Ngày 23/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm việc với Kiểm toán Nhà nước. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, đến ngày 15/8/2016, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai 161/223 đoàn kiểm toán, kết thúc 115/223 đoàn kiểm toán; xét duyệt 79 dự thảo báo cáo kiểm toán; phát hành 38 báo cáo kiểm toán; cung cấp 7 bộ hồ sơ, tài liệu kiểm toán cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng.
Tổng hợp sơ bộ kết quả từ 79 báo cáo kiểm toán đã phát hành và trình xét duyệt cho thấy: Tổng số kiến nghị xử lý tài chính là 7.240 tỷ đồng; trong đó tăng thu ngân sách nhà nước 1.137 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 2.093 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 4.010 tỷ đồng...
Cũng tại buổi làm việc, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, trong 7 tháng năm nay, cơ quan chức năng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời cơ chế quản lý các dự án BOT. Theo ông Phớc, sau kiểm toán, thời gian thu phí của 4 trạm BOT được đề nghị rút ngắn khoảng 5 năm trở lên. "Có trạm BOT thời gian thu phí 24 năm, Kiểm toán Nhà nước đề nghị giảm 11 năm, thu phí 13 năm thôi," ông Hồ Đức Phớc nói.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, vấn đề quản lý tài sản công rất lớn nhưng độ phủ còn hạn chế, chưa kiểm soát hết, nhất là tài sản của Nhà nước; nhiều khoản đầu tư lớn nhưng mới chỉ kiểm toán tuân thủ, còn kiểm toán hoạt động ở mức nhất định; tính pháp lý của báo cáo kiểm toán còn chưa cao…
“Kiểm toán Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ các tài sản quốc gia, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực để xây dựng và hướng tới một nền tài chính công công khai, minh bạch”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, ngoài việc tổ chức kiểm toán thường xuyên, Kiểm toán Nhà nước cần đẩy mạnh kiểm toán chuyên đề đối với những vấn đề bức xúc hiện nay như các dự án ODA, BOT; công khai, minh bạch kết quả kiểm toán thông qua hệ thống thông tin đại chúng…