Chưa sử dụng “sức mạnh của thị trường"
Ngày 30/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm: "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả", với sự tham dự của lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá Phạm Văn Bình, từ đầu năm đến nay, diễn biến xăng dầu có lúc tăng, giảm, nhưng mặt bằng giá ở đầu tháng 1 so với hiện nay “không có nhiều biến động”, quanh mức trên 22.000 đồng/lít.
Ông Bình cho rằng, có nhiều nguyên nhân tác động giá xăng dầu, nhưng một trong những nguyên nhân chính tạo ra sự thay đổi giá là do thay đổi giá xăng dầu thế giới.
“Khi mổ xẻ các yếu tố cấu thành giá, ta thấy giá xăng dầu thế giới hiện nay chiếm khoảng 65-77% so với giá xăng dầu trong nước, tùy theo mặt hàng xăng dầu”, ông Bình nói.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá Phạm Văn Bình. Ảnh: Dương Tuấn. |
Bộ Công Thương đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng một nghị định để thay thế nghị định xăng dầu hiện nay. “Chúng tôi hy vọng sẽ có những bước chuyển biến trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, hướng tới hoạt động kinh doanh xăng dầu phù hợp điều kiện thực tế hiện nay”, ông Bình nói.
Cũng tại tọa đàm, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đánh giá, xăng dầu là một mặt hàng mang tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và sản xuất.
Hiện ở Việt Nam đang có 3 công cụ chủ yếu để điều hành và bình ổn giá xăng dầu: Thông qua giá cơ sở, 7 ngày điều chỉnh một lần; công cụ về thuế và quỹ bình ổn xăng dầu.
Theo ông Cường, việc điều hành như thế đã mang lại kết quả khá tích cực. Nhà nước có vai trò lớn trong việc điều hành giá xăng dầu, không để xảy ra cú sốc bất thường về giá.
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng việc điều hành hiện vẫn mang tính chất mệnh lệnh hành chính. Trong trường hợp dùng công cụ áp đặt quá mức, doanh nghiệp không còn lợi ích nữa, đương nhiên họ sẽ tìm biện pháp để lảng tránh. Điển hình trong thời gian qua, có nơi thông báo hết xăng dầu, không bán.
Còn đối với công cụ thuế hay quỹ bình ổn, thực chất chúng ta đang dùng chính nguồn lực ngân sách hoặc của người dân để tạo ra bình ổn giá chứ chưa sử dụng công cụ “sức mạnh của thị trường”, không tạo ra sự cạnh tranh về giá bán trên thị trường.
“Nếu chúng ta để thị trường quyết định, đương nhiên các doanh nghiệp cố gắng, nỗ lực làm sao tiết giảm chi phí đầu vào, thậm chí người ta có thể mua lúc rẻ và bán ra lúc đắt thì sẽ có giá hợp lý mà không chịu giá chung. Như thế sẽ khuyến khích các doanh nghiệp”, ông Cường nói.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. Ảnh Dương Tuấn. |
Theo ông Cường, việc sửa đổi chính sách quản lý trong thời gian tới phải hướng vào việc thay đổi cơ chế. Nghĩa là, phải từ chuyển cơ chế quản lý hành chính Nhà nước sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết. “Tôi cho rằng để thị trường cạnh tranh là yếu tố bao trùm”, ông Cường bày tỏ.
"Muốn có được công cụ thị trường để cạnh tranh, chúng ta phải có thị trường cạnh tranh, muốn có thị trường cạnh tranh thì việc mua bán để thị trường quyết định, trăm người bán, vạn người mua.
Chúng ta cũng không thể thả nổi hoàn toàn. Chúng ta phải sử dụng các công cụ hiện đại để bình ổn giá xăng dầu. Điển hình là việc thế giới, các công ty lớn hay sử dụng các công cụ về phái sinh để bình ổn”, ông Cường nêu rõ.
Cách hiểu về phái sinh của xăng dầu hết sức bất cập
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cũng cho rằng “nút thắt” trong tất cả các nghị định vừa qua vẫn là các cơ chế điều hành mang tính chất hành chính, đặc biệt là vấn đề giá.
Ủng hộ đề xuất “để các doanh nghiệp quyết định giá”, theo ông Bảo, khi có cạnh tranh sẽ luôn luôn đạt được mức giá mà người tiêu dùng được hưởng lợi. Bên cạnh đó những quy định kèm theo mang tính chất quốc tế, chúng ta phải áp dụng, đó là những chính sách sử dụng nghiệp vụ về phái sinh.
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo. Ảnh: Dương Tuấn. |
"Phái sinh ở đây không thuần túy là việc đầu tư về tài chính mà đây là những nghiệp vụ phòng vệ giá, tức là bảo hiểm giá xăng dầu”, ông nói.
Từ thực tiễn doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways Lương Hoài Nam nói, có một nghịch lý là xăng dầu phi hàng không có hàng chục doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối, có hệ thống bán lẻ rất đồ sộ và phức tạp, tính hành chính nhiều, tính thị trường ít. Trong khi xăng dầu hàng không chỉ có 2 nhà cung cấp thì Nhà nước thả nổi hoàn toàn, không quản lý giá. Bộ Tài chính chỉ quản lý một phần nhỏ về phí.
Theo ông, công cụ để bình ổn giá xăng dầu là công cụ thị trường, không phải công cụ hành chính, tất nhiên nhà nước vẫn phải quản lý. “Dùng công cụ thị trường trước, công cụ hành chính là biện pháp cuối cùng”, ông Nam cho hay.
Đối với công cụ thị trường về xăng dầu, theo ông, chủ yếu là công cụ phái sinh. Nhưng ở Việt Nam, cách hiểu về phái sinh của xăng dầu hết sức bất cập. “Chúng ta hiểu chưa đúng về phái sinh, hạch toán về phái sinh cũng chưa rõ, tạo ra nhiều rủi ro đối với các doanh nghiệp”, ông Nam cho hay.
“Cách sử dụng phái sinh là hạch toán gộp trong chi phí xăng dầu của doanh nghiệp, phái sinh là để bình ổn chi phí xăng dầu, tức là hạch toán gộp trong chi phí xăng dầu của doanh nghiệp, không thể tính rời như một kinh doanh bình thường”, đại diện hãng bay tư nhân nêu quan điểm.