Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban chính sách – pháp luật (Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam) cho biết, định hướng cải cách tiền lương của nhà nước đã xác định từ năm 2021 sẽ điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm. Giai đoạn 2016-2020, lương tối thiểu vùng tăng bình quân 7,4% mỗi năm.
Sau 2 năm chưa điều chỉnh lương tối thiểu, tới nay nhiều yếu tố làm căn cứ tăng lương đã biến động lớn, như lạm phát, tăng trưởng kinh tế... Ngoài ra, do lương thấp nên chưa thu hút được NLĐ trở lại tham gia thị trường, dẫn tới thiếu LĐ cho giai đoạn phục hồi kinh tế.
“Dịch bệnh đã làm bộc lộ khó khăn của NLĐ, khi lương không đủ sống, không có tích lũy, phải tăng ca, làm thêm liên tục. Từ đầu năm tới nay, sau 2 năm lương tối thiểu không tăng nên doanh nghiệp cũng không điều chỉnh lương, dẫn tới phát sinh các vụ tranh chấp LĐ yêu cầu tăng lương, tăng trợ cấp. Do đó, chúng tôi đề xuất tăng lương ngay từ 1/7 tới thay vì để tới đầu năm sau”, ông Quảng nói.
Cơ quan đại diện NLĐ không nói rõ về mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thời gian tới, nhưng theo ông Quảng, mức tăng lương ít nhất phải bù được trượt giá 2 năm qua để giữ thu nhập thực tế của NLĐ, khả năng chi trả của DN. Nếu tăng bằng mức bình quân của giai đoạn trước, sau 2 năm, lần này phải tăng gần 15%, DN sẽ không chịu được, nên cần tính toán mức tăng hài hòa hơn.
Phía đại diện NLĐ cũng đề xuất xem xét lại công thức tính nhu cầu sống tối thiểu. Do công thức hiện hành vẫn lấy tỷ lệ lương thực, thực phẩm (ăn uống) chiếm 48%, nhu cầu phi lương thực (văn hóa, học hành, giải trí...) chiếm 52%. Theo ông Quảng, đây là tỷ lệ áp dụng cho các nước có nền kinh tế - xã hội kém phát triển, khi nhu cầu ăn no quan trọng hơn các nhu cầu khác. Trong khi Việt Nam đã thuộc nước thu nhập trung bình thấp, tỷ lệ lương thực thực phẩm cần giảm xuống và tăng các nhu cầu phi thực phẩm.
Cụ thể, nhiều năm qua Việt Nam vẫn lấy mức tiền thuê nhà là 194.000 đồng/người/tháng trong khi với đô thị, không thể thuê được nhà với mức giá này. Trong khi theo quy định, từ năm 2021, Tổng cục Thống kê là cơ quan công bố chỉ số nhu cầu sống tối thiểu, nhưng tới nay vẫn chưa có. Do đó, ông Quảng kỳ vọng thời gian tới Tổng cục Thống kê có thể công bố chỉ tiêu này làm căn cứ cho tăng tăng lương tối thiểu vùng.
Dự kiến, tuần tới Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ nhóm họp lần 2 để bàn tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2023, tại phiên họp này các bên sẽ đưa ra đề xuất về mức tăng theo khảo sát của mình để cùng thảo luận, đi tới thống nhất.