Đó là một trong những nội dung tại công văn về việc đảm bảo an toàn hệ thống thủy lợi sông Nhuệ do UBND thành phố Hà Nội mới ban hành.
Theo UBND thành phố Hà Nội, những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, trên địa bàn thành phố có mưa to và rất to, mực nước sông Nhuệ lên cao.
Hiện nay, đê sông Nhuệ bị ngâm nước nhiều ngày đã xảy ra nhiều sự cố tại địa bàn các quận, huyện. Theo dự báo, trong những ngày tới trên địa bàn thành phố có khả năng tiếp tục có mưa to, nguy cơ đe dọa đến an toàn hệ thống thủy lợi sông Nhuệ.
Lực lượng chức năng khắc phục sự cố đê sông Nhuệ tại xã Đại Áng, huyện Thanh Trì |
Để đảm bảo an toàn các kênh, trục chính hệ thống thủy lợi sông Nhuệ, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Đan Phượng… nghiêm cấm xe vượt quá tải trọng cho phép đi trên bờ kênh, trục chính hệ thống thủy lợi sông Nhuệ trên địa bàn.
Đối với các tuyến sông, kênh đang xảy ra sự cố, thực hiện cắm biển cảnh báo, cấm người và phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn công trình, tính mạng người dân. Đồng thời, tăng cường trực ban, kiểm tra để phát hiện sớm nguy cơ vỡ bờ kênh và sự cố công trình thủy lợi.
UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu UBND các quận, huyện liên quan chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ nhân lực, vật lực. Đồng thời, kịp thời xử lý giờ đầu sự cố phát sinh theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đến sản xuất và dân sinh.
UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội vận hành trạm bơm Yên Sở, đập Thanh Liệt để tiêu hỗ trợ hạ thấp mực nước sông Nhuệ, đảm bảo an toàn đê điều.
Trước đó, do ảnh hưởng của mưa lũ, mực nước sông Nhuệ dâng cao dẫn đến tràn đê và sạt lở tại một số điểm thuộc tuyến đê sông Nhuệ. Ví như, đoạn đê sông Nhuệ thuộc địa bàn xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) đã bị sạt lở ngày 10/9. Lực lượng chức năng huyện Thanh Trì đã huy động gần 1.000 người xuyên đêm khắc phục sự cố.