... nên mặc dù giá bán luôn ở mức thấp hơn so với các nước nhưng sức cạnh tranh vẫn hạn chế. Điều chỉnh tỷ giá dù có cải thiện xuất khẩu nhưng mức độ không nhiều. Trong khi đó, cơ cấu kinh tế của Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nguồn máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu, sản xuất nặng tính gia công.

Xuất khẩu dệt may thì tỉ lệ nguyên liệu nhập khẩu năm 2013 là 82,5%, giày dép khoảng 70%; các sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo, thủy sản xuất khẩu phải nhập khẩu từ phân bón, thuốc trừ sâu đến thức ăn chăn nuôi. Nhập khẩu chiếm khoảng 80% GDP thì hơn 90% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất.. Chúng ta phải chú ý đến tác động này bởi trong quý 1 năm nay, kinh tế hồi phục mạnh mẽ ngoài dự đoán ở mức 6,03% đã khiến nhập khẩu tăng trở lại. Chi phí nhập khẩu nếu gia tăng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và sự phục hồi kinh tế.

Cơ sở nào để NHNN ổn định tỷ giá trong biên độ đề ra từ đầu năm?

Điều kiện ổn định tỷ giá vẫn vững chắc ảnh 1

PGS.TS Đào Văn  Hùng

Không khó để nhìn thấy các điều kiện căn bản cho ổn định tỷ giá vẫn rất vững chắc. Cán cân thanh toán quốc tế tổng thể năm 2014 thặng dư ở mức cao tức là nền kinh tế có dư cung ngoại tệ rất lớn. Năm 2014 dự trữ ngoại hối tăng cao kỷ lục, tạo điều kiện thuận lợi cho NHNN có nguồn lực dồi dào để giữ ổn định tỷ giá. Quý 1 năm nay NHNN cũng đã cho biết là cán cân tổng thể tiếp tục thặng dư 2,8 tỷ USD.

Một số người tỏ ra lo ngại về mức nhập siêu 1,8 tỷ USD trong quý 1/2015 nhưng phải thấy rằng thương mại chỉ đóng góp một phần trong tổng thể cân bằng cung cầu ngoại tệ của nền kinh tế. Còn những nguồn cung ngoại tệ khác nữa như FDI, ODA, kiều hối… FDI giải ngân vẫn liên tục tăng trong những năm vừa qua, quý 1/2015 là hơn 3 tỷ USD. ODA ước tính khoảng 0,4 tỷ USD.

Kiều hối quý 1/2015 cũng được ước tính ở mức khoảng 1,7 tỷ USD. Làm phép tính cộng trừ đơn giản cũng thấy được tổng thể nền kinh tế có dư cung ngoại tệ và các nguồn cung ngoại tệ là khá bền vững. Với tình hình như vậy, việc ổn định tỷ giá theo đúng định hướng đặt ra từ đầu năm là nằm trong tầm tay NHNN.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG