Diễn biến mới nhất xung quanh vụ chạy án của Bùi Tiến Dũng

Diễn biến mới nhất xung quanh vụ chạy án của Bùi Tiến Dũng
Nếu không làm rõ dư luận "bán tín, bán nghi" về một số quan chức cao cấp liên quan, thì đấy sẽ là sự bất công trong vụ việc này vì mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, bất kể họ là ai.

Những ngày gần đây, có nhiều bạn đọc thắc mắc về việc trong bữa ăn do Tôn Anh Dũng (một đầu mối chạy án cho Bùi Tiến Dũng) tổ chức tại một khách sạn sang trọng ở phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội để gặp gỡ một số quan chức cao cấp, tại sao chỉ thấy báo chí nói tới việc thiếu tướng Cao Ngọc Oánh phải giải trình với Bộ Công an về sự có mặt của mình ở đó, còn các nhân vật khác không thấy báo giới nhắc đến danh tính?

Những cán bộ cấp cao đến dự các bữa ăn là ai?

Sự có mặt của một ai đó dù chỉ là sự vô tình thì cũng cần được làm rõ để tránh những điều dị nghị và oan sai trong thời điểm nhạy cảm của vụ án.

Thật ra, trong những ngày qua, một số tờ báo cũng đã "nửa kín nửa hở" khi nói về những quan chức cao cấp được mời tới dự bữa ăn đáng chú ý nói trên do Tôn Anh Dũng tổ chức.

Có tờ thì cho rằng: "Một số nhân vật bị nghi ngờ "chạy án" cho Bùi Tiến Dũng đã phải giải trình với cơ quan chức năng về các mối quan hệ và hoạt động của bản thân trong thời gian Dũng "Huế" có mặt tại Hà Nội. Trong số này, có một cán bộ cao cấp của Tổng cục Cảnh sát, hai quan chức cấp bộ trưởng và thứ trưởng của một cơ quan ngang bộ...".

Có báo thì khẳng định rõ: "Trong bữa cơm đó, có 5 người, ngoài ông Oánh và Dũng "Huế", còn có sự xuất hiện của 3 quan chức khác, trong đó có hai người thuộc Văn phòng Chính phủ".

Một nguồn tin cho biết, CQĐT đã xác định được danh tính của 3 quan chức cao cấp còn lại, đó là ông Đoàn Mạnh Giao, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; và ông Nguyễn Hiếu Vinh, Vụ phó Vụ 1 (Vụ Chống tham nhũng) thuộc Văn phòng Chính phủ.

Để mời được các quan chức cao cấp trên tới dự bữa ăn, Tôn Anh Dũng đã mượn danh của quan chức khác đứng ra mời, vì vậy quan chức nọ cứ tưởng quan chức kia mời nên đã lục tục đến vì nghĩ rằng đây cũng chỉ là bữa cơm gặp mặt bình thường như mọi lần khác.

Có thể các quan chức này, cũng có người chỉ là vô tình được mời hoặc do người khác kéo đi cùng nhưng Tôn Anh Dũng lại là nhân vật được "con bạc triệu đô" Bùi Tiến Dũng nhờ đứng ra tổ chức chạy án và bữa ăn trên diễn ra vào thời điểm trước khi Dũng bị bắt 5 ngày, nên CQĐT cũng phải xác minh làm rõ xem "động cơ" mời cơm của Tôn Anh Dũng có phải là để nhờ vả việc chạy án hay không?

Được biết, đến nay, những quan chức cao cấp có mặt tại bữa ăn "tai tiếng" nói trên đã phải giải trình với cơ quan chức năng về sự có mặt (dù cho là vô tình của họ) và hầu hết các bản giải trình đều khẳng định không hề có chuyện bàn bạc việc chạy án cho Bùi Tiến Dũng trong bữa ăn này.

Qua xác minh các bản điều trần của các quan chức về bữa cơm này thì có sự bất cập về người đứng ra mời cơm, ví như ông A tưởng ông B mời cơm nên đã đến dự, nhưng ông B lại tưởng ông A mời mình nên cũng tới dự. Do vậy nội dung tường trình của số người được mời không khớp nhau.

Song nói như thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, thì việc tìm ra ai là người mời bữa cơm này có thể xác minh qua hóa đơn thanh toán bữa ăn còn lưu giữ tại khách sạn nói trên.

Vụ việc này vẫn đang được CQĐT tiếp tục xác minh một cách thận trọng để không làm oan sai cho bất kỳ ai song cũng không để lọt tội nếu như quả thực có việc môi giới chạy tội.

Một cơn “địa chấn” xuất hiện sau khi ông Nguyễn Việt Tiến bị bắt?

Diễn biến mới nhất tại trại tạm giam, thông tin Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến bị bắt đã tạo nên cú sốc lớn đối với các bị can đã bị bắt trước đó. Một số cán bộ điều tra cho biết, trong buổi lấy lời khai mới nhất vào hôm 7/4, sau khi biết tin thứ trưởng Tiến bị bắt, Bùi Tiến Dũng đã có thái độ khác hẳn.

Dũng đã chủ động khai ra những mối quan hệ, những quy luật làm ăn của PMU, những chỉ đạo trước đây của thứ trưởng Tiến và những vụ ăn chia theo giá trị hợp đồng của một số quan chức.

Việc ông Tiến bị bắt cũng tác động đến tâm lý của một mắt xích trong đường dây chạy án cho Bùi Tiến Dũng.

Khi biết vụ án này sẽ được làm tới cùng, những bị can như Vũ Mạnh Tiên, Lương Mạnh Hoa, Nguyễn Mậu Thôn và quan trọng là "đặc phái viên" Tôn Anh Dũng, tức Dũng "Huế” đã khai ra một số thông tin quan trọng về những cá nhân tham gia chạy án, chi tiết việc chạy án cho Bùi Tiến Dũng đã được tổ chức triển khai như thế nào.

Một điều tra viên đánh giá: Việc bắt thứ trưởng Tiến sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của Bùi Tiến Dũng và các bị can khác. Những bị can đã bị bắt và cả những người được tại ngoại khi thấy không còn chỗ dựa sẽ khai nhận thành khẩn hơn để hưởng lượng khoan hồng.

Họ đã và đang khai ra nhiều tình tiết quan trọng, những chuyện thâm cung bí sử của ông Việt Tiến khi ông còn là Giám đốc PMU 18 và sau này là Thứ trưởng Bộ GTVT.

Về ông Việt Tiến, 4 ngày sau khi bị bắt, ông Tiến vẫn chưa phải trải qua buổi lấy lời khai nào tại trại giam. Ông Tiến luôn kêu mệt và xin khất các cuộc trả lời điều tra viên.

Được biết, các cán bộ điều tra trong mấy ngày qua đã liên tục lấy lời khai của Bùi Tiến Dũng và các bị can khác để chuẩn bị cho cuộc lấy lời khai ông Việt Tiến vào đầu tuần tới tại trại tạm giam.

Một nguồn tin cho biết, gia đình ông Tiến đã chuẩn bị thủ tục để xin tiếp tế cho ông Tiến nhưng có thể phải đến ngày 15/4 việc này mới thực hiện được. Theo quy định của trại giam, gia đình của bị can chỉ được tiếp tế vào ngày 1 và 15 hằng tháng.

Trong khi đó, tại Bộ GTVT, sau "cơn địa chấn" Bùi Tiến Dũng, các dự án do PMU 18  đang thực hiện (khoảng 5 dự án) nhìn chung không bị ảnh hưởng nhiều đến tiến độ vì các nhà thầu, tư vấn vẫn triển khai nhiệm vụ theo hợp đồng.

Tuy nhiên, tiến độ làm thủ tục giải ngân có bị chậm do thay đổi người ký giấy đề nghị thanh toán. Đặc biệt với 4 dự án đang triển khai thi công (QL 10, QL 18, cầu QL 1 giai đoạn II-3, cầu Bãi Cháy, tiến độ giải ngân tài khóa 2005 (đến 30.6.2006) không đạt yêu cầu đã cam kết với đối tác vì nguyên nhân chậm làm thủ tục do thay đổi người ký.

Theo Thanh niên

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.