Tại cuộc họp chiều tối 25/3, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ 9/3, tỷ giá bắt đầu tăng. Quan sát trên thị trường, NHNN nhận thấy có biến động nhưng có ngày tăng, có ngày giảm và vẫn thấp hơn trần của NHNN (21.673 đồng/USD). Hiện tỷ giá về dưới 21.500 đồng, vẫn còn xa so với trần.
Sau khi theo dõi sát, NHNN phân tích và nhận thấy: cần nhìn nhận đồng đô la Mỹ tăng mạnh so với nhiều đồng tiền trên thế giới nhưng VNĐ đã điều chỉnh 1% từ đầu năm nên không có nhiều quan ngại.
Trên cơ sở quan sát của NHNN, đồng USD tăng mạnh so với đồng Euro, bảng Anh... Tuy nhiên, so với một số đồng tiền trong khu vực châu Á như Nhân dân tệ, đô la Hồng Kông... thì đồng đô la Mỹ tăng không nhiều. Bên cạnh đó, đồng tiền Việt Nam so với những nước đồng tiền mất giá chiếm tỷ trọng nhỏ.
Theo bà Hồng, hiện hàng nhập khẩu của chúng ta có tới 90% phụ thuộc nguyên, vật liệu nước ngoài. Khi tăng tỷ giá thì giá cả sẽ tăng lên, nhất là trong điều kiện này, nhập khẩu đang tăng trở lại. Cuộc họp của Hội đồng tư vấn tiền tệ cho rằng điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ hỗ trợ xuất khẩu nhưng không phải là nhiều. Do đó, từ góc độ cơ quan quản lý chính sách, NHNN cần phải đánh giá trên rất nhiều yếu tố.
Thanh Niên: Vậy bà có thể cho biết hiện tình hình cung – cầu trên thị trường ngoại tệ thế nào. Đầu năm 2015 sau khi điều chỉnh tỷ giá tăng 1%, nghe nói NHNN đã mua vào tới 2,4 tỷ USD ngoại tệ?
“Dòng tiền VNĐ vào hệ thống đang duy trì ổn định. Hiện dự trữ ngoại hối cũng dồi dào; Lãi suất VNĐ cũng sẽ ổn định. NHNN vẫn kiên định điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo linh hoạt và cố gắng đảm bảo mục tiêu đề ra không tăng tỷ giá không biến động quá 2% trong năm 2015” – Thống đốc Nguyễn Thị Hồng
Trước diễn biến tăng mạnh đồng Đô la, có những nước duy trì đồng nội tệ mạnh để hỗ trợ xuất khẩu thông qua các công cụ như giảm lãi suất, gói nới lỏng định lượng. Ví dụ hơn 20 ngân hàng Trung ương trên thế giới đã nới lỏng tiền tệ thông qua cắt giảm lãi suất. Việt Nam không phải không có động thái gì và vẫn nằm trong xu thế chung. 3 năm qua, NHNN đưa tiền ra cho nền kinh tế khá nhiều (ví như kênh mua ngoại tệ) và đến nay mặt bằng lãi suất đã giảm tương đối mạnh.
Vào thời điểm trước Tết, khi NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá, giá USD trên thị trường đã giảm mạnh ở mức khá thấp và NHNN đã tiếp tục mua vào. Tôi thấy vẫn cần nhấn mạnh: Hiện cung cầu thị trường ngoại tệ diễn biến tăng tỷ giá chủ yếu do yếu tố tâm lý, yếu tố kinh tế không có biến động lớn, không có gì quan ngại. Dù chúng ta đã chuyển sang nhập siêu (sau hai tháng rưỡi lên tới 1,75 tỷ USD), tuy nhiên nhập siêu chỉ là một hạng mục trên cán cân thanh toán, quý 1 chúng ta vẫn thặng dự 2,8 tỷ USD; dự kiến xu hướng cả năm vẫn tiếp tục thặng dư.
Tiền Phong: Tỷ giá biến động những ngày qua có ý kiến do có “tạo sóng” của các NHTM lớn. Về nhận định này, Phó Thống đốc có ý kiến gì?
Cần phải nhìn nhận việc các NHTM mua bán ngoại tệ trên thị trường là việc bình thường, quan trọng khách hàng cần thì phải để bán hoặc mua. Xét trên tổng thể vừa qua, không có biến động đột biến, các nhu cầu hợp pháp của cá nhân được đáp ứng đầy đủ. Đúng là các NHTM kinh doanh thì phải kiếm lời nhưng trên thị trường ngoại hối, không phải tất cả các NHTM đều kinh doanh. Đối với thị trường nếu cố tình tạo sóng, NHNN mà nắm được thông tin đó, trên thực tế sẽ kiểm tra và nếu phát hiện xử lý
Thời báo Kinh tế: Phó thống đốc nói rằng tỷ giá biến động do yếu tố tâm lý, vậy tại sao lại gây sốt tỷ giá trên thị trường hay nhận định trên chỉ dựa trên sự mơ hồ?
Yếu tố tâm lý luôn tác động mạnh, chỉ cần thị trường biến động 2-3 ngày thôi mọi người đã rất quan tâm. NHNN theo dõi thì thấy khi ta hội nhập , diễn biến trên thế giới sẽ có tác động đến thị trường trong nước. Ví dụ điều hành của FED rất có tác động. Thị trường có thể nghi ngại tỷ giá tăng cao; tuy nhiên xét trên đánh giá của NHNN, thị trường chưa phải lo ngại.
Vnexpress: Đại diện Bộ KHĐT có tính toán nếu tỷ giá tăng 1% thì vay nợ nước ngoài tăng 10.000 tỷ đồng. NHNN có thể cho biết phải chăng đây cũng là một e ngại nếu tính toán tăng tỷ giá?
Hiện NHNN đánh giá điều hành tỷ giá trên nhiều yếu tố như xuất nhập khẩu, nợ nước ngoài cũng là một vấn đề. Trong tổng nợ nước ngoài của Việt nam, cơ cấu nợ nước ngoài chiếm chủ yếu là đồng đô la Mỹ nên dù có ý kiến cho rằng phải phá giá VNĐ để cạnh tranh xuất khẩu đúng như Bộ KH& ĐT nghiên cứu: nếu điều chỉnh sẽ có tác động đến nợ nước ngoài của Chính phủ và nền kinh tế. Đối với lạm phát sau khi giá điện tăng, tác động chính sách tiền tệ có độ trễ về đưa tiền ra nền kinh tế, rồi tác động giá dầu tăng hay duy trì mức thấp đều cần đánh giá và tính đến khi điều hành tỷ giá. Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia khi họp đánh giá cũng cân nhắc những tác động này.
Cảm ơn Phó Thống đốc!
USD tăng vì ngân hàng tạo “sóng”
Liên quan đến diễn biến tỷ giá USD/VNĐ những ngày gần đây, theo một nguồn tin cho biết, khả năng biến động đến từ việc một số ngân hàng đã tạo sóng, kiếm lời. “Với vai trò là những nhà tạo lập thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, nhiều ngân hàng lớn đã tranh thủ thực hiện mua bán cả hai chiều ở mức giá hợp lý nhằm tìm kiếm lợi nhuận kinh doanh trong ngày” - Một chuyên gia nhìn nhận.
Cụ thể, bộ phận phân tích của một ngân hàng đã chỉ ra: Sau sự ổn định tuần đầu tháng 3, từ thời điểm ngày 12/3 trở đi, tỷ giá dần nhích lên mức cao hơn. Động thái này chủ yếu bắt nguồn từ quan điểm kinh doanh tự doanh của các ngân hàng và ảnh hưởng của yếu tố tâm lý do tỷ giá thị trường tự do tăng mạnh.
Cũng về tỷ giá, đại diện Vietcombank cho biết, trong vòng 10 ngày gần đây ngân hàng đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu mua/bán USD của khách hàng là bộ phận dân cư (thị trường 1). Doanh số giao dịch mua bán USD trung bình của Vietcombank với khách hàng thị trường 1 từ đầu tháng 3 tới nay khoảng 116 triệu USD/ngày