Lục quân Việt Nam không tổ chức thành bộ tư lệnh riêng mà đặt dưới sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị; sự chỉ đạo chuyên ngành của các tổng cục và cơ quan chức năng khác. Lục quân có 07 quân khu (1, 2, 3, 4, 5, 7, 9) và Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội; 6 binh chủng (gồm Pháo binh, Tăng - Thiết giáp, Công binh, Thông tin, Hoá học, Đặc công); 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4).
Lục quân Việt Nam được trang bị theo hướng hiện đại, gọn nhẹ, có khả năng cơ động cao, có sức đột kích và hoả lực mạnh, có khả năng tác chiến trong các điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu, phù hợp với nghệ thuật chiến tranh nhân dân hiện đại.
Khi mới thành lập, Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ bộ binh là chính. Qua quá trình xây dựng, Lục quân đã từng bước phát triển cả về quy mô tổ chức và lực lượng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và phương thức tác chiến của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Trải qua thử thách trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, Lục quân đã từng bước trưởng thành, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ và tạo nên truyền thống vẻ vang. Tất cả các quân đoàn, hầu hết các binh chủng và nhiều đơn vị của Lục quân đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Ngày nay, các lực lượng thuộc Lục quân Việt Nam đã và đang tiếp tục nỗ lực làm tròn nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó. Trong ảnh, một buổi huấn luyện chiến sĩ bộ binh Quân đoàn 3.
Trang bị vũ khí của chiến sĩ bộ binh chủ yếu là các loại súng trường, súng máy, lựu đạn do Liên Xô, Trung Quốc… sản xuất và một phần sau này công nghiệp quốc phòng trong nước tự lực.
Trong một số Sư đoàn của Lục quân Việt Nam hiện nay cũng đã xây dựng các lực lượng bộ binh cơ giới - bộ binh được trang bị xe chiến đấu bọc thép để cơ động và chiến đấu, có thể thực hành chiến đấu ngay trên xe hoặc với đội hình đi bộ. Trong ảnh là các chiến sĩ Trung đoàn BBCG 102 - Sư đoàn 308 trong diễn tập chiến đấu
Binh chủng Đặc công là binh chủng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của Lục quân Quân đội Nhân dân Việt Nam, do Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp quản lý, chỉ đạo. Đây là một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ được tổ chức, trang bị và huấn luyện đặc biệt, có phương pháp tác chiến linh hoạt, táo bạo, bất ngờ, thường dùng để đánh các mục tiêu hiểm yếu nằm sâu trong đội hình chiến đấu, bố trí chiến dịch và hậu phương của địch.
Tham gia chiến đấu gần như cùng thời điểm với sự thành lập của Quân đội Nhân dân Việt Nam, pháo binh là binh chủng hỏa lực chủ yếu của Lục quân. Pháo binh thường được trang bị các loại pháo, tên lửa và súng cối, dùng để sát thương, tiêu diệt các mục tiêu và trực tiếp chi viện hỏa lực cho các lực lượng tác chiến trên mặt đất, mặt nước, có thể chiến đấu hiệp đồng hoặc độc lập.
Pháo binh Việt Nam hiện nay trang bị phần lớn các loại vũ khí do Liên Xô sản xuất. Chiếm số lượng lớn là các loại pháo kéo như D-30 122mm, D-74 122mm, D-20 152mm, M-46 130mm và nhiều loại súng cối…
Pháo binh Việt Nam cũng sở hữu một số lượng nhỏ pháo tự hành như 2S1 Gvozdika 122mm, 2S3 Akatsiya 152mm, Su-100… Trong ảnh là kíp pháo tự hành 2S3 152mm của Lữ đoàn 45.
Binh chủng Tăng - Thiết giáp chịu trách nhiệm tác chiến đột kích trên bộ và đổ bộ (hải quân), được trang bị các loại xe tăng, xe thiết giáp, với hỏa lực mạnh, sức cơ động cao. Lực lượng TTG của Việt Nam hiện nay chủ yếu trang bị các xe tăng do Liên Xô sản xuất như T-54/55, T-62, Pt-76, một phần nhỏ của Trung Quốc như T-59, K-63-85.
Trang bị xe thiết giáp cũng chủ yếu do Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ cung cấp như xe chiến đấu bộ binh BMP-1/2, xe thiết giáp chở quân BTR-50/60/152 Liên Xô, M113 Mỹ và K63 Trung Quốc.
Binh chủng Công binh là lực lượng có chuyên môn kỹ thuật với chức năng bảo đảm công binh trong chiến đấu và xây dựng, có thể trực tiếp chiến đấu bằng vũ khí công binh. Trong thời bình, lực lượng công binh còn trực tiếp tham gia các công tác giúp dân trong bão lũ.
Binh chủng Thông tin liên lạc có chức năng bảo đảm thông tin liên lạc cho hệ thống chỉ huy trong toàn quân.
Binh chủng Hóa học là một lực lượng chuyên môn kỹ thuật, có chức năng bảo đảm hóa học cho tác chiến, làm nòng cốt trong việc phòng chống vũ khí hủy diệt lớn, ngụy trang bảo vệ các mục tiêu quan trọng của Quân đội, nghi binh đánh lừa địch bằng màn khói. Bộ đội Hóa học còn có thể trực tiếp chiến đấu bằng vũ khí bộ binh và súng phun lửa.