Đề xuất “mở” quy định chỉ sinh từ một đến hai con

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Theo Bộ Y tế, Pháp lệnh Dân số hiện hành còn nhiều hạn chế, tồn tại cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Một trong những nội dung lớn được quan tâm tại dự thảo Luật Dân số là quy định về quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động về DS-KHHGĐ. 

Theo đó, mỗi cặp vợ chồng, cá nhân được quyền quyết định có trách nhiệm, bình đẳng về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh theo quy định của Nhà nước về mức sinh thay thế trong phạm vi cả nước và mỗi địa phương. 

Đối với quy định về số con nhằm xác lập quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế đưa ra hai phương án.

Phương án 1: Các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con. Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến 2 con, quy định chính sách, biện pháp trong từng giai đoạn, từng vùng, tỉnh, thành phố để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước, giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.

Phương án 2: Tiếp tục quy định như hiện hành để các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền và nghĩa vụ quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian và khoảng cách sinh con. Sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Quy định chính sách, biện pháp trong từng giai đoạn, từng vùng, tỉnh, thành phố để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước, giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; khuyến khích thực hiện mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.

Cả hai phương án trên đều có những ưu và nhược điểm nhất định nên chọn phương án nào cũng phải có biện pháp khắc phục những nhược điểm, hệ lụy tiếp theo.

Theo Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) - Bộ Y tế, dự thảo Luật Dân số do Bộ này chủ trì xây dựng đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Một trong những nội dung lớn được quan tâm tại dự thảo là quy định về quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động về DS-KHHGĐ. Theo đó, mỗi cặp vợ chồng, cá nhân được quyền quyết định có trách nhiệm, bình đẳng về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh theo quy định của Nhà nước về mức sinh thay thế trong phạm vi cả nước và mỗi địa phương.
Cũng theo Bộ Y tế, so với thời điểm hoạch định chính sách DS-KHHGĐ (năm 1961), dân số nước ta hiện nay đã xuất hiện những đặc điểm và những xu hướng mới. Những đặc điểm và xu hướng này sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển bền vững của Việt Nam theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, mục tiêu của chính sách DS-KHHGĐ là giảm sinh hiện đã đạt được một cách vững chắc. Dự báo, dân số Việt Nam giai đoạn tới vẫn tiếp tục tăng nhưng sẽ chậm lại (giai đoạn 2009-2019 bình quân hàng năm khoảng 1%, sau đó sẽ dưới 1%). Năm 2025, nước ta sẽ có 100 triệu dân và tiếp tục tăng chậm lên đến khoảng 106-107 triệu vào giữa thế kỷ. Bên cạnh đó, dân số Việt Nam đã bước vào quá trình già hóa...
“Trước đây, chính sách DS-KHHGĐ chỉ tập trung vào một nội dung là KHHGĐ với mục tiêu giảm sinh thì nay, chính sách dân số mới sẽ phải tính tới nhiều nội dung hơn, với phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Riêng về chính sách KHHGĐ, chúng ta sẽ chuyển trọng tâm nhưng không phải là “từ bỏ KHHGĐ” mà KHHGĐ được thực hiện theo phương thức mới”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Điều này có nghĩa là phải giải quyết toàn diện các vấn đề không chỉ về quy mô dân số mà phải tính tới cả cơ cấu, phân bố dân số ở từng vùng, đặc biệt là phải nâng cao chất lượng dân số. Do đó, việc xây dựng Luật Dân số tới đây sẽ phải đáp ứng được đầy đủ các yếu tố này.
Trong tài liệu gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định dự Luật Dân số, Bộ Y tế khẳng định Pháp lệnh Dân số hiện hành còn nhiều hạn chế, tồn tại cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.
Việt Nam đã ký kết để trở thành thành viên của một số điều ước quốc tế có liên quan mật thiết đến quyền con người, quyền sinh sản, trong đó đều nhấn mạnh quyền tự do và trách nhiệm như nhau khi quyết định về số con, khoảng cách giữa các lần sinh.
Trong khi đó, Pháp lệnh Dân số sửa đổi năm 2003 quy định có tính chất “bắt buộc” về số con cho mỗi cặp vợ chồng, cá nhân “sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”. Điều 17 Nghị định số 104/2003 của Chính phủ cũng quy định mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có nghĩa vụ: “Thực hiện quy mô gia đình ít con - có 1 hoặc 2 con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững”.
Bộ Y tế tính toán, số lượng người cao tuổi sẽ tăng nhanh trong 20 năm tới, từ khoảng 11 người dân mới có 1 người cao tuổi năm 2010 lên 6 người dân có 1 người cao tuổi năm 2029. Thời gian quá độ từ “già hóa dân số” sang “dân số già” của Việt Nam chỉ khoảng 18 năm, ngắn hơn rất nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển.
Bộ Y tế dẫn chứng, từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã duy trì tổng tỷ suất sinh ổn định trong khoảng 2-2,1 con. Tuy mức tăng quy mô dân số đã được cải thiện (tăng khoảng 1,5 triệu người/năm giảm xuống trên 900 ngàn người/năm) nhưng là nước có quy mô dân số đứng thứ 14 trên thế giới, thứ 8 châu Á, thứ 3 Đông Nam Á.
Trong thời gian tới, mức sinh có khả năng biến động khó lường: Mức sinh tăng trở lại hoặc tiếp tục giảm xuống mức rất thấp như một số nước đã gặp phải; mức sinh được duy trì ở mức sinh thay thế có biện pháp, chính sách điều chỉnh thích hợp, có hiệu quả.
Chính vì thế, mục tiêu chính sách mà Bộ Y tế mong muốn là phải duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý để bảo đảm quy mô dân số không quá 98 triệu người vào năm 2020, tạo cơ sở vững chắc để tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức 115-120 triệu người từ giữa thế kỷ XXI.
Tuy vậy, theo Bộ Y tế, kinh nghiệm của các nước trên thế giới đi trước cho thấy, khi đạt mức sinh thay thế, nếu chậm nới lỏng các biện pháp kiểm soát sinh sản thì mức sinh sẽ giảm xuống mức rất thấp, khó kéo lên được, dân số suy giảm để lại hậu quả bất lợi cho kinh tế xã hội và sự phát triển bền vững trong tương lai.

MỚI - NÓNG