Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, những ngày qua, tại Bắc Bộ liên tiếp xảy ra mưa rất lớn trên diện rộng, lũ trên hầu hết các tuyến sông lên mức báo động 3, thậm chí trên nữa và còn duy trì ở mức cao trong những ngày tới; đồng thời, mưa lớn cũng gây ngập úng nội đồng, nhiều trạm bơm đang vận hành bơm tiêu úng qua đê.
Để đảm bảo an toàn chống lũ của đê, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đề nghị 21 chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Công ty khai thác công trình thủy lợi, các đơn vị quản lý, vận hành các trạm bơm tiêu trên địa bàn khẩn trương kiểm tra, rà soát tất cả các trạm bơm tiêu qua đê thuộc phạm vi quản lý; chỉ vận hành bơm tiêu cưỡng bức ra sông theo quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo an toàn chống lũ của đê.
Các địa phương cần ứng trực 24/24h trong quá trình vận hành tiêu úng; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn chống lũ của đê.
Một đoạn đê sông Lô qua địa bàn xã Quyết Thắng (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) bị vỡ. |
Các đơn vị quản lý, vận hành trạm bơm hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn chống lũ của đê do việc vận hành trái quy trình gây ra.
21 tỉnh thành phố bao gồm Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Hòa Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, An Giang, Đồng Tháp, Long An.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, tính đến 21h ngày 12/9, mực nước lũ trên nhiều tuyến sông có đê đã vượt báo động 3, đặc biệt trên sông Thao thuộc tỉnh Yên Bái, Phú Thọ đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1971 trên 1 m. Hệ thống đê đã phát sinh nhiều sự cố như đùn sủi, thẩm lậu, sạt lở đê, sự cố rò rỉ nước qua cánh van cống, tràn một số tuyến đê cấp IV, cấp V, đê bao, đê bối,... Nhiều địa phương đã thực hiện nghiêm túc công tác tuần tra canh gác, phát hiện và xử lý ngay giờ đầu nên đến nay các tuyến đê sông từ cấp III trở lên vẫn đảm bảo an toàn chống lũ.
Tuy nhiên, đến nay đã xảy ra 133 sự cố đê điều (tăng 63 sự cố so ngày 11/9) trên địa bàn 12 tỉnh/thành phố Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam,Ninh Bình và Nam Định. Trong đó có 61 sự cố xảy ra trên các tuyến đê từ cấp III trở lên: 17 sự cố sạt lở đê; 19 sự cố cống qua đê, 7 sự cố đùn sủi, 8 sự cố lỗ rò thân đê, 9 sự cố thẩm, 1 sự cố sạt lở kè…
Đẩy nhanh triển khai dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến đê để chống ngập cho Chương Mỹ
Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn tại buổi kiểm tra công phòng chống, khắc phục hậu quả lũ lụt tại huyện Chương Mỹ chiều ngày 13/9.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Chương Mỹ, đến chiều 13/6, mực nước lũ sông Bùi vẫn duy trì ở mức 7,8m, vượt báo động 3. Mưa lũ đã làm 35 thôn, 3.069 hộ và 14.361 nhân khẩu bị ngập lụt. Huyện đã huy động 6.005 người, chuẩn bị 75.000 bao tải, 5.150m2 bạt và 9.419m3 đất đá, 178 phương tiện đắp bao cát, chống nước lũ tràn vào khu vực dân cư. Huyện đã tổ chức sơ tán 2.038 hộ với 7.337 nhân khẩu, tiếp tục rà soát, tổ chức sơ tán ngay các hộ dân bị ngập lụt đến nơi an toàn.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn trao đổi về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Chương Mỹ. |
Hiện các xã Mỹ Lương, Tốt Động, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ… tiếp tục huy động lực lượng, vật tư, phương tiện chống tràn tuyến đê; rà soát, di dời các hộ dân bị úng ngập đến nơi an toàn.
Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn đánh giá cao sự chủ động, nỗ lực của huyện Chương Mỹ trong công tác phòng ngừa, ứng phó với mưa lũ, bảo đảm đời sống người dân.
Toàn huyện Chương Mỹ có 35 thôn, xóm bị ngập do mưa lũ. |
Ông Tuấn đề nghị huyện Chương Mỹ ưu tiên rà soát, sơ tán người dân sinh sống ở vùng ngập úng sâu đến các vị trí an toàn. Chuẩn bị đầy đủ, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân tại các địa điểm sơ tán. Đồng thời, giao các sở, ngành liên quan hỗ trợ huyện Chương Mỹ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đê tả Bùi, hữu Đáy, bảo đảm an toàn giao thông và phòng chống thiên tai, lũ lụt.
Được biết, các xã Nam Phương Tiến, Tấn Tiến, Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) bị ảnh hưởng nặng nhất do mưa lũ. Lãnh đạo UBND xã Nam Phương Tiến cho biết, xã có 4 thôn bị ngập sâu do mưa lũ. UBND xã đã di tản hơn 800 hộ đến nơi an toàn. Trong khi đó, xã Tân Tiến có hơn 400 hộ bị ngập úng, trong đó hơn 170 hộ đã được di tản đến nơi tạm trú an toàn.