Đề xuất tăng giá xăng dầu từ 1/9 để giảm khó khăn cho các thương nhân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong văn bản kiến nghị gửi Bộ Công Thương ngày 29/8, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng: Nếu để kéo dài việc điều chỉnh giá tới ngày 5/9, thay vì vào ngày 1/9 như quy định sẽ khiến cho giá bán lẻ xăng dầu trong nước có độ trễ, không phản ánh đúng xu hướng tăng của giá xăng dầu thế giới, gây khó khăn cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu...

Theo Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, trong thời gian vừa qua, mặc dù giá xăng dầu thế giới liên tục có những diễn biến phức tạp, khó lường với các biến động tăng giảm đan xen trong biên độ lớn nhưng giá xăng dầu trong nước cơ bản vẫn giữ được sự ổn định nhờ sử dụng tốt các công cụ như thuế, quỹ bình ổn giá,…đồng thời cũng ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các thương nhân kinh doanh xăng dầu.

Hiện tại, tổng nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, giá xăng dầu thành phẩm thế giới tiếp tục có chiều hướng tăng, đặc biệt là những mặt hàng dầu Diesel (tính đến ngày 25/8/2022 tăng 16,6% so với kỳ điều hành ngày 22/8/2022).

Đề xuất tăng giá xăng dầu từ 1/9 để giảm khó khăn cho các thương nhân ảnh 1

Do rơi vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày nên thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu dự kiến lùi sang ngày 5/9.

Theo Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, kỳ điều hành giá tới theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP được thực hiện vào thứ năm (ngày 1/9/2022). Tuy nhiên, ngày 1/9/2022 là ngày nghỉ đối với cán bộ là công chức, viên chức (đối tượng được nghỉ thứ bảy, chủ nhật) còn các đối tượng khác (một tuần chỉ nghỉ ngày chủ nhật như đại bộ phận người lao động ngành xăng dầu) thì ngày 1/9/2022 vẫn làm việc.

Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng, trong trường hợp này, Nghị định 95/2021/NĐ-CP không quy định cụ thể sẽ lựa chọn ngày nào là ngày nghỉ lễ chính thức.

Nếu lựa chọn ngày 2/9/2022 là ngày nghỉ thì việc điều chỉnh giá phù hợp với chu kỳ 10 ngày theo quy định. Chọn ngày nghỉ là ngày 1/9/2022 thì việc điều hành giá sẽ được chuyển sang ngày 5/9/2022.

"Điều này khiến cho giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ có độ trễ nhất định, không phản ánh đúng xu hướng tăng của giá xăng dầu thế giới, gây khó khăn cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn và đặc biệt tạo ra tâm lý găm hàng, đầu cơ gây bất ổn cho thị trường", văn bản của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam nêu.

Trên cơ sở tập hợp ý kiến của các hội viên, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề nghị vẫn cho điều hành giá xăng dầu vào đúng kỳ điều hành 1/9/2022 để vừa giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, vừa tạo thuận lợi cho các đơn vị này tạo nguồn nhằm phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ trong 4 ngày nghỉ lễ (từ 1/9 đến 4/9).

Tại kỳ điều hành trước đó (22/8), Liên bộ Công Thương - Tài chính công bố điều chỉnh giá xăng, theo hướng giữ nguyên giá xăng và tăng giá các loại dầu. Cụ thể, xăng E5 RON92 và RON95 giữ nguyên mức 23.725 đồng/lít và 24.669 đồng/lít.

Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 850 đồng/lít, giá bán không cao hơn 23.759 đồng/lít. Giá dầu hỏa là 24.056 đồng/lít (tăng 736 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).

MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.