Tai nạn giao thông: Nỗi đau dai dẳng- Bài 3

Để không còn những nỗi đau

Cuộc sống gia đình anh Huỳnh Văn Cường, xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đang lâm vào đường cùng sau tai nạn giao thông
Cuộc sống gia đình anh Huỳnh Văn Cường, xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đang lâm vào đường cùng sau tai nạn giao thông
TP - Phía sau những vụ tai nạn giao thông thảm khốc là cuộc sống cơ cực, thậm chí bần cùng của các nạn nhân. Làm thế nào để ổn định cuộc sống, thu nhập, việc làm cho những nạn nhân này đang là vấn đề đau đầu với cơ quan chức năng và xã hội.

Thiếu chính sách hỗ trợ nạn nhân

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban an toàn giao thông (ATGT) TPHCM cho biết, hiện nay, mỗi khi xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, để hỗ trợ các nạn nhân thì phải làm thủ tục xin kinh phí từng đợt. “Còn đối với các nạn nhân bị tai nạn dẫn đến tàn phế cũng chỉ có chương trình hỏi thăm từng đợt chứ chưa có chương trình hỗ trợ lâu dài”- ông Tường chia sẻ.

Mới đây Ban ATGT kiến nghị UBND TPHCM và đang xây dựng quy chế cụ thể để hỗ trợ cho các nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Theo đó, tai nạn nghiêm trọng mỗi người chết được 5 triệu đồng, người bị thương nặng 3 triệu và bị thương nhẹ 1 triệu đồng. “Việc làm này để mỗi lần xảy ra sự cố sẽ có biện pháp xử lý, hỗ trợ lập tức cho các nạn nhân thay vì phải làm thủ tục rườm rà như hiện nay”- ông Tường nói.

Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đang triển khai các chương trình cụ thể để thăm hỏi, chăm sóc gia đình các nạn nhân trong những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. “Hiện nay, Ủy Ban ATGT Quốc gia đang triển khai chương trình chăm lo cho những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc những gia đình nạn nhân có con chưa đủ 18 tuổi đang là học sinh mà gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo thì đang tính toán để cấp học bổng cho các em. Còn những gia đình quá khó khăn thì sẽ đề nghị lập danh sách xem xét cấp sổ tiết kiệm để hỗ trợ...”, ông Tường thông tin.

Tính mạng của con người là trên hết

Hai vụ tai nạn giao thông ở quận Thủ Đức, TPHCM mới đây làm 8 người chết khiến Thủ Đức trở thành quận có số người chết cao nhất với 32 người (tăng 11 người so với cùng kỳ năm 2014). Nơi đây cũng trở thành nỗi ám ảnh khi xuất hiện hai điểm đen về tai nạn giao thông ở khu vực đường Tam Bình (thuộc phường Tam Phú) và đoạn trên QL1 trước cổng Khu chế xuất Linh Trung (phường Linh Trung).

Để không còn những nỗi đau ảnh 1

Vụ tai nạn cướp đi mạng sống 5 người trong một gia đình sáng 31/5

Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức cho rằng tai nạn giao thông dẫn đến chết người chủ yếu do người tham gia giao thông không chấp hành quy định về an toàn giao thông. Hơn nữa, địa bàn quận Thủ Đức cũng thường xuyên diễn ra tình trạng ùn ứ, ùn tắc ở một số nút giao thông nên không đảm bảo an toàn. Dù so với cùng kỳ năm 2014, tai nạn đã giảm đáng kể ở TPHCM, tuy nhiên, theo ông Tường tình hình về trật tự an toàn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp. “Nhiều vụ tai nạn liên tiếp xảy ra có liên quan đến xe đầu kéo, container”- ông Tường nói và giải thích nguyên nhân do lực lượng chức năng tăng cường xử lý xe quá tải, các doanh nghiệp chuyển từ xe tải sang xe container dẫn đến thiếu tài xế, nhiều doanh nghiệp thừa nhận sử dụng tài xế chưa đủ tiêu chuẩn, tài xế sử dụng bằng giả FC để lái xe đầu kéo, container,… tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.

Để kéo giảm tai nạn giao thông, đại diện Ban ATGT TPHCM nói ngoài xây dựng văn hóa giao thông cho người dân, quan trọng đầu tiên là ý thức trách nhiệm và đạo đức người tài xế, các chủ doanh nghiệp cần có trách nhiệm, không vì lợi ích của cá nhân mà bất chấp thiệt hại của người khác.

Ông Tường đề xuất quận Thủ Đức phải mở dải phân cách cứng ở ngã tư đường số 4 - QL1A để giải quyết ùn tắc tại cầu vượt Linh Xuân, thu hồi đèn tín hiệu giao thông tại đây. Ngoài ra, cần xây mới hai cầu vượt bộ hành trên QL1A. Nhắc đến những trường hợp bị tai nạn sống lay lắt quãng đời còn lại, ông Tường nói: “Hàng năm đi thăm các trường hợp này mơi thấy được sự bi thương. Có những gia đình mất hết, có gia đình cha mất, mẹ mất, họ phần lớn là những lao động chính trong gia đình. Nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến riêng gia đình nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến cả xã hội... Vì vậy, mỗi người khi tham gia giao thông cần có ý thức tự giác chấp hành luật giao thông, phải coi tính mạng con người là trên hết...”.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2015 trên cả nước xảy ra gần 11.179 vụ tai nạn, làm chết 4.478 người, 10.149 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 1.648 vụ, giảm 211 người chết và 2.114 người bị thương. Trong đó, tại TPHCM xảy ra 1.783 vụ làm chết 334 người, bị thương 1.549 người.

MỚI - NÓNG