Đề xuất phạt 'nguội' người xả rác bừa bãi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các chuyên gia cho rằng cần tăng thêm lực lượng chức năng và có cơ chế khen thưởng cho người phát hiện, tố giác các đối tượng đổ rác không đúng quy định. Song song đó, cần áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý các điểm phát sinh rác thải, phạt “nguội” người vi phạm…

Kênh rạch kêu cứu

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm dài 6,8 km vừa được TPHCM chi hơn 5.000 tỷ đồng để cải tạo, hồi sinh nhưng đang đứng trước nguy cơ bị bức tử bởi vấn nạn xả rác bừa bãi. Trưa 23/8, tại đoạn kênh chảy qua quận 6, phóng viên ghi nhận nhiều loại rác thải, túi nilon, thùng xốp trôi nổi trên dòng kênh. Rác thải sinh hoạt cũng bị một số người vứt bừa bãi ven bờ kênh gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.

Đề xuất phạt 'nguội' người xả rác bừa bãi ảnh 1

Công nhân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Ảnh: Hữu Huy

Cũng trên một tuyến kênh khác vừa được chi tiền tỷ để cải tạo là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nước thải kèm rác từ hệ thống cống đổ về điểm đầu tuyến kênh thuộc quận Tân Bình khiến nước kênh khu vực này bốc mùi hôi và thường xuyên bị ô nhiễm. Từ đầu năm đến nay, đoạn kênh này đã xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những năm qua, TPHCM phải thường xuyên chi tiền thu gom rác trên sông và các kênh rạch. Vừa qua, UBND TPHCM đồng ý chi hơn 8,5 tỷ đồng thuê đơn vị vớt rác trên sông Sài Gòn (đoạn từ ngã ba kênh Tẻ đến cầu Sài Gòn với chiều dài 6,2 km). Việc gom rác được thực hiện 2 ngày/lần, thời gian kéo dài từ tháng 7 đến hết năm 2023. Dự kiến, lượng rác vớt được khoảng 1.800 tấn.

“Đây là vấn đề nan giải, chủ yếu đến từ ý thức của một bộ phận người dân, mặt khác cũng do chưa có chính sách khen thưởng cho việc phát giác, tố giác đối với hành vi đổ, xả rác không đúng quy định”.

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức

Nhiều chuyên gia đô thị nhận xét, việc TPHCM chi tiền vớt rác thải trên kênh chỉ tạm thời giải quyết phần ngọn của vấn đề và cần thêm các giải pháp để xử lý tình trạng xả rác bừa bãi ra môi trường ở đô thị đông dân nhất nước.

Cần nhiều giải pháp

Chiều 23/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TPHCM phối hợp Sở TN&MT, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TPHCM tổ chức hội nghị chuyên đề Giải pháp đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường”, giai đoạn 2023 - 2025.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết, với mật độ dân cư đông, Thủ Đức đối mặt với các thách thức lớn về ô nhiễm môi trường, lấn chiếm lòng lề đường. Theo lãnh đạo UBND TP Thủ Đức, địa phương đã thực hiện việc ký cam kết giải quyết dứt điểm các điểm rác phát sinh, đảm bảo các điểm ô nhiễm được giải quyết triệt để. Thủ Đức số hoá những điểm phát sinh về rác để lãnh đạo 34 phường trên địa bàn thành phố có thể theo dõi theo thời gian thực tế. Đến thời điểm này, việc xử lý các điểm rác phát sinh đã được giải quyết triệt để.

“Cần tăng cường lực lượng chức năng và cần có cơ chế khen thưởng cho người phát hiện, tố giác các đối tượng đổ rác không đúng quy định. Bên cạnh đó, thành phố cần ứng dụng CNTT trong quản lý các điểm rác phát sinh”, ông Phùng nêu ý kiến.

Theo ông Nguyễn Trọng Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Grac, vứt rác bừa bãi đã trở thành một thói quen xấu khó bỏ của nhiều người, tạo ra hình ảnh nhếch nhác, phản cảm cho đô thị, đồng thời ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Từ thực tế này, Grac đã phát triển phần mềm ứng dụng (app) nhằm góp phần giải quyết vấn đề. Theo đó, khi phát hiện hành vi xả rác không đúng quy định, người dân có thể chụp hình/quay video và đăng lên ứng dụng. Thông tin này sẽ được chuyển dữ liệu đến UBND phường và đơn vị thu gom rác để có hướng xử phạt theo quy định. Hiện nay, TPHCM đã có 135 phường và 12 Phòng TN&MT sử dụng ứng dụng này.

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến đề nghị MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội duy trì việc triển khai và phát triển phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận và xử lý nhanh chóng, kịp thời ý kiến, phản ánh của người dân về nạn xả rác ra đường và kênh rạch; các điểm ô nhiễm, các hành vi vi phạm về môi trường...

“Cần tăng cường công tác xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường. Triển khai sử dụng hình ảnh trích xuất từ hệ thống camera giám sát để xử lý các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường. Hình thức xử lý từ nhắc nhở trực tiếp, nhắc nhở thông qua tổ dân phố đến phạt tiền thông qua hình ảnh ghi nhận được” bà Yến nói.

MỚI - NÓNG
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
TPO - CSGT Hải Phòng đang hoàn thiện hồ sơ xử phạt hành chính, tước GPLX tài xế Trần H.H (quê Hà Giang) vì chở 90 người trên ô tô khách 43 chỗ (41 giường nằm, 2 ghế ngồi) và đón khách không đúng nơi quy định.