Mới sáng đầu hè, cánh đồng muối xã Diễn Vạn (huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã nắng lóa mắt. Trên cánh đồng muối rộng 70 ha của HTX Vạn Nam và Vạn Đông chỉ lác đác vài người ra đồng.
“Muối rẻ quá, dân chán bỏ nghề hết rồi. Trẻ thì bỏ đi làm công nhân, phụ nữ luống tuổi thì đi giúp việc, kiếm nghề khác sinh sống. Giờ chỉ còn ít hộ bám nghề”, bà Đặng Thị Thao (58 tuổi, trú xóm Vạn Nam) đang hì hục múc nước biển rưới lên sân phơi để làm muối, thở dài nói.
Bà Thao có 5 dát muối với diện tích hơn 250m2. 5 giờ sáng, bà ra đồng lắng lọc nước biển rồi múc nước chạt lên sân phơi, đến 8 giờ xong việc. 11 giờ, bà lại ra đồng, đưa cát đã phơi khô vào các ô lắng lọc. Khoảng 4 giờ chiều, khi muối trên các sân phơi đã kết tinh, bà thu hoạch muối. Trời nắng đẹp, mỗi ngày, bà thu hơn 1 tạ muối, bán được hơn 200 nghìn đồng.
Hôm nào trời đổ mưa, coi như cả ngày công cốc. “Nghề muối cực nhọc vô vàn song thu nhập chẳng được là bao. Lúc thấp nhất, giá muối chỉ còn 120.000 - 130.000 đồng/tạ. Còn năm nay xem như được giá thì tầm 250.000 đồng/tạ. Một tạ muối khéo chưa đổi được một yến gạo. Như tôi nhiều tuổi, không biết làm nghề gì khác nên vẫn phải bám nghề”, bà Thao nói.
Toàn bộ hơn 26 ha đất sản xuất muối ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Nghệ An bị bỏ hoang nhiều năm |
Cách đó không xa, hơn 26 ha đất sản xuất muối thuộc địa phận xã Diễn Kỷ cũng bị bỏ hoang nhiều năm, cỏ dại mọc um tùm. Cánh đồng muối trở thành nơi chăn trâu thả trâu bò.
Ông Nguyễn Văn Tình (trú xóm Đông Kỷ, xã Diễn Kỷ) cho biết, ngày xưa cả nhà ông sống bằng nghề muối, nhưng lâu rồi không sản xuất nữa. Nguồn nước làm muối bị ô nhiễm và ngọt hóa. Muối sản xuất không hiệu quả, sản lượng không cao, giá muối rẻ.
“Cánh đồng muối được người dân tận dụng để chăn thả trâu bò, nuôi dê. Chúng tôi mong các cấp chính quyền có phương án chuyển đổi, sử dụng phù hợp vừa có lợi cho dân vừa tận dụng được nguồn tài nguyên đất đai”, ông Tình cho hay.
Nghệ An hiện có 2 huyện (Diễn Châu, Quỳnh Lưu) có nghề sản xuất muối với tổng diện tích 800 ha. Sản xuất muối hiện nay chủ yếu vẫn theo phương pháp phơi cát thủ công truyền thống. Địa phương phấn đấu đến cuối năm 2025, diện tích sản xuất muối hiệu quả của tỉnh ổn định ở mức 795 ha, sản lượng đạt 85 - 90 nghìn tấn/năm. Riêng diện tích sản xuất muối sạch, an toàn đạt 50% tổng diện tích sản xuất muối toàn tỉnh.
Mai một nghề truyền thống
Ông Hoàng Ngọc Biên, Chủ nhiệm Hợp tác xã muối Vạn Nam cho biết, theo thống kê, diện tích ruộng muối bỏ hoang trên địa bàn là hơn 60%.
Thời gian để hoang dài, các ô kết tinh, ô chạt lọc, thậm chí là cát biển lọc nước cũng bị hư hỏng, phải làm lại khi bước vào vụ mới nên chi phí đầu tư khá lớn.
Trong khi đó, giá muối thấp khiến người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống. “Nghề muối vất vả, thu nhập lại bấp bênh hơn nhiều nghề khác nên diêm dân phải tha hương làm công nhân, giúp việc để mưu sinh.
Nếu không làm muối chỉ có thể chuyển sang nuôi tôm nhưng nuôi tôm cần nhiều vốn, kiến thức, kinh nghiệm và rủi ro lớn nên việc chuyển đổi không hề dễ”, ông Biên chia sẻ.
Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Diễn Châu cho biết, toàn huyện có 4 HTX (tại 3 xã Diễn Kim, Diễn Bích, Diễn Vạn) là còn sản xuất muối với tổng diện tích 120 ha. Tuy nhiên, hiện chỉ có 60 ha diện tích còn sản xuất muối.
“Những năm gần đây, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân cải tiến các ô chạt lọc, phủ bạt kết tinh nhưng do giá muối thấp, khó cạnh tranh nên nhiều người đã bỏ nghề.
Hiện, một số cánh đồng muối đã được quy hoạch chuyển sang mục đích khác như nuôi trồng thủy sản nhưng do vốn đầu tư ban đầu lớn, rủi ro cao nên nhiều hộ dân vẫn còn e ngại, không dám đầu tư dẫn đến diện tích ruộng muối bỏ hoang nhiều”, ông Hiếu cho hay.
Tại cuộc đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn năm 2023, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chia sẻ với những khó khăn của nghề muối, của diêm dân.
Những năm qua, nghề muối gặp nhiều khó khăn, sản xuất thu hẹp, không phát huy hiệu quả, các làng nghề muối truyền thống có nguy cơ mai một. Nguyên nhân chính là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, diện tích sản xuất muối sạch, chất lượng cao phát triển chậm, năng suất hạn chế, giá thấp.
Để hỗ trợ nghề muối và người dân, UBND tỉnh Nghệ An đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 14/2017 và Nghị quyết số 18/2021. Tỉnh cũng đã ban hành Đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030 với 3 dự án. Trong đó, dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối với tổng vốn 100 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong đề án có thêm 2 dự án gồm dự án tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại đồng muối, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến muối thông qua đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển giao ứng dụng, tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến muối và dự án phát triển liên kết trong sản xuất, chế biến muối giữa HTX với doanh nghiệp, xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển nghề sản xuất muối truyền thống gắn với du lịch.