Đêm Giáng sinh, sau khi đi lễ nhà thờ về, H'reo, 25 tuổi ở thôn 1, xã Ia Hlốp, Gia Lai gọi điện về cho mẹ chồng ở thị trấn Long Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu bảo: "Con nhớ mẹ!".
Cô gái người dân tộc Gia Rai mồ côi từ thuở lọt lòng. Từ bé đến lớn, H'reo chỉ biết có một người cha nuôi là ông Đinh Minh Nhật, 59 tuổi. Nay cô có thể gọi thêm tiếng "mẹ" với bà Trần Thị Hoa, 60 tuổi - người mẹ chồng đã "chấm" cô làm con dâu sau lần gặp mặt đầu tiên.
Nên duyên nhờ "kẹt dịch"
Cuối năm 2020, dịp cận Tết, bà Hoa tích cóp được một khoản tiền để mua ít quà bánh, đi cùng đoàn từ thiện ở quê nhà Long Hải lên tặng cho 130 đứa trẻ đang được ông Nhật cưu mang.
Ngoài sân, đám con nít xôn xao khi có người lạ đến thăm và háo hức khi được nhận quà.
Dưới bếp, bà Hoa thấy một mình H'reo đang cặm cụi đảo một chảo rau lớn trên bếp nấu ăn. Tò mò về cô gái hiền lành, chỉ gật đầu "dạ" khi được hỏi thăm, bà Hoa hỏi một vài người làm ở mái ấm mới biết H'reo cũng là con nuôi của ông Nhật.
H'reo được ông Nhật cho đi học đến hết cấp 3, sau đó học nghề trang điểm. Năm 2019, sau khi ra nghề và bắt đầu đi làm kiếm tiền, H'reo hay tin ông Nhật bị bệnh u não, thường xuyên phải lên Sài Gòn chữa bệnh. Thương cha nuôi, cô gái quyết định về ở lại mái ấm, phụ ông Nhật đi chợ, nấu cơm cho các em.
Khi nghe câu chuyện của cô, bà Hoa nói "nửa đùa nửa thật" với mọi người trong đoàn từ thiện rằng sẽ chọn H'reo làm con dâu của mình. Bà cũng dò ý ông Nhật thì được ông trả lời: "Tôi chẳng mong chọn được con rể giàu sang, chỉ cần con lấy được một người đàng hoàng, có đạo đức".
Sau một buổi, đoàn của bà Hoa trở về, bà cũng không quên xin số điện thoại của H'reo kèm lời nhắn: "Con có chịu làm dâu của bác không?"
"Dạ có", H'reo nói cho qua. Cô chẳng bao giờ dám nghĩ một ngày mình trở thành con dâu của bà.
Vợ chồng H'reo và Văn Lộc đang sống trong mái ấm của ông Nhật ở huyện Chư Sê, Gia Lai (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Về nhà, người mẹ chỉ đợi ngày đứa con trai Trần Văn Lộc, 32 tuổi đang theo thuyền đánh bắt xa bờ. Vốn quen đi biển từ nhỏ với những chuyến có khi vài tháng mới về, Lộc ít bạn bè và vẫn chưa có bạn gái.
Nghe mẹ kể về H'reo, Lộc gạt đi, anh bảo: "Con đi biển, người đen thui xấu lắm dễ gì người ta chịu". Vậy là bà Hoa tìm cách kết nối H'reo và con trai mình qua mạng xã hội. Tuy nhiên, H'reo bận làm việc ít cầm điện thoại. Đến chuyến, Lộc cũng đi biển cả tháng, do đó cả hai không có cơ hội tìm hiểu về nhau.
Đến cuối tháng 5/2021, bà Hoa rủ con trai lên Gia Lai để gặp mặt H'reo, quyết tâm kết duyên cho Lộc. Lên được vài hôm, dịch COVID-19 bùng phát ở cả Gia Lai và Bà Rịa - Vũng Tàu khiến hai mẹ con không thể trở về. Họ quyết định ở lại mái ấm.
Hằng ngày, mẹ con bà Hoa phụ các thành viên trong gia đình ông Nhật làm việc. Trong khi bà Hoa phụ nhặt rau, nấu cơm thì Lộc phụ làm những việc nặng, rửa chén...
Vốn là người xa lạ, nhưng mẹ con bà Hoa chiếm được tình cảm của các thành viên trong nhà. Những đứa trẻ hùa nhau bỏ chạy, để mỗi mình Lộc ngồi rửa chén với H'reo, hai người vì thế có thêm thời gian để trò chuyện mỗi ngày.
"Tôi cảm mến vì em hiền lành, biết nghĩ, biết thương cha nuôi và các em nhỏ. Thời buổi bây giờ, kiếm đâu ra được một người con gái như em", Lộc nói.
Cặp đôi chụp hình cưới đơn giản tại một điểm tham quan gần nhà (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Còn bà Hoa, khi chứng kiến cách ông Nhật chỉ dạy và yêu thương những đứa trẻ, thấy chúng tự lập, ngoan ngoãn, bà càng tin rằng mình chọn được người con dâu nết na.
"Tôi thấy có đứa nhỏ mới 4 tuổi đến giờ tắm thì một tay cầm quần áo, một tay cầm bàn chải. Tắm xong, con tự giặt đồ của mình đem phơi. Ở tuổi này, những đứa trẻ có đủ cha mẹ có khi còn phải đút mới chịu ăn thì ở đây các con đã biết tự lo bản thân. Thấy thương bọn trẻ và H'reo nhiều hơn", bà nói.
Thế nhưng, cô gái H'reo rụt rè vẫn có những suy nghĩa riêng. Ban đầu, cô không chịu làm quen với Lộc vì tự ti mình là người dân tộc, sợ những khác biệt văn hóa sẽ xảy ra mâu thuẫn khi về ở chung.
"Trước giờ em chưa đi đâu xa nên cũng rất sợ phải xa mái ấm, xa thầy đi đến chỗ lạ làm dâu", H'reo nói.
Thế nhưng, bà Hoa lại rất tâm lý. Người phụ nữ để cô chọn lựa nơi ở của mình. Ông Nhật cũng ủng hộ, ông nói: "Nếu hai đứa kết duyên, H'reo được mẹ chồng cho phép ở lại đây thì tôi sẽ tìm việc cho con rể làm như chăn nuôi, hái cà phê... để có tiền lo cho vợ con sau này".
"Thương anh Lộc thật lòng và thấy mẹ thương em nên em mở lòng", H'reo chia sẻ. Nhờ thời gian quen nhau được gần gũi, trò chuyện mỗi ngày nên chỉ sau vài tháng quen biết, cặp đôi quyết định kết hôn vào hôm 18/11 năm ngoái.
Hạnh phúc của người cha có "trăm đứa con"
Trước ngày cưới, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chồng con bà Hoa ở quê không thể lên Gia Lai dự đám cưới nên định hết dịch sẽ về tổ chức. Về phần nhà gái, ông Nhật chỉ xin bà Hoa cho mình được tự tay trang trí chiếc xe hoa tiễn con gái nuôi về nhà chồng. Ông không đòi hỏi sính lễ cao sang.
Nhờ sự giúp đỡ của em gái ông Nhật, bà Hoa được dẫn ra thị trấn may áo dài và may đồ vest cho chú rể, sắm ít trang sức tặng con dâu làm của hồi môn.
Cặp đôi cũng chỉ chụp vài kiểu ảnh ngoại cảnh ngay triền núi gần nhà và mời vài người quen biết gần nhà dự tiệc. Trong đám cưới, ông Nhật đã hát tặng đứa con nuôi đầu tiên nên gia thất bài Diễm tình ca, trong đó có đoạn: "Ngày hôm nao tiếng hát bay cao. Quỳ bên nhau trước đấng tối cao. Hứa yêu nhau trao câu thề chung sống trọn đời", với mong ước chúc con có được hạnh phúc trọn vẹn.
Ông Nhật và con gái nuôi trong lễ cưới (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Sau đám cưới hai hôm, bà Hoa về quê định đặt tiệc chuẩn bị tổ chức tiệc cho con nhưng liên tiếp những người thân trong nhà mắc Covid nên đành hoãn lại. Sau đó, vợ chồng Lộc cũng có dịp về Long Hải thăm và ra mắt gia đình bên nội trước khi H'reo hay tin mang thai.
Quãng đường giữa hai nhà hơn 500km, bà Hoa sợ con dâu mệt, vì thế không yêu cầu phải về nhà chồng ăn Tết. Thay vào đó, bà dự định ra năm sẽ khăn gói lên Gia Lai chăm sóc con dâu sinh con đầu lòng.
"Con bé không còn mẹ nên tôi phải thương con nhiều hơn. Mình chịu cực cũng được, miễn là con thấy thoải mái và hạnh phúc", bà Hoa cười, nói.
Những ngày này, thời tiết lạnh như cắt, chàng rể mới Văn Lộc đã quen với khí hậu nơi cao nguyên. Vợ chồng anh được cha nuôi đã sửa sang lại 1 căn phòng để ở. Hằng ngày, H'reo vẫn phụ cha nuôi lo cơm nước cho các em nhỏ. Lộc thì nuôi thêm con heo, con gà trong vườn và đi hái cà phê kiếm thêm thu nhập. Lộc cảm thấy rất mãn nguyện với cuộc sống hiện tại khi mỗi đêm về được ở cạnh người yêu thương, thay cho quãng thời gian lên đênh hoài trên biển trước đây.
Anh kể, có hôm thấy anh đi hái cà phê về mặt mày lấm lem, tự dưng cha chảy nước mắt. Đang mắc bệnh nặng nhưng ông Nhật chẳng bao giờ than nửa lời, bệnh đau cũng lẳng lặng một mình đi bệnh viện một mình, không muốn các con đi theo sẽ càng thêm lo lắng.
"Tôi không chỉ hạnh phúc vì có được vợ mà còn thấy may mắn vì được làm rể 'một người cha vĩ đại', hy sinh hết cuộc đời vì cả trăm đứa con không máu mủ, trong đó có cả tôi", Lộc nói.
Link gốc: https://dantri.com.vn/doi-song/di-tu-thien-me-chong-cham-nang-dau-mo-coi-ngay-cai-nhin-dau-tien-20221225025937207.htm