Nga đoạn tuyệt với NATO

0:00 / 0:00
0:00
Một lính canh đứng ngoài toà nhà nơi đặt văn phòng thông tin của NATO ở Mátxcơva. Ảnh: Getty Images
Một lính canh đứng ngoài toà nhà nơi đặt văn phòng thông tin của NATO ở Mátxcơva. Ảnh: Getty Images
TP - Nga thông báo sẽ dừng hoạt động của phái đoàn đại diện ở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi liên minh quân sự này trục xuất 8 người Nga với cáo buộc gián điệp. Quyết định này tiếp tục đánh dấu đà đi xuống trong quan hệ Đông - Tây vào giai đoạn căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 19/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết phái đoàn quân sự của NATO ở Mátxcơva sẽ bị tước quyền kể từ ngày 1/11 và văn phòng thông tin của tổ chức này ở thủ đô của Nga sẽ bị đóng cửa. “Nếu các thành viên NATO có bất kỳ vấn đề khẩn cấp nào, họ có thể liên lạc với đại sứ của chúng tôi tại Bỉ để giải đáp các câu hỏi”, Reuters dẫn lời ông Lavrov.

NATO vẫn sẵn sàng đối thoại

Quan hệ giữa Mátxcơva với phương Tây đã căng thẳng nhiều năm nay, nhưng diễn biến trực tiếp dẫn đến quyết định của Nga là vụ trục xuất với cáo buộc gián điệp.Ngày 6/10, NATO thông báo trục xuất 8 người trong phái đoàn đại diện của Nga tại tổ chức này vì họ là “những sĩ quan tình báo Nga không khai báo”. Mátxcơva nói rằng hành động trục xuất làm mất hy vọng bình thường hoá quan hệ giữa Nga với liên minh do Mỹ dẫn đầu. Ngoại trưởng Nga cáo buộc NATO thiết lập “cơ chế cấm cản” đối với các nhà ngoại giao Nga ở Brussels khi không cho họ vào toà nhà trụ sở.

Ông Lavrov nói rằng trước đây NATO đã hai lần giảm số lượng người trong phái đoàn Nga, vào các năm 2015 và 2018. “Trên cấp độ quân sự, hoàn toàn không có tiếp xúc nào diễn ra”, ông nói. “NATO không quan tâm đến việc đối thoại bình đẳng và công việc chung. Nếu đúng như vậy, chúng tôi thấy không cần thiết phải giả vờ rằng những thay đổi trong tương lai gần là điều có thể diễn ra”, ông Lavrov nhấn mạnh.

NATO cho biết đã lưu ý đến quyết định của Nga. “Chúng tôi lấy làm tiếc trước những bước đi đó. Chính sách của NATO với Nga vẫn nhất quán”, phát ngôn viên NATO Oana Lungescu nói. “Chúng tôi đã tăng cường năng lực răn đe và phòng vệ để đối phó với những hành động của Nga, nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng đối thoại, bao gồm thông qua Hội đồng NATO - Nga”, bà nói.

Ngoại trưởng Đức Haiko Maas nói rằng Nga dường như không còn sẵn sàng đối thoại với phương Tây. “Quyết định của Mátxcơva hơn cả đáng tiếc. Nó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ giữa hai bên”, ông Maas nói.

Không chỉ mâu thuẫn trên mặt trận ngoại giao, căng thẳng quân sự giữa Nga và NATO cũng gia tăng trong những năm gần đây. Mátxcơva nói rằng họ đã dỡ bỏ Hiệp ước Warsaw, nhưng ngược lại NATO tiếp tục mở rộng địa bàn sang những quốc gia từng là một phần của Liên Xô cũ. Đáp lại, Nga nỗ lực củng cố quan hệ với các nước láng giềng và với Trung Quốc.

Quan hệ hai bên cũng căng thẳng hơn khi NATO can thiệp vào các cuộc chiến ở vùng Balkan trong những năm 1990 để chống lại Serbia, một đồng minh của Nga. Có thời điểm Nga đáp trả bằng cách bổ nhiệm một người gay gắt với phương Tây, ông Dmitry Rogozin (hiện là giám đốc chương trình vũ trụ Nga), làm đại sứ tại Brussels.

Mâu thuẫn vẫn tiếp tục được bồi thêm bằng những sự kiện sau đó. NATO không chấp nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và hậu thuẫn lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Ukraine không phải thành viên của NATO, nhưng những bước đi của Nga khiến NATO lo ngại Mátxcơva đang mở rộng ảnh hưởng ở Đông Âu. Trong khi đó, Nga cáo buộc NATO có những hoạt động khiêu khích ở biên giới của họ và triển khai những cuộc tập trận quy mô lớn trong tháng 9 vừa qua. NATO khẳng định quyết tâm củng cố an ninh cho các quốc gia thành viên tiếp giáp với Nga sau khi Mátxcơva sáp nhập bán đảo Crimea.

Mỹ củng cố liên minh

Quyết định đoạn tuyệt của Nga diễn ra vào thời điểm chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực củng cố quan hệ đồng minh với châu Âu, sau khi người tiền nhiệm Donald Trump chỉ trích các thành viên của NATO hưởng lợi miễn phí từ ngân sách quân sự của Mỹ và doạ sẽ rút khỏi tổ chức này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vừa thăm Georgia để gặp các lãnh đạo nước này ở thủ đô Tbilisi. Hai bên đã ký kết một sáng kiến mới nhằm giúp Georgia “trở nên hiệu quả hơn và tương tác tốt hơn với NATO”, CNN dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ. Thỏa thuận này sẽ mở rộng chương trình quốc phòng của Georgia nhằm “giúp Georgia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”.

Georgia là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 3 nước của ông Austin nhằm “tái bảo đảm với các đồng minh và đối tác về cam kết của Mỹ đối với chủ quyền của họ trước những bước đi của Nga”, AP dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ. Sau Georgia, ông Austin sẽ thăm Ukraine và Romania trước khi đến trụ sở NATO ở Brussels.

Tuy đoạn tuyệt với NATO, Mátxcơva vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với từng chính phủ thành viên của liên minh. Nỗ lực chấm dứt quan hệ căng thẳng từ thời Chiến tranh Lạnh nhằm xây dựng lòng tin giữa Nga với liên minh quân sự của phương Tây chưa bao giờ thành công, và Mátxcơva thường xuyên cáo buộc NATO mở rộng ảnh hưởng vào những quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.