Điều ít biết về tên lửa đạn đạo liên lục địa UR-100N UTTH của Nga

0:00 / 0:00
0:00
Là tên lửa đạn đạo liên lục địa được phát triển và chế tạo thời Liên Xô, UR-100N UTTH đã trải qua nhiều đợt nâng cấp và tiếp tục làm nhiệm vụ trực chiến đến năm 2023 trong Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga.

Quá trình phát triển

Tên lửa liên lục địa UR-100N UTTH (hay RS-18), theo phân loại của Mỹ và NATO là SS-19 Stiletto, là loại vũ khí tên lửa đạn đạo chiến lược của Nga - Xô, được bố trí trong giếng phóng cố định. Tên lửa này thường mang 6 đầu đạn (với tổng sức công phá 3.300 kiloton, tương đương 3,3 triệu tấn thuốc nổ TNT), cùng các phương tiện kỹ thuật khác để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

Tên lửa UR-100N UTTH là phiên bản cải tiến sâu của hệ thống tên lửa UR-100 được tạo ra bởi Viện thiết kế tên lửa OKB-52 của Liên Xô (hiện nay là NPO Mashinostroyenia) vào năm 1969. Cụ thể, OKB-52 do kiến trúc sư trưởng V. Chelomey đứng đầu đã phát triển dự án tên lửa đạn đạo liên lục địa UR-100N, lớp đất-đối-đất.

Điều ít biết về tên lửa đạn đạo liên lục địa UR-100N UTTH của Nga ảnh 1
Tên lửa đạn đạo liên lục địa UR-100N UTTH do Liên Xô phát triển trang bị dành cho các giếng phóng cố định. Ảnh: vpk.name

Bắt đầu thực hiện dự án, V. Chelomey cố gắng tạo ra một hệ thống tên lửa đáng tin cậy và hiệu quả, đồng thời có chi phí thấp. Cách tiếp cận như vậy sẽ làm tăng tổng số lượng tên lửa được triển khai, và sẽ đảm bảo đáp trả hiệu quả đòn tấn công trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân (vì đối thủ không thể chế áp nhiều bệ phóng đặt rải rác khắp đất nước).

Các cuộc thử nghiệm đầu tiên của tên lửa tại bãi thử Baikonur bắt đầu vào tháng 4/1973, và hoàn tất thành công vào tháng 10/1975. Vào cuối tháng 12 cùng năm, UR-100N được Lực lượng Tên lửa Chiến lược Liên Xô tiếp nhận. Sau khi tên lửa mới được đưa vào thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, công việc cải tiến các đặc tính hoạt động (UTTH) của nó vẫn được tiếp tục.

Bộ Quốc phòng Liên Xô sau đó quyết định kiểm tra tầm bay thực tế của UR-100N. Theo đặc tính kỹ thuật, tên lửa tầm bắn tới 10.000 km, song tại thời điểm ban đầu, tầm bay thực chỉ đạt 7.500km (khoảng cách từ Baikonur tới Kamchatka). Kết quả đợt kiểm tra có thấy, tên lửa bị rơi trước khi di chuyển đến mục tiêu và không đạt yêu cầu khoảng cách đề ra. Cuộc điều tra sau đó cho thấy, lý do rơi là do độ rung tăng lên, khiến thân tên lửa bị phá hủy. Điều này đòi hỏi phải có biện pháp cải tiến phù hợp.

Nâng cấp thành công

Sau đợt thử nghiệm thất bại, đơn vị thiết kế đã thực hiện nhiều thay đổi nhằm cải thiện đáng kể các đặc tính của UR-100N. Theo đó, những thay đổi cơ bản tập trung vào động cơ, hệ thống điều khiển và đơn vị phân phối đầu đạn. Kết quả UR-100N có tính năng kỹ - chiến thuật vượt yêu cầu đề ra.

Năm 1977, một chu kỳ bay thử nghiệm mới đối với tên lửa UR-100N UTTH đã được thực hiện. Sau hơn 2 năm, vào tháng 12/1980, UR-100N cải tiến (RS-18B) được đưa vào sử dụng trong Lực lượng Tên lửa Chiến lược Liên Xô. Tổng cộng có 360 tên lửa đã được tiếp nhận và đưa vào trực chiến.

Việc triển khai các tổ hợp tên lửa cải tiến mới tiếp tục diễn ra cho đến năm 1984. Sau đó, UR-100N UTTH tiếp tục được thay thế bằng một phiên bản sửa đổi mới hơn. Các bệ phóng ngầm được tăng cường các biện pháp an ninh và an toàn. Liên Xô thành lập các trung đoàn tên lửa đạn đạo chiến lược UR-100N UTTH đầu tiên.

Về đặc điểm chung, tên lửa UR-100N UTTH có khối lượng khi phóng trên 105 tấn, khối lượng phần đầu đạn là 4,3 tấn. Tên lửa có chiều dài 24,3 m, đường kính 2,5 m. Phạm vi tấn công là hơn 10.000 km, độ chính xác đạt 350 m. UR-100N UTTH sử dụng động cơ nguyên liệu lỏng.

Tính đến cuối năm 2009, Liên bang Nga trang bị khoảng 70 tên lửa UR-100N UTTH, với 420 đầu đạn. Chúng được triển khai ở khu vực Kozelsk, Tatishchevo. Theo các nguồn tin, Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga hiện còn 30 tên lửa đạn đạo liên lục địa UR-100N UTTH đang đặt trong hầm phóng trực chiến.

Điều ít biết về tên lửa đạn đạo liên lục địa UR-100N UTTH của Nga ảnh 2
Nga sẽ kéo dài thời gian phục vụ của UR-100N UTTH đến năm 2023. Ảnh: wikipedia

Kéo dài thời gian phục vụ

Mới đây trả lời phỏng vấn hãng tin RIAN, Tổng giám đốc NPO “Mashinostroyenia”, thành viên của Hiệp hội Kỹ sư cơ khí Nga, Alexander Leonov cho biết, tên lửa liên lục địa (ICBM) UR-100N UTTH của các lực lượng vũ trang Nga sẽ kéo dài thời gian phục vụ đến năm 2023, sau khi được nâng cấp.

Theo ông Leonov, tại thời điểm hiện tại, tên lửa UR-100N UTTH có thời gian trực chiến lâu nhất. Sau khi nâng cấp, tên lửa có thể phục vụ dài hơn 37 năm, phù hợp với kế hoạch của Lực lượng Tên lửa Chiến lược. Theo đó, để thực hiện nâng cấp UR-100N UTTH, cần phải thực hiện giai đoạn nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ trong chương trình cải thiện kỹ thuật tổng thể. Các chuyên gia Nga đã xác định giới hạn an toàn của kết cấu chịu lực, kiểm tra kỹ tình trạng thùng nhiên liệu, phân tích tình trạng, thành phần nhiên liệu và thử nghiệm trong các buồng phóng.

Trước đó, hồi tháng 4/2021, chuyên gia Alexander Leonov đã khẳng định, thời gian phục vụ của UR-100N UTTH với trang bị đầu đạn siêu thanh Avangard, được lên kế hoạch kéo dài thêm 3 năm. “Chúng tôi sẽ giữ tên lửa này trong tình trạng chiến đấu thêm trong thời gian cần thiết”. Trong tương lai, các tên lửa UR-100N UTTH sẽ được thay thế bằng tên lửa đạn đạo tiên tiến Sarmat.

Sau khi bị loại biên, tên lửa UR-100N UTTH không bị phá hủy, mà được sử dụng làm phương tiện chuyên chở lên quỹ đạo với trọng tải hơn 2 tấn. Theo đó, trên cơ sở tên lửa đạn đạo này, Trung tâm Khrunichev đã phát triển tên lửa Rokot - phương tiện phóng hạng nhẹ 3 tầng sử dụng nhiên liệu chất lỏng. Lần phóng đầu tiên của Rokot diễn ra từ bãi phóng vũ trụ Plesetsk vào tháng 5/2000 và gần đây nhất là vào tháng 8/2019. Hiện tại, Nga đang có kế hoạch nối lại các đợt phóng tên lửa Rokot.


Link gốc:

https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/dieu-it-biet-ve-ten-lua-dan-dao-lien-luc-dia-ur-100n-utth-cua-nga-674729

Theo Minh Tuấn/Quân đội Nhân dân
MỚI - NÓNG