Ngày đầu tiên tình nguyện ở Yên Hòa, chúng tôi dậy sớm, lót dạ bằng nắm xôi chấm muối vừng rồi lên đường vào bản Cọoc. Đường đi khá gập ghềnh, ngoằn ngoèo. Nơi đây, bà con chủ yếu là người đồng bào dân tộc Thái. Họ sống bằng trồng lúa nước và chăn nuôi trâu, bò, cuộc sống vô cùng khó khăn.
Bạn Bùi Thị Trà, sinh viên trường ĐH Kinh tế Nghệ An, tham gia tình nguyện tại bản Cọoc, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, Nghệ An |
Ở bản Cọoc, bà con vẫn lưu giữ văn hóa thủy nông của đồng bào dân tộc Thái, dẫn nước vào ruộng bằng cọn nước. Do vào khoảng tháng 4/2023 mưa to, gây lụt nên đập nước bị cuốn trôi, nước không vào khe nên không đủ lực cho cọn nước quay, thiếu nước sản xuất.
Chúng tôi đã cùng đoàn viên, thanh niên xã Yên Hòa làm đập dẫn nước vào ruộng cho bà con. Người chuyển đá, người xúc cát vào bì, người vận chuyển các bao tải cát đến khu vực “vá” đập. Cái nắng nóng ở Tương Dương rất khủng khiếp, những chiếc áo xanh đầm đìa mồ hôi nhưng trên gương mặt mọi người đều rạng rỡ nụ cười.
Những ngày sau đó, chúng tôi cố gắng hết mình để làm thêm nhiều việc có ích giúp bà con dân bản. Chúng tôi tổ chức sinh hoạt hè cho các em thiếu nhi ở bản Cọoc, bản Cành Khỉn, tuyên truyền phòng chống đuối nước, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, phòng cháy chữa cháy, tập múa hát, dạy kỹ năng mềm cho các em nhỏ… Có những lúc thấy mệt, nhớ nhà nhưng tình cảm của bà con dành cho như được tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi vượt qua những trở ngại.
Tôi nghĩ rằng, quãng đời sinh viên nếu không một lần đi tình nguyện hè quả thật là một nuối tiếc rất lớn. Đi để cảm nhận và sẻ chia những khó khăn, vất vả của bà con dân bản; đi để góp sức trẻ xây dựng bản làng, quê hương và hơn hết, đi để trưởng thành.
(Bạn Bùi Thị Trà - Lớp Thú y K8.01, trường ĐH Kinh tế Nghệ An)