Diễn viên Quốc Tuấn: Ðến lúc gọi tên niềm vui

Cảnh hằng ngày của cha con Quốc Tuấn. Ảnh: Toan Toan.
Cảnh hằng ngày của cha con Quốc Tuấn. Ảnh: Toan Toan.
TP - Sau 15 năm sống khá lặng lẽ, cuộc sống bắt đầu nở hoa và hạnh phúc len dần vào ngôi nhà của hai cha con họ.

15 năm ấy

Gặp diễn viên, đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn vào chiều đông tại căn hộ chung cư ở Hà Đông. Nhà xinh xắn, nói chung khá thoải mái cho hai cha con sinh hoạt. Không gian bài trí thanh thoát. Trung tâm của ngôi nhà xoay quanh cây đàn piano đặt cạnh bộ sô pha ở phòng khách. Thang máy vừa mở ra là biết mình không nhầm nhà bởi tiếng dương cầm vọng qua cánh cửa. Chàng Bôm say sưa luyện đàn trong buổi chiều muộn.

Quốc Tuấn và cậu con trai Nguyễn Anh Tuấn-tên thường gọi Bôm-phủ sóng truyền thông năm qua. Lần đầu tiên Quốc Tuấn chia sẻ hành trình 15 năm chạy chữa cho cậu con trai trên truyền hình, lập tức gây hiệu ứng. Bôm sinh ra với căn bệnh APERT bẩm sinh: Xương sọ bị cốt hoá sớm, các ngón tay ngón chân dính vào nhau. Đấng sinh thành và cậu bé Bôm trải qua 15 năm với 10 cuộc đại phẫu thuật. Nói như Quốc Tuấn là “cuộc nào cũng kinh khủng, đứng giữa ranh giới sinh tử”. Cuộc phẫu thuật nới hộp sọ ở Úc từng khiến Bôm nguy kịch, và còn đầy những thử thách sức chịu đựng của gia đình nhà họ.

Người bố nắm tay con đi suốt 15 năm qua và hành trình sắp tới, bảo “không muốn nhắc nhiều về những tháng ngày đã qua”. Anh vốn sống lặng lẽ. “Tôi quan niệm người ta thường chia sẻ niềm vui, không ai chia sẻ nỗi buồn nên không muốn kể lể vất vả. Lần đầu tôi kể chuyện là hãng phim. Còn cuộc sống riêng rất ít bạn thân biết, mà cũng chẳng bao giờ biết hết. Vừa rồi Bôm thi đỗ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam mọi người mới hiểu 50% cuộc sống của tôi thôi, tôi cũng không nói hết”, Quốc Tuấn nói.

Diễn viên Quốc Tuấn: Ðến lúc gọi tên niềm vui ảnh 1 "Bôm chỉ thích đàn thôi". Ảnh: Toan Toan.

Như mơ

Kiên định với ý chí “sẽ làm cho con là người bình thường”, cuối cùng Bôm 15 tuổi trở thành chàng sinh viên piano jazz ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam bằng thực lực. “Đến lúc thi tôi cũng không biết con có đỗ hay không, chỉ cầu mong vận may và khi đó thầy trò Bôm tập luyện khủng khiếp. Cuối cùng Bôm lọt Top 5 sinh viên xuất sắc, được nhận học bổng. Tôi cũng là dân chuyên nghiệp nên thẳng thắn với thầy ngay từ đầu: Nếu Bôm không có khả năng thì không cố. Lúc đó thầy mới nói nó làm được”, anh kể.

“Trước đó tôi tự hỏi không biết sau này con mình sẽ như thế nào, đi đến đâu, đến lúc mình già yếu chết đi thì Bôm sẽ ra sao”.

Quốc Tuấn

Không chỉ thích, phải nói là cậu bé say mê âm nhạc. Khách tới nhà, cậu dừng tập đàn. Chưa kịp dọn chỗ ngồi ở ghế cho cậu thì Bôm nhanh nhẹn lấy ipad và cắm tai nghe nhạc ở phía bàn ăn. Hỏi Bôm thích gì, cậu đáp: “Cháu chỉ thích đàn”. Sáng học văn hoá xong ăn nhẹ kịp tới Nhạc viện, chiều về nhà tập thể thao ăn uống xong lại ngồi vào đàn ngay. Ngày nào cũng dính lấy cây đàn ít nhất sáu tiếng. “Con người ta phải đốc thúc tập, còn Bôm mà không nhắc nghỉ thì “ông” ấy tập tới 12h đêm. Có hôm tôi đi làm về muộn, tá hỏa khi 11 rưỡi vẫn thấy nó nện đàn rầm rầm”, anh nói. Quốc Tuấn hì hục chèn cửa, bịt đủ kiểu nhưng không ngăn được tiếng dương cầm vọng ra hành lang. “May hàng xóm đều thông cảm”, anh cười. Sau này cứ tới 9h tối phải cài cho âm thanh nhỏ đi, không phiền hàng xóm.

Hỏi Quốc Tuấn giờ đã xả ra được một chút chưa, “không phải một chút mà vỡ oà”, anh đáp. Bôm đỗ Nhạc viện là dấu mốc quá lớn cho cậu bé và cả gia đình. Âm nhạc là con đường phát triển rất tốt cho những đứa trẻ như Bôm. Bắt chúng lao vào thương trường, kỹ thuật mới thực sự khó khăn. “Phải nói tôi quá hạnh phúc, tới mức có những lúc giật mình hình như nó không thật. Nhiều khi tự nhiên nửa đêm thức dậy, nghĩ rằng mình đang mơ thì chết. Quay sang nhìn thấy “ông” Bôm, thế là yên tâm và y như rằng nằm nghĩ vẩn vơ tới sáng”, anh kể.

Chọn một niềm vui

Nếu coi việc làm cha mẹ là sự nghiệp, Quốc Tuấn có 15 năm chất chứa khó chia sẻ hết. “Đợt Bôm phẫu thuật kéo hàm thành công, tôi lật lại những ảnh cũ thực sự thấy choáng váng. Không tưởng tượng được hai cha con đi đến quãng đường như thế này. Có những tấm ảnh cũ nhìn thê thảm lắm, phải nói khủng khiếp. Thực lòng tôi cũng nể mình, không hiểu sao có thể vượt qua. Thành ra chuyện hãng phim tôi cũng buồn, nhưng ai đó xúc phạm tôi hay nghệ sĩ, quá bé nhỏ so với chuyện con mình”, anh nói. Là người ít chia sẻ nên hẳn anh cô độc? “Nhiều chứ. Có lúc tôi đứng trước bờ vực của sự sụp đổ, tuyệt vọng-chứng kiến Bôm vào phòng mổ và có lúc suýt chết, khi ở Hàn Quốc nửa năm trời. Con thì đau đớn mình không gánh được mà ca phẫu thuật lại thất bại”, Quốc Tuấn thừa nhận.

Không kể khổ vì sợ không chia sẻ được lại khiến người nghe áy náy, nhưng đến khi thành công Quốc Tuấn lại muốn “khoe”. Một trong những lí do anh chấp nhận lên truyền hình, báo chí là bởi mong muốn truyền niềm tin cho những gia đình đồng cảnh ngộ. Bôm là một trong những ca APERT được phát hiện đầu tiên ở Việt Nam. Thời ấy đến bác sỹ nhiều người chưa biết tới căn bệnh xương cứng sớm cục bộ. Gia đình anh hoang mang hết sức, không biết chạy chữa ở đâu. Cứ một mình mò mẫm, làm xong cái này nảy sinh cái khác. Quốc Tuấn muốn chia sẻ để họ biết đang phải đối mặt với những chuyện gì.

“Mọi người phải xác định cực kỳ cô độc, nhưng may mắn hiện nay mạng xã hội phát triển nên dễ dàng chia sẻ thông tin hơn”, anh nói. Anh âm thầm chia sẻ với những ông bố bà mẹ có con như Bôm, để họ không vấp váp. “Phải tạo sự lạc quan cho các bé, cho mình mới có động lực chữa bệnh cho con. Con phải tự tin mình không khác mọi người để hoà nhập xã hội, chữa bệnh xong mà trầm cảm thì gay. Nhất định cha mẹ không được buông xuôi, kiểu gì cũng tìm cách chữa cho con bất chấp phải hỏi han, cầu xin sự giúp đỡ”, anh nói. Nhiều người ngỏ lời giúp đỡ cha con anh sau khi anh lên sóng, Quốc Tuấn từ chối vì anh vẫn có điều kiện. “Sau này nếu tôi không có điều kiện được nữa, nhưng vì con, tôi sẵn sàng cầu xin”, anh tâm sự.

Khả năng diễn đạt tròn câu của Bôm chưa tốt-có thời gian cậu bị tụt hàm, nói năng khó khăn-nhưng cậu rất hài hước và tình cảm. Ở nhà hay gọi bố là “anh Tuấn ơi” và xưng em. “Phải biến việc đau khổ của Bôm thành chuyện nhẹ nhàng. Mỗi lần bước vào ca phẫu thuật lại làm công tác tâm lý, bảo con chịu khó đau thì sẽ đẹp trai hơn một tí. Chả phải thừa hưởng gì từ bố đâu, tất cả phải rèn luyện hết, dạy con học cách suy nghĩ tích cực và tự lập”, anh nói.

Quốc Tuấn không nhốt con trong nhà. Ngay từ thời cháu khiếm khuyết nhiều, anh luôn thả Bôm ra giao tiếp với thế giới xung quanh. Gần như mọi việc cá nhân Bôm tự làm, không ỉ lại. Ông bố ấy từ nhỏ luôn bảo con cái gì làm được nên tự lực, cuộc sống tuyệt đối đừng làm phiền ai. Ánh mắt lấp lánh khi nhắc về Bôm, Quốc Tuấn tâm niệm “trước mắt cứ tận hưởng cuộc sống như hiện có, dần dà mới tính tới sống nhiều hơn cho bản thân”.

MỚI - NÓNG